Hành trình đến với loài chó
Vô tình sở hữu 2 chú chó Phú Quốc "chuẩn", con đường đồng hành, đến với loài chó của tác giả Hoàng Hải Vân đã bắt đầu như thế. Từ những trang viết mở đầu cuốn sách, độc giả có thể nhận thấy đây là tác phẩm có phần đặc biệt khi ông viết rằng: "Nếu bạn muốn là bạn của một con chó, hoặc là con chó phải "hạ mình" thành một con người hoặc là bạn phải "nâng mình" lên thành một con chó". Những tưởng có sự nghịch đảo, hài hước nào ở đâu đây, thế nhưng qua từng trang sách ta sẽ hiểu được đúc rút trên.
Vì vậy ở tác phẩm này ta không nhìn thấy những mối quan hệ như chủ - tớ, chủ - chó mà chỉ là sự thương yêu và coi loài vật 4 chân là gia đình mình. Như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: "Thoạt đầu, có lẽ anh cũng chẳng định viết cuốn sách này; nhưng trong quá trình chung sống với những con chó của mình, những trải nghiệm thú vị đã thu hút anh, đã chinh phục anh và tạo nên cảm hứng khiến anh không thể không ghi ra những gì mà một "con chó đầu đàn" đắc thủ được. Rõ ràng, những gì đã "làm tổ" trong trái tim tác giả thì nó sẽ tự động chảy ra ngòi bút". Do đó cuốn sách được viết không đao to búa lớn mà có thể nói từng dòng chữ cũng toát ra tình yêu vô bờ bến dành cho loài vật.
Tình cảm nói trên được thể hiện qua việc nhìn, quan sát rất kỹ từng chú chó một để qua đó ta thấy một Bim hào hoa, một Chuối đa cảm, một Ớt dịu dàng, một Mướp hy sinh, một Bắp lốc chốc, một Ổi hùng dũng, một Na thanh lịch... Qua 4 thế hệ chó, độc giả đã cùng vui buồn từ những khoảnh khắc đời thường cho đến giây phút chia ly... Và không chỉ có những chú chó mà "nông trại" của ông còn có chú chim bìm bịp canh giữ trên cao hay chàng dê tên Bống "quấn" chó... Qua đó, tuy không sử dụng thủ pháp nhân hóa nhưng từng con vật một đều có cá tính riêng, biến một cuốn sách thuộc thể loại ký trở nên sống động như một tiểu thuyết viết về loài vật.
Xen lẫn những khoảnh khắc đời thường, tác giả cũng cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức mới. Đó là sự thật mà không phải ai cũng biết như loài chó ông nuôi vốn là loài được nhà Tây Sơn cũng như nhà Nguyễn coi là "quân khuyển". Chúng sở hữu khả năng "phong thủy" kỳ lạ khi luôn biết cách tìm ra nơi hấp thụ linh khí từ đất (địa y), hoặc có tập tính nhai lá sả, cỏ mần trầu, cỏ ống, lá cứt lợn, cỏ mực... để tự chữa bệnh. Bằng những trải nghiệm của chính mình, tác giả cũng chia sẻ về những phương pháp tự mình nghĩ ra để cứu sống chúng và nhiều lưu ý trong quá trình nuôi, như với chó nhỏ thì nên hạn chế cho ăn xương nhọn hoặc nếu cưỡng bức, ép chúng thực hiện hành vi vốn thuộc bản năng thì ta sẽ tự triệt đi bản năng gốc đó do chúng sợ hãi... Những điều nói trên là những tham khảo vô cùng giá trị đến từ thực nghiệm, không hề lý thuyết cho ai đang hoặc sẽ nuôi chó trong tương lai gần.
Học từ loài chó
Đằng sau tình cảm dành cho động vật, ta cũng thấy được một điều lớn hơn mà tác giả Hoàng Hải Vân theo đuổi, đó là chủ trương "tề vật" học từ Trang Tử, khi ông quan niệm mọi vật trong cuộc sống này đều ngang bằng nhau, mọi thứ tương tức, tồn tại hài hòa. Điều đó thể hiện ở chỗ ông xem người nuôi chó không phải là người sở hữu, không phải là chủ mà là bè bạn, là tự trở thành một con đầu đàn. Ta cũng thấy điều đó ở việc không chỉ yêu thương lũ chó mà ông còn trân trọng từng cái cây ngọn cỏ, từng chú chuột, con rắn, bọ chét, sán giun... vì mỗi loài đều sẽ góp phần để cuộc sống này trở nên cân bằng.
Từ đây ông cũng nhìn thấy những bài học khác để rèn giũa chính mình và con người nói chung. Những tưởng ta luôn thông tuệ, thế nhưng lại có nhiều điều cần phải học hỏi từ những chú chó. Chẳng hạn từ trải nghiệm riêng, ông biết những chú chó có thể thấy được, cảm được những thứ con người không thấy, không cảm nhận được do những mê chấp cũng như thiên kiến giăng trước mắt mình. Do đó triết lý "từ trái tim đến thẳng với trái tim" cũng như đối đãi chân thành là thứ rất cần có trong chính cuộc đời này. Bài học về việc dạy con của chó mẹ qua tuổi bú mớm cũng khiến ta suy ngẫm về sự bảo bọc quá mức con cái của nhiều phụ huynh hiện đại...
Ngoài ra, ông cũng nhận ra tuy sống theo đàn nhưng mỗi con đều có cá tính riêng, không con nào giống con nào; cho nên dạy chó không thể áp dụng một cách đồng loạt. Điều này cũng giống với sự đa dạng của mỗi người, không thể đóng khung hay định nghĩa bất cứ một ai. Chó tuy vô cùng cảnh giác trước sự đe dọa nhưng nó không thích gây ra "chiến tranh" vì nó không có thù hận. Chó cũng không cần miếng ăn quá sức của mình bởi chúng "biết đủ là đủ", vì vậy hành động lấy miếng ăn để dạy chó chính là hành vi nô lệ hóa chúng. Từ yêu chó, ta cũng dần hoàn thiện bản thân mình.
Có thể nói Ký sự người nuôi chó không chỉ là tập sách kể lại trải nghiệm của tác giả, qua đó chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi chúng, mà còn đi sâu vào mối quan hệ giữa từng sinh thể trong cuộc đời này, từ đó hướng đến đời sống tôn trọng, quý mến lẫn nhau dù đó là người hay vật.
GIAO LƯU CÙNG TÁC GIẢ
Tác giả Hoàng Hải Vân là nhà thơ, nhà báo kỳ cựu, nguyên Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên.
Lúc 15 giờ ngày 22.10 tới đây, tại Tòa soạn Báo Thanh Niên (TP.HCM), buổi giao lưu với tác giả - nhà báo Hoàng Hải Vân nhân dịp ra mắt tác phẩm sẽ diễn ra. Tại đây, ông sẽ kể lại hành trình nuôi dưỡng, đồng hành cùng đàn chó Phú Quốc để gây dựng nên môi trường sống thân thiện, thuận theo tự nhiên, từ đó độc giả có thể lắng nghe những câu chuyện bình dị nhưng sâu sắc, chứa đựng triết lý sống tích cực. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ về tâm nguyện dành toàn bộ nhuận bút sách để góp phần chăm lo các cháu mồ côi do bão lũ tiếp tục đến trường.
Đặc biệt, lần ra mắt này, Quỹ Chibooks kết nối yêu thương sẽ gửi tặng 1.142 cuốn sách (trị giá 102.428.000 đồng) cho chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời do Báo Thanh Niên thực hiện để bảo trợ trẻ em mồ côi do bão số 3 (Yagi) gây ra. Đây là những tác phẩm thuộc Tủ sách Văn hóa Việt đã được Chibooks đầu tư gây dựng trong nhiều năm qua nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa các vùng miền của VN tới độc giả trong nước và quốc tế.
Bình luận (0)