Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, môn tiếng Anh tiếp tục “đội sổ”, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ 51,56%. Như vậy môn tiếng Anh chưa cải thiện được vị trí tương xứng với môn học có vai trò là chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới.
Một giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 12 tại TP.HCM. TP.HCM dẫn đầu về điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh năm nay. |
đào ngọc thạch |
Sau những đề án ngoại ngữ tiêu tốn hàng chục nghìn tỉ đồng, chất lượng dạy học bộ môn này không thay đổi là bao. Chương trình lớp 10 năm học 2022 - 2023, môn tiếng Anh có 9 bộ sách giáo khoa, thầy cô được tập huấn ròng rã, nhưng chất lượng thế nào đợi thời gian trả lời. Còn bây giờ, môn này có điểm học bạ chênh điểm thi 2,12 điểm, số điểm liệt tăng 4 lần so với năm học 2021.
Những năm trước đây, môn tiếng Anh cũng có tỷ lệ học sinh dưới trung bình (dưới 5) ở mức cao: Năm 2019 là 68,74%; năm 2020 là 61,13%; năm 2021 là 40,27%.
Phải làm gì để vực dậy môn tiếng Anh? Bộ GD-ĐT đã có nhiều đầu tư cho việc dạy và học tiếng Anh hiện nay. Cụ thể, Đề án ngoại ngữ 2017 - 2025 nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bộ cũng áp dụng thực hiện khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, đào tạo bồi dưỡng giáo viên và đa dạng hóa các chương trình, học liệu… Mới đây trong Thông tư 22, môn tiếng Anh được xếp ngang hàng với toán và ngữ văn trong đánh giá xếp loại học sinh. Một số tỉnh thành xếp ngoại ngữ cùng hệ số với toán, ngữ văn trong tuyển sinh lớp 10…
Như vậy, phải chăng do phương pháp dạy của giáo viên và động cơ học tiếng Anh của học sinh chưa được đồng bộ nên kết quả thấp? Ngoài ra, năng lực học sinh ở các vùng miền cũng khác nhau, học sinh ở miền núi, vùng xa (chiếm phần đông) điều kiện học tiếng Anh không bằng học sinh ở vùng thành thị, đồng bằng. Cụ thể, TP.HCM dẫn đầu về điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh năm nay là một minh chứng.
Môn lịch sử bất ngờ vì điểm bài thi tăng mạnh so với kỳ thi năm trước. Từ việc quá nhiều học sinh yếu môn lịch sử thì năm nay chỉ còn 19,34% thí sinh có điểm thi môn này dưới trung bình. Tuy chưa khảo sát thực trạng đầy đủ, nhưng số đông nhà giáo chung một nhận định, nguyên nhân là do đề thi. Điều này đồng nghĩa với chất lượng dạy học phụ thuộc vào yếu tố chủ quan - người ra đề. Vậy đâu là sự thật về bức tranh dạy học hiện nay?
Điểm thi cao không làm vơi nỗi lo, mà ngược lại, làm tăng những day dứt, trăn trở về đường hướng, về cách quản trị giáo dục nước nhà nhìn từ quản lý ngành giáo dục và đào tạo về đổi mới giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá.
Bình luận (0)