Sự cạnh tranh vào các trường đại học năm nay sẽ rất khốc liệt?

25/07/2022 16:13 GMT+7

Với phổ điểm và những chỉ tiêu xét tuyển còn lại của năm nay, các chuyên gia cho rằng sự cạnh tranh vào các trường đại học sẽ rất khốc liệt. Nếu vậy, thí sinh cần phải làm gì để tăng cơ hội trúng tuyển?

Các chuyên gia cho rằng năm nay sự cạnh tranh vào các trường đại học sẽ rất quyết liệt

HOA NỮ

Vì sao sự cạnh tranh lại quyết liệt?

Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Sau khi biết kết quả thi, thí sinh cần làm gì?” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 25.7, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông tin, môn sinh học có số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình cao nhất, nên thí sinh cần lưu ý tổ hợp có môn này sẽ giảm. Môn thứ 2 có sự thay đổi là lịch sử, cụ thể năm 2021 điểm trung bình là 4,97; còn năm nay là 6,34, tăng gần 1.4. Môn tiếng Anh điểm trung bình giảm 0,7 điểm.

Cũng theo tiến sĩ Hải, đối với 5 khối xét tuyển truyền thống, nếu so với năm trước, khối A không thay đổi nhiều, khối D do môn tiếng Anh điểm trung bình giảm nên điểm trung bình của khối này sẽ giảm, khối C sẽ tăng do điểm môn lịch sử tăng.

Các chuyên gia tham gia chương trình trực tuyến chiều 25.7

Tiến sĩ Hải cũng cho biết biểu đồ phổ điểm tập trung vào mức từ 18 - 26 chiếm 94 -97% nên sự cạnh tranh ở mức điểm này sẽ rất khốc liệt.

“Bộ GD-ĐT cho phép các trường có nhiều phương thức xét tuyển sớm và các trường đã công bố kết quả nên chỉ tiêu còn lại ước tính khoảng 50%. Theo quan điểm của tôi, điểm chuẩn trúng tuyển năm nay sẽ có xu hướng tăng lên nên các em cần hết sức chú ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường. Đừng nên chủ quan với một nguyện vọng, trừ những thí sinh đã được công bố trúng tuyển ở các phương thức khác, còn lại vẫn nên có từ 3-4 nguyện vọng”, tiến sĩ Hải lưu ý.

Thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng từ số liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm khối A không thay đổi nhưng phổ điểm khối B sẽ thay đổi do điểm môn sinh học giảm khá nhiều. Vì vậy thí sinh đăng ký vào nhóm ngành sức khỏe nên lưu ý.

Thạc sĩ Trần Hải Nam

Theo thạc sĩ Nam, các trường có nhiều cách xét tuyển, trong đó chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm so với năm trước. Vì vậy, thạc sĩ Nam dự báo điểm chuẩn bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPt sẽ tăng so với năm 2021. Những thí sinh đăng ký xét tuyển sớm thì yên tâm nhưng với những thí sinh chỉ tập trung vào điểm thi tốt nghiệp có mức điểm từ 23 - 26 nên cân nhắc và suy xét kỹ lưỡng.

Đồng quan điểm trên, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng chỉ tiêu của các trường giảm nên điểm chuẩn có xu hướng tăng, đặc biệt là khối khoa học xã hội. "Phổ điểm 18-24 là mức cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Chính vì thế, thí sinh xét tuyển vào trường nào thì nên nghiên cứu kỹ phương án tuyển sinh và các tiêu chí phụ của trường đó", ông Tâm lưu ý.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tâm

Thí sinh cần làm gì ngay lúc này?

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, khuyến khích thí sinh tham khảo điểm chuẩn những năm trước, ít nhất từ 2 năm trở lại đây, nếu cần thiết thì 4 năm để tính trung bình và có đánh giá khách quan nhất.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư

Còn tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng ở thời điểm này, thí sinh cần quan tâm về vấn đề kỹ thuật khi đăng ký xét tuyển. Ông Hải nói: “Tất cả thí sinh dù đã trúng tuyển các phương thức sớm và bắt đầu đăng ký nguyện vọng hay những thí sinh xét tuyển thẳng đều phải đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Đây là điều rất quan trọng, nếu không đăng ký trên hệ thống thì coi như việc xét tuyển năm nay của các em chấm dứt”.

Tiến sĩ Hải cũng thông tin, từ hôm nay và ngày mai trở đi, các trường công bố điểm xét tuyển. Vào ngày 30.7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn khối ngành khoa học sức khỏe và sư phạm nên thí sinh cũng cần lưu tâm đến các mốc thời gian này.

Tiến sĩ Hải còn nhấn mạnh: “Sau khi đăng ký trên hệ thống xong vẫn chưa đủ, từ ngày 21 - 28.8, tất cả thí sinh phải sắp xếp số lượng, thứ tự nguyện vọng và nộp lệ phí xét tuyển. Đây là điểm mới của năm nay, chỉ sau khi các em sắp xếp số lượng, thứ tự nguyện vọng và nộp lệ phí xét tuyển xong thì mới coi như quá trình xét tuyển đợt 1 của các em hoàn thành”.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải

Khi các thí sinh hỏi trực tiếp về vấn đề xét tuyển của từng trường, đối với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh của trường, cho biết sáng 25.7, Hội đồng xét tuyển của trường đã họp bàn và dự kiến điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 16 đến 18. Riêng nhóm ngành sức khỏe sau ngày 30.7, khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn xét tuyển ngành sức khỏe thì trường sẽ công bố mức điểm sàn xét tuyển cụ thể.

Một thí sinh đặt câu hỏi: “Dự báo điểm chuẩn khối ngành sức khỏe năm nay của Trường ĐH Duy Tân như thế nào?”. Tiến sĩ Hải cho biết: “Thí sinh từ 22-25 điểm thì nên chờ đợi, vì mức điểm này năm nay sẽ cạnh tranh tương đối lớn. Nhưng một tin vui là số thí sinh từ 26 điểm trở lên không nhiều nên điểm chuẩn dự kiến bằng hoặc thấp hơn so với năm trước”. Tiến sĩ Hải cho biết thêm Trường ĐH Duy Tân năm nay có 200 chỉ tiêu cho ngành y đa khoa (điểm trúng tuyển năm 2021 là 23 điểm), ngành dược cũng 200 chỉ tiêu và mức điểm trúng tuyển là 20 điểm của năm vừa rồi.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư thông tin Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có 2 ngành học khá nóng là luật kinh tế quốc tế và khoa học máy tính. Dự báo mức điểm sàn 2 ngành này là 19 điểm, còn các ngành học khác thì có thể từ 17 đến dưới 18 điểm.

Một thí sinh hỏi về ngành phim của Trường Đại học Hoa Sen với mức điểm 18 thì liệu rằng có khả năng trúng tuyển hay không. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tâm cho biết đây là một ngành học khá đặc biệt, được nhà trường đầu tư về cơ sở vật chất và công nghệ đào tạo. Với số điểm 18, theo dự báo điểm chuẩn năm nay của trường là từ 16-18 điểm thì thí sinh hoàn toàn tự tin là có cơ hội và cơ hội rất lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.