Lâu nay người ta thường nói nhiều về Nam Phương Hoàng hậu, về ông ngoại của bà là Huyện Sĩ - người giàu nhất xứ Nam kỳ (cuối thế kỷ 19) - mà ít nhắc đến song thân của bà.
Lâu nay người ta thường nói nhiều về Nam Phương Hoàng hậu, về ông ngoại của bà là Huyện Sĩ - người giàu nhất xứ Nam kỳ (cuối thế kỷ 19) - mà ít nhắc đến song thân của bà.
![]() |
Bà Lê Thị Bính là con gái thứ của đại điền chủ Huyện Sĩ - Lê Phát Đạt (em ruột ông Lê Phát An). Đó là một thiếu nữ đẹp, có khuôn mặt phúc hậu, gia đình theo đạo Công giáo nên thuở nhỏ được cha gửi vào học trường dòng tại Sài Gòn. Khi trưởng thành, cô Bính được cha gả về một nơi cũng “môn đăng hộ đối” không kém: gia đình của đại địa chủ Nguyễn Hữu Hào. Ông Hào quê quán tại Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), cũng có đạo Công giáo. Ông từng được du học bên Pháp, có bằng tú tài toàn phần (lúc đó rất hiếm người Việt đỗ đạt cỡ này). Ruộng đất của gia đình ông Hào rải rác khắp các tỉnh Nam kỳ, riêng tại Q.Long Mỹ (thuộc tỉnh Rạch Giá) vào thời điểm 1930, gia đình ông có hơn 1.000 mẫu ruộng (sau này khi được con rể là Hoàng đế Bảo Đại phong tước Quận công, ông đã chọn địa danh Long Mỹ đứng trước tước hiệu của mình, trở thành Long Mỹ Quận công).
Là người theo Tây học, có kiến thức về kinh doanh nên sau khi thành hôn, ông khai khẩn nhiều đồn điền cao su ở Biên Hòa, Bà Rịa… Ông còn rủ các anh em bên vợ lên Đà Lạt khai khẩn đồn điền trồng trà và cà phê, có nhiều đồn điền ở vùng Cầu Đất (gần TP.Đà Lạt). Thường nhật, vợ chồng ông Hào sống trong ngôi biệt thự ở đường Nguyễn Du, TP.HCM (nay là Lãnh sự quán Hàn Quốc, đối diện Báo Công an TP.HCM).
![]() |
Ông bà Nguyễn Hữu Hào chỉ sinh được 2 người con gái: trưởng nữ là Agnès Nguyễn Hữu Hào, được gả cho một quý tộc người Pháp là Nam tước Pierre Didelol lúc đó đang giữ chức Khâm mạng Hoàng triều cương thổ (Hoàng triều cương thổ là vùng đất biên cương do hoàng gia cai quản, gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng ngày nay). Cô em là Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 4.12.1914 tại Gò Công. Đẹp, con nhà trí thức, giàu có nên cô được các viên chức người Pháp chọn để tiếp cận vị vua trẻ Bảo Đại. Vậy là họ sắp xếp để hai người gặp nhau trong một bữa tiệc do viên Đốc lý Đà Lạt tổ chức. Vị vua trẻ “gục” ngay trước nhan sắc của cô Tú tài toàn phần 18 tuổi, nói tiếng Pháp như gió và biết hành lễ theo nghi thức Âu Tây đối với bậc quân vương… Ngày 6.2.1934, lễ cưới của Nguyễn Hữu Thị Lan và Hoàng đế Bảo Đại diễn ra tại điện Kiến Trung trong Hoàng thành Huế.
Khác với tất cả 12 hoàng hậu triều Nguyễn trước đó chỉ được phong hoàng hậu sau khi qua đời, Nguyễn Hữu Thị Lan “ra điều kiện” với ông vua si tình là phải phong cho mình làm hoàng hậu ngay sau khi cưới, vì thế lễ tấn phong hoàng hậu diễn ra ngay ngày hôm sau tại điện Dưỡng Tâm, cô Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành Nam Phương Hoàng hậu.
Hai cặp câu đối chữ Hán trên lăng
Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào từ trần ngày 13.9.1937 và được an táng theo nghi thức tước Quận công trong một ngôi nhà mồ tráng lệ, trên một ngọn đồi gần thác Cam Ly, Đà Lạt. Sau 4 năm xây dựng, lễ quy lăng diễn ra ngày 10.9.1941 với sự hiện diện của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu, bà Nam tước chị ruột hoàng hậu và chồng là Didelot Khâm mạng Hoàng triều cương thổ, Toàn quyền Decoux và phu nhân, Khâm sứ Trung kỳ Grandjean… Lăng nằm trên một ngọn đồi ở phía tây nam TP.Đà Lạt (ngã ba Hoàng Văn Thụ - Vạn Thành, rẽ phải đi về hướng Nam Ban).
Cổng vào lăng là 4 trụ đá lớn hình vuông, đỉnh trụ trang trí hình hoa sen và chó ngao. Mặt trước trụ khắc 2 cặp câu đối bằng chữ Hán (dịch nghĩa Một lòng với nước, ngàn năm sông núi mãi ghi trong sách sử, khoán ước/Nuôi dưỡng cha mẹ, trăm năm cây gió khắc ghi nỗi đau buồn trên chuông đỉnh. Và Chót vót chống trời, phảng phất khí thiêng về nơi an lạc/Đất thiêng tốt lành, bao trùm vượng khí bảo vệ chốn giai thành). Đường lên lăng gồm nhiều bậc, cây cỏ um tùm, gần cuối đường có cặp sư tử đá đứng chồm trên trụ canh giữ, quanh lăng có thành lan can bao bọc. Lăng xây trên đỉnh đồi hình đóa sen đang nở, mái lợp ngói lưu ly xanh với các đầu đao cong lên như các kiến trúc Á Đông nhưng trên nóc lăng có cây thánh giá. Mặt tiền lăng là một sân tế rông dựng một bia đá, đầu bia hình vòng cung chạm trổ hoa lá. Trong lăng có 2 ngôi mộ lớn bằng đá xanh, cao khoảng 30 cm, hình chữ nhật mặt phẳng. Trên mặt mộ, có chạm trổ hoa văn quanh riềm và hình một thánh giá lớn giữa mộ. Đó là mộ Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào và phu nhân Lê Thị Bính. Ở giữa hai ngôi mộ có một hương án (còn là bàn để các linh mục hành lễ). Phía sau bàn thờ này có trổ một cửa vuông rộng nhìn ra một nhà bia nhỏ, bia bằng đá xanh, chạm trổ trên đầu và chung quanh bài minh bia hình chữ nhật.
Nội dung bài minh bia: “Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào. Khí thiêng Đồng Nai, anh linh Tiền Giang. Hun đúc nên người, sinh bậc hiền triết tài năng. Kính nghĩ: cha ta trời ban chân tính, lòng từ hiếu hảo. Giữ thân đoan chính, gặp buổi văn minh. Kiến thức sâu rộng, giàu lòng đạo đức, người đều ngưỡng mộ. Lễ giáo gia truyền, đức lớn sinh ta. Bệ son rợp ơn, dòng dõi vẻ vang. Thiên tử ơn sâu, tấn phong Công tước. Ước định khoản thư, bền với non sông. Nhưng tuần bảy mươi, hóa cõi về trời. Danh cao bất hủ, muôn đời còn ghi. Ngắm trông núi hồ, mây trắng vời vợi. Bên gò cảm xúc, gió thông vi vu. Tưởng nhớ đức xưa, tinh thần bất diệt. Nguyện cầu Thiên Chúa, che chở an lành. Cõi người ký gửi, biệt ly thường xuyên. Thiên đường hưởng phước, trăm đời đều về. Ơn sâu vô lượng, buồn bã mến thương. Dựng tòa bia này, lâu dài ngàn đời” (ngày mùng 1 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 14 - 1939, Thiên Chúa giáng sinh năm 1939, ngày 13 tháng 9. Con gái: Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam và Phu nhân Nam tước Didelot, kính lập).
Bình luận (1)
Ông Nguyễn Hữu Hào, cha của Hoàng hậu Nam Phương quê ở Gò công-Long Thạnh Mỹ, thuộc quận 9, Sài gòn, chứ không phải ở Gò công-Tiền giang như nhiều người lầm tưởng nhé! Vì Gò công-Tiền giang quá nổi tiếng- Nơi có lăng mộ Hoàng gia thuộc họ bên ngoại của vua Tự Đức-Bà Từ Dụ, vợ vua Thiệu trị và là mẹ vua Tự Đức. Và cũng là nơi xuất phát của vị Giám mục người Việt nam đầu tiên là Đức cha Nguyễn Bá Tòng-Giám mục Phát Diệm. Nên hễ nghe tên Gò công là người ta nghĩ ngay tới Gò công-Tiền giang(trước đây gọi là Tân hòa, vì thuộc huyện Tân Hòa vào thời nhà Nguyễn). Chứ ít ai biết hay nghĩ rằng còn có một Gò công khác nữa. Gò công này nay thuộc phường Long Thạnh Mỹ, quận 9. Nơi đây còn có rạch Gò công, rạch Trao trảo và sông Tắt. Còn có ngôi nhà thờ của giáo họ Gò công tên là nhà thờ Thánh Gẫm. Ông Nguyễn Hữu Hào là đạo dòng, thuộc giòng dõi Thánh Gẫm. Còn Gò công-Tiền giang thì từ trước năm 1868 không hề có ai có đạo Công giáo hết. Những người Công giáo có mặt sớm nhất tại Gò công-Tiền giang là từ sau năm 1868. Đó là những người Công giáo từ nơi khác tới làm thông ngôn và giúp việc cho các quan Pháp. Sau đó thì mới có người địa phương theo đạo. Giáo xứ Gò công chỉ được thành lập vào năm 1891. Còn nhà thờ Gò Công-Tiền giang hiện nay được xây dựng vào khoảng năm 1947. Như vậy, khu thị xã này chỉ có người Công giáo từ năm 1868 trở đi mà thôi. Thậm chí có nhiều người và nhiều tài liệu còn cho là bà Nam Phương Hoàng Hậu sinh ở làng Đồng Sơn-Gò công, Tiền giang nữa chứ. Hoàn toàn sai! Vì từ trước cho tới giờ không hề có bóng dáng một người Công giáo nào ở khu vực Đồng sơn này. Ông Nguyễn Hữu Hào là cháu nội bà Tám, em ruột bà Nguyễn Thị Nhiệm, bà Nhiệm là mẹ của Thánh Lê Văn Gẫm-Thánh Gẫm bị bắt tại cửa biển Cần Giờ-Sài gòn và chịu chém đầu vì đạo vào năm 1847, tại Chợ Da Còm, nay là số 47 Nguyễn Trãi, quận 1, Sài gòn-Hiện tại đây còn có bia và đền kỷ niệm chỗ Ngài chịu tử vì đạo. Như vậy ông Hào gọi Thánh Gẫm là Ông Cậu. Bởi vậy ông Nguyễn Hữu Hào là người theo đạo Công giáo từ nhỏ thì không thể nào quê ở Gò công-Tiền giang được. Rất nhiều tài liệu, báo chí, kể cả minh văn trên bia tại lăng ông Hào cũng viết sai về việc này-viết mà không hề dẫn chứng theo giấy tờ hay tư liệu gì để chứng minh quê ông Hào và bà Nam Phương là ở Gò công-Tiền giang. Nhưng, chỉ cần dựa theo gia phả Thánh Gẫm, theo các giấy tờ hành chánh của chính quyền Pháp tại Sài gòn và theo sổ Rửa tội còn lưu giữ tại nhà thờ Đức Bà-Sài gòn, Thánh Gẫm-quận 9 và nhà thờ Long Đại-quận 9, thì biết chính xác là ở Gò Công-Long Thạnh Mỹ, quận 9. Đất đai của ông Hào thì có ở nhiều nơi, từ Thủ đức tới Long an, Tiền giang và cả ở Đồng tháp nữa.