Bài thi ngữ văn: Viết hơn 10 trang là điểm cao ?

28/07/2022 06:00 GMT+7

Theo nhiều thủ khoa và giáo viên chấm thi , bài thi ngữ văn viết dài không đồng nghĩa sẽ điểm cao mà phụ thuộc nhiều yếu tố từ kiến thức, tư duy đến kỹ năng. Nhưng để đủ ý và sáng tạo, cũng không thể viết ngắn.

Trong 5 điểm 10 môn ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, 4 thí sinh (TS) cho biết đã viết từ 10 trang giấy thi trở lên, chỉ một TS viết 9 trang. Đặc biệt, 3 TS gồm Võ Tá Thành Minh, Đặng Thị Bích Trăm và Nguyễn Mai Anh đều viết 11 trang trong 110 - 115 phút làm bài. Thực tế này đặt ra câu hỏi liệu bài thi ngữ văn viết dài là sẽ đạt điểm cao?

Không thể viết ngắn

Là tân thủ khoa khối D1 tỉnh Phú Thọ, Trần Thanh Hiền (lớp 12 chuyên Pháp, Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) khẳng định điểm số không liên quan đến dung lượng bài viết, nhưng một bài văn để ấn tượng, đủ ý và có thêm những điểm sáng tạo thì cũng không thể viết ngắn.

Hiền cho biết bài thi của em dài 10 trang, đạt 9,5 điểm. Còn trong những bài kiểm tra trên trường, nữ sinh viết tối đa 7 - 8 trang, thành tích luôn ở mức ổn định 8,5 - 9 điểm. Theo Hiền, một bài văn muốn đủ ý cần dùng hết một tờ giấy thi và muốn hay, độc đáo thì phải sang trang thứ năm hay nhiều hơn nữa.

Tân thủ khoa chia sẻ: “Bí quyết của em là học văn có logic, tức không thể lúc nào cũng bay bổng, mỹ miều. Văn cũng như toán, có cách làm, bước một, bước hai, kết luận. Học văn phải chắc luận điểm trước, rồi mới liên hệ lý luận, so sánh nâng cao. Phải có đủ ý của đề trước, rồi mới thêm thắt ý sáng tạo cho bài văn của mình”.

Thí sinh làm bài thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT

ĐỘC LẬP

“Đã học văn thì luôn có tâm thế đặt bút viết để luyện kỹ năng. Bởi một lần ghi là một lần nhớ. Cho nên khi vào phòng thi, sẽ có lực viết tốt hơn những bạn chỉ ngồi đọc tài liệu. Văn sẽ “tuôn ra như suối” bởi vì đã có sẵn tư duy được rèn luyện”, Hiền kết luận.

Đồng tình với quan điểm của Hiền, Phan Minh Quân, thủ khoa khối C tỉnh Quảng Nam và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM ăm 2021, hiện là sinh viên ngành báo chí, cho biết đã viết 11 trang giấy trong bài thi môn ngữ văn. Về kiến thức, theo Quân, TS cần nắm kỹ và thực sự sâu sắc về nội dung tác phẩm từ luận điểm đến luận cứ, liên hệ... để bài viết sinh động, đa chiều. Các kiến thức ấy phải nằm trong tiềm thức cảm thụ văn học và sự chuẩn bị trước của TS sau thời gian dài ôn luyện, không cần mất nhiều thời gian “triệu hồi” khi nhìn thấy yêu cầu của đề.

Kỹ năng cần luyện tập lâu dài

Về mặt kỹ năng, Quân cho rằng để viết hơn 10 trang giấy là một cuộc đua mà điều tiên quyết là tốc độ. Trước hết, TS phải có khả năng căn thời gian chuẩn xác cho từng phần. Khi làm bài, phải liên tục theo dõi đồng hồ để nếu quá thời hạn dành cho câu đó thì phải lập tức điền đủ ý và kết lại gọn gàng nhất.

Thủ khoa khối C nhấn mạnh: “Yếu tố giúp TS đạt số trang lớn nằm ở tốc độ viết. Tuy nhiên, đây là kỹ năng cần luyện tập lâu dài. Tôi đã phải viết liên tục suốt 2 tháng trước khi thi để luyện tốc độ viết chữ sao cho kịp thời gian mà không sót những ý bản thân muốn bày tỏ. Chữ không cần quá đẹp nhưng phải ở mức to, dễ đọc, đúng chính tả”.

Với Quân, quá trình viết dài phần nào chứng tỏ lượng kiến thức tổng hợp phong phú của TS. “Những bạn đã viết đến trang thứ 9 thường không rơi vào trường hợp dài dòng, lan man nữa, mà đang cố gắng chinh phục người chấm với nội dung, tốc độ của mình. Tuy nhiên, chỉ cần viết đủ ý trước, dài ngắn không quan trọng. Viết hơn 10 trang là câu chuyện nỗ lực ở những cá nhân ưu tú hơn”, chàng sinh viên năm nhất bày tỏ.

Độ dài không bảo chứng điểm số

Với kinh nghiệm 16 năm chấm thi từ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đến bây giờ là kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Mai Thu Thủy, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, khẳng định độ dài hay ngắn không bảo chứng cho điểm số bài văn. “Thực tế có những bài viết dài nhưng lan man, không trọng tâm vấn đề, diễn đạt lủng củng thì điểm cũng không cao”, cô Thủy nêu quan điểm.

Theo nữ giáo viên, để đạt điểm cao trong bài thi văn, trước hết phải đáp ứng được những yêu cầu về nội dung và có cách thể hiện mạch lạc, chặt chẽ, thuyết phục. Đồng thời, TS phải thể hiện cách vận dụng tốt kỹ năng làm đọc hiểu, nghị luận xã hội và văn học cũng như có suy nghĩ, cảm nhận riêng với vấn đề xã hội và văn học đặt ra trong tác phẩm, đi cùng đó là sự sáng tạo.

Để chuyển tải đầy đủ các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng như trên, theo cô Thủy, bài viết phải có một dung lượng nhất định. “Vì vậy không chỉ viết dài là điểm cao mà quan trọng là TS phải nắm chắc kỹ năng làm bài, biết cách vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các yêu cầu đề đặt ra”, cô Thủy kết luận đó là yếu tố giúp TS đạt điểm 9, 10 môn văn.

Để đạt điểm tối đa, nữ giáo viên khẳng định TS cũng phải tư duy trong quá trình làm bài chứ không chỉ học thuộc viết ra.

“Nắm vững bài học là yêu cầu trước tiên để làm tốt. Bên cạnh đó, TS phải luôn rèn tư duy làm bài, tránh học tủ. Vì mỗi tác phẩm có thể ra rất nhiều đề với những yêu cầu khác nhau, nếu chỉ thuộc đơn thuần thì chắc chắn không thể xử lý yêu cầu của đề”, cô Thủy nói.

Cũng theo cô Thủy, có những bài chỉ dài 4 trang giấy thi nhưng vẫn đạt được điểm 8. “Bài làm đó TS viết chữ nhỏ, dung lượng tuy ngắn nhưng trả lời gãy gọn, lập luận chặt chẽ, logic, làm rõ yêu cầu đề bài. Trong quá trình chấm thi, những trường hợp như vậy có nhưng không nhiều”, nữ giáo viên khẳng định.

Ý KIẾN

Không phải cứ viết dài là được điểm cao

Để giải quyết trọn vẹn đề văn, tất nhiên không thể viết sơ sài. Nhưng nếu viết dài mà lan man, không vào được trọng tâm, không giải quyết được vấn đề mà đề đặt ra thì cũng không thể được điểm cao.

Một bài văn đạt điểm cao là bài văn thỏa mãn các tiêu chí như: Đưa ra được hệ thống luận điểm rõ ràng, rành mạch, giải quyết trọn vẹn và đầy đủ những yêu cầu đề bài đặt ra. Biết huy động dẫn chứng từ văn học và thực tế cuộc sống để giải quyết vấn đề, biết lập luận, lý giải, phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ luận điểm. Lời văn lưu loát, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, lỗi diễn đạt. Khuyến khích những lời văn hay, có tính thẩm mỹ; những cách diễn đạt thể hiện dấu ấn riêng, giọng điệu riêng nhưng không sáo rỗng, vô nghĩa. Tách đoạn hợp lý, đảm bảo bố cục sáng rõ, liên kết, mạch lạc.

Thạc sĩ Trần Lê Duy (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Yếu tố sáng tạo rất quan trọng

Một bài văn đạt điểm cao trước hết đảm bảo đúng về ý, về diễn đạt và lỗi chính tả. Bên cạnh đó, yếu tố sáng tạo rất quan trọng. Nghĩa là TS biết so sánh, biết vận dụng các biện pháp tu từ để diễn đạt nhằm làm tăng cảm xúc cho người đọc. Ngoài ra, phải kể đến cả cảm nhận riêng của bản thân người viết về tác phẩm, cảm nhận đó có thể là phản biện riêng mang tính tranh luận…

Có những bài viết dài nhưng ý vòng vo, lặp và đặc biệt là chưa có “màu sắc riêng” thì không thể nào đạt điểm giỏi. Và ngược lại, có những bài viết tuy ngắn, nhưng các ý được bình sâu, có so sánh đối chiếu với các tác phẩm và tác giả khác, có những cảm thụ mang hơi thở riêng của người viết thì chắc hẳn sẽ được trân trọng hơn nhiều.

Lê Hải Minh (Giáo viên ngữ văn bậc THPT tại Q.10, TP.HCM)

Bích Thanh (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.