Bài học thoát hiểm từ vụ cháy máy bay ở Nhật Bản

Khánh Như
Khánh Như
05/01/2024 06:00 GMT+7

Cuộc điều tra vụ 2 máy bay va chạm trên đường băng ở sân bay quốc tế Haneda (Tokyo, Nhật Bản) 3 ngày trước vẫn đang diễn ra, nhằm xác định nguyên nhân và giải mã "kỳ tích".

Công bố thông tin

Chiếc máy bay Airbus A350 của Hãng Japan Airlines va chạm với máy bay của lực lượng tuần duyên Nhật Bản trên cùng đường băng vào chiều tối 2.1 rồi bốc cháy dữ dội. Tất cả 379 người trên máy bay chở khách đều an toàn và có 14 người bị thương, trong khi 5 trong số 6 người trên máy bay tuần duyên thiệt mạng và người còn lại bị thương nặng, theo Reuters. Từ sáng 4.1, giới chức điều tra Nhật Bản bắt đầu thẩm vấn các phi công của máy bay thương mại. Đài NHK dẫn hồ sơ liên lạc vô tuyến giữa trạm kiểm soát không lưu và máy bay chở khách của Japan Airlines cho thấy 2 bên không thảo luận về kế hoạch hạ cánh trước vụ va chạm.

Bài học thoát hiểm từ vụ cháy máy bay ở Nhật Bản- Ảnh 1.

Máy bay chở khách bốc cháy tại sân bay Haneda ở Tokyo hôm 2.1

REUTERS

Ngoài ra, Bộ Giao thông Nhật Bản, cơ quan công bố thông tin trên, cũng tiết lộ khả năng các nhân viên kiểm soát không lưu không biết rằng máy bay tuần duyên đã đi vào đường băng. Báo cáo tương tự cho thấy vào thời điểm xảy ra va chạm, máy bay tuần duyên chưa được phép cất cánh. Còn theo Japan Airlines, các phi công của hãng đã báo cáo rằng họ không nhìn thấy được máy bay tuần duyên khi tiếp cận đường băng.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Saito Tetsuo cùng ngày nói bộ này đang trình tài liệu khách quan và sẽ hợp tác điều tra để ngăn sự cố tương tự tái diễn. Ngoài ra, Ủy ban Vận tải an toàn Nhật Bản cũng đang phối hợp với các cơ quan ở Pháp, nơi máy bay Airbus được thiết kế; và ở Anh, nơi sản xuất một số động cơ, để hiểu rõ về vụ việc.

Nhân chứng kể cảnh 'sợ muốn chết' trong máy bay bùng cháy ở Nhật Bản

Quy trình sơ tán

Cùng lúc công bố thông tin điều tra, nỗ lực sơ tán trên máy bay Airbus A350 cũng được thảo luận. Phi công trong buồng lái không biết rằng lửa đã bốc lên, nhưng các tiếp viên phát hiện máy bay đang cháy. Khói bắt đầu tràn vào cabin và các tiếp viên kêu gọi hành khách bình tĩnh. Tiếp viên trưởng thông báo với buồng lái rằng máy bay đang cháy và xin phép mở cửa thoát hiểm. Hệ thống liên lạc không còn hoạt động nên phi công không thể cấp lệnh mở cửa. Các tiếp viên đã tự quyết định mở cửa để hành khách thoát hiểm trên máng trượt khẩn cấp. Quyết định này phù hợp với quy trình sơ tán hiện hành.

Bài học thoát hiểm từ vụ cháy máy bay ở Nhật Bản- Ảnh 2.

Máy bay chở khách bốc cháy tại sân bay Haneda ở Tokyo hôm 2.1

REUTERS

Bài học thoát hiểm từ vụ cháy máy bay ở Nhật Bản- Ảnh 3.

REUTERS

Theo tờ The Guardian, chiếc Airbus A350 có 8 lối thoát hiểm nhưng quá trình này chỉ diễn ra tại 2 đường trượt ở phía trước máy bay và tình thế rất khó khăn vì máy bay chúi mũi xuống đường băng. Hơn nữa, hệ thống liên lạc nội bộ không còn hoạt động nên phi hành đoàn phải sử dụng loa phóng thanh để hướng dẫn hành khách. Phi công là người cuối cùng đặt chân xuống đường băng lúc 18 giờ 5 ngày 2.1. Trong vòng 18 phút, toàn bộ 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã trượt xuống máng thoát hiểm và sống sót. Nỗ lực cứu hộ đáng kinh ngạc nhận được nhiều lời khen ngợi từ các chuyên gia hàng không. Cục trưởng Hàng không dân dụng thuộc Bộ Giao thông Nhật Bản Hiraoka Shigenori nói phi hành đoàn của Japan Airlines đã "thực hiện các thủ tục phù hợp" để giải cứu tất cả mọi người.

Trong khi đó, các chuyên gia hàng không nói với BBC rằng việc tất cả hành khách đồng lòng bỏ lại hành lý để thoát thân là yếu tố chính giúp cuộc sơ tán thành công. Giáo sư Ed Galea, Giám đốc Nhóm Kỹ thuật an toàn phòng cháy chữa cháy tại ĐH Greenwich (Anh), cũng dành lời khen cho các tiếp viên vì đã thuyết phục hành khách không cố gắng quay lại lấy tài sản. Nếu không, việc cứu người sẽ bị trì hoãn và có thể đe dọa tính mạng rất nhiều người.

Ngoài ra, các tiếp viên cũng được đánh giá cao vì hướng dẫn kỹ lưỡng, đảm bảo mọi người tự che chắn để tránh bị ngạt khói. Một cựu tiếp viên hàng không của Japan Airlines chia sẻ rằng sẽ rất khó để đảm bảo hành khách không hoảng sợ và làm theo hướng dẫn của phi hành đoàn. Theo người này, những gì phi hành đoàn làm được là điều "ngoài sức tưởng tượng".

Nhiên liệu ít là yếu tố cứu nguy

Các chuyên gia khác còn cho rằng các yếu tố bên trong máy bay cũng đã góp phần vào kỳ tích giúp toàn bộ 379 người trên máy bay chở khách may mắn sống sót. The Guardian dẫn lời tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên cao cấp về thiết kế hàng không vũ trụ tại ĐH New South Wales (Úc), nhận định lượng nhiên liệu phản lực tương đối thấp còn trong máy bay khi hạ cánh đã góp phần giảm cường độ của đám cháy và ngăn vụ nổ lớn chết người.

Đồng quan điểm trên, ông Neil Hansford, thành viên Tổ chức Strategic Aviation Solutions International (Mỹ), cho rằng máy bay thương mại thường hoạt động chỉ với lượng nhiên liệu cần thiết cho một chuyến bay, cộng thêm 10% dự trữ, nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng và tránh lãng phí. Ngoài ra, ông Hansford tin rằng nội thất làm bằng vật liệu chống cháy của máy bay đã ngăn ngọn lửa lan rộng và giúp việc sơ tán diễn ra an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.