Quá trình vận hành chợ bất cập, tiểu thương liên tục kêu cứu (Thanh Niên thường xuyên thông tin). Năm 2009, toàn bộ siêu thị này giao cho doanh nghiệp (DN) xây trung tâm thương mại và quyền lợi của tiểu thương lại tiếp tục ồn ào. Năm 2011, tiểu thương phải dời sang chợ siêu thị (khu D) gần đó do tư nhân đầu tư, khai thác.
Mới đây, cả tiểu thương lẫn DN lại kêu cứu. DN nêu rõ lợi ích của hơn 500 tiểu thương để đặt điều kiện nếu TP.Đà Nẵng không tiếp tục hỗ trợ gần 600 triệu - 1,2 tỉ đồng/năm như trước thì sẽ đóng cửa chợ. Nguyên do, TP.Đà Nẵng tăng giá đất hơn 3,5 lần theo quy định hiện hành, dẫn đến công ty tăng giá thuê mặt bằng tương ứng.
Chủ trương xã hội hóa đầu tư chợ không sai, nhưng thực tế giao đất, miễn tiền thuê và hỗ trợ tiền thuê đất có nhiều vướng mắc, mà lịch sử "chợ siêu thị" Đà Nẵng để lại hiện nay chưa giải quyết được bài toán lợi ích công - tư.
Nếu TP không hỗ trợ thì DN phá sản, hơn 500 tiểu thương ra đường, nhưng TP muốn hỗ trợ cũng phải đúng pháp luật. Chợ là loại hình đặc thù, nhà nước đầu tư lỗ vẫn phải làm vì sinh kế, một số chợ còn là truyền thống, di sản, du lịch... mang hồn cốt địa phương. Nhưng đặt vị trí DN đầu tư chợ thì không thể bắt họ chịu lỗ triền miên.
Hơn nữa, từ ngày 1.7.2024, luật Giá có hiệu lực, chủ đầu tư các chợ ngoài ngân sách tự quyết giá cho thuê mặt bằng, nhà nước không can thiệp vào hoạt động của DN, tức "thuận mua vừa bán".
Hơn 500 tiểu thương bỗng dưng thành "con tin" là một trong vướng mắc của lịch sử mà hiện nay cần khắc phục các thiếu sót, trong khi vẫn phải tìm cách giải quyết sinh kế của người dân và quyền lợi DN. Bài toán khó này cũng là bài học sâu sắc cho cơ quan nhà nước hiện nay, trước hết làm đúng quy định pháp luật để không có những hậu quả tương tự trong tương lai.
Bình luận (0)