Bài học nhận thức từ Miura

10/10/2015 09:33 GMT+7

(TNO) Các cầu thủ tiếc. Ông chủ tịch VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam ) tiếc. Người hâm mộ tiếc. Vậy HLV trưởng Toshiya Miura có tiếc không?

(TNO) Các cầu thủ tiếc. Ông chủ tịch VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) tiếc. Người hâm mộ tiếc. Vậy HLV trưởng Toshiya Miura có tiếc không?

HLV Miura đứng ngồi không yên trong trận đấu với Iraq - Ảnh: Bạch Dương
Câu trả lời "không" chỉ đúng trong trường hợp ông Miura là người máy, sống nhờ một trái tim được chế tạo bằng máy. Dĩ nhiên, ông không "máy" đến cỡ ấy. Nhìn cái cách ông cười tươi sau bàn mở tỷ số của Công Vinh rồi cái cách ông ôm đầu sau pha dứt điểm hỏng ăn của Mạc Hông Quân, dễ thấy ông cũng có những nốt thăng - nốt trầm đầy xúc cảm.
Vấn đề là khi cái xúc cảm ấy qua đi, những khoảnh khắc bước ngoặt của một trận đấu qua đi, mà chỉ vừa qua đi thì ông đã lập tức trở về trạng thái nhận thức khách quan, cân bằng. Ông nói trong phòng họp báo sau trận Việt Nam - Iraq: "Kết quả hòa là hợp lý". Câu nói này thể hiện một tư duy rất khác so với cái tư duy của ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thông qua phát biểu của ông Dũng trên một tờ báo: "Nếu trọng tài cắt còi đúng giờ, Việt Nam đã thắng".
 
Cách nói này đẩy người nghe vào suy nghĩ: dường như trọng tài đã cắt còi sai giờ. Và dường như chúng ta không thắng vì... lý do trọng tài. Sự thực, trọng tài bàn báo thời gian bù giờ 5 phút, còn trọng tài chính lại kéo trận đấu sang phút thứ 6, tạo ra một độ chênh nhất định và ông chủ tịch VFF đã "khoét" vào cái độ chênh có khoảng cách 1 phút đồng hồ ấy.
 
Nó có đáng để "khoét" đến vậy không? Về luật, việc trọng tài chính kéo dài trận đấu thêm vài phút so với số phút bù giờ được thông báo không sai chút nào. Luật bóng đá cho phép trọng tài làm điều đó nếu trong thời gian bù giờ, trận đấu vẫn bị "xé lẻ" bởi những pha nằm sân hay bóng chết. Còn về tình và về tầm, hoạch hoẹ trọng tài quanh 1 phút chênh lệch rõ ràng là không đáng.
 
Rất may, người cầm lái đội tuyển, người định hướng tư tưởng cho cđội tuyển - HLV Miura đã không hoạch hoẹ như thế. Ông Miura cũng giấu cái tiếc nuối vào sâu bên trong để thể hiện ra ngoài, trước đông đảo thiên hạ một phát biểu - một sản phẩm tư duy cực kỳ lý tính: "Kết quả hòa là hợp lý".
Trọng tài người Úc Beath Christopher (phải) - Ảnh: Bạch Dương
Ông thậm chí còn khuyên báo giới, người hâm mộ đừng tiếc nuối quá, rồi đừng lạc quan, kỳ vọng quá, bởi những gì diễn ra ở AFF Cup năm 2014 và SEA Games năm 2015 cho thấy người hâm mộ thường đặt vào đội bóng của ông rất nhiều cảm xúc nhất thời chỉ ngay sau một trận đấu, để rồi sau đó lại nhanh chóng... vỡ cảm xúc và thất vọng.
 
Rõ ràng là ông Miura đang rất lỳ và rất lạnh. Nó khác hẳn với kiểu tư duy vốn bị chi phối bởi quá nhiều cảm xúc, mà phần lớn chỉ là những cảm xúc nhất thời của nhiều người, nhiều đối tượng tham gia đời sống bóng đá Việt Nam.
 
Nhìn ở góc độ văn hóa, nói như giáo sư Trần Ngọc Thêm thì văn hóa Việt Nam là "văn hóa âm tính", và con người Việt Nam vì thế là con người duy cảm. Hẳn nhiên, duy cảm có cái hay của duy cảm, nhưng có chỗ dở là luôn thiếu khả năng nhận thức lý tính và bền vững. Cái thiếu ấy đã và đang làm hại chúng ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có bóng đá - cái lĩnh vực dễ làm nảy sinh cảm xúc hơn bất cứ lĩnh vực nào.
 
Thế nên khi người Nhật Miura lì và lạnh, và khuyên chúng ta đừng nên thể hiện cảm xúc quá đà thì cũng là lúc chúng ta học được một bài học lớn về nhận thức.

Bài học ấy, chính những người chóp bu trong ngôi nhà VFF cũng cần phải học, để tránh cái kiểu sau một trận thua sốc đã vội vã tuyên bố "sẽ mời cơ quan điều tra vào cuộc" còn sau một trận để vuột chiến thắng lại vỗ vã nghĩ  ngay đến...lý do trọng tài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.