Bài toán 600 tỉ USD của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc

13/04/2017 16:28 GMT+7

Tổng số tiền các khoản vay phải thanh toán trong vòng từ một đến 5 năm của Trung Quốc đang lên đến cận con số 600 tỉ USD.

Việc Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên dùng công cụ mới để điều hướng nền kinh tế đã gây ra tình trạng cho vay quá mức, đến mức độ mà các quỹ đặc biệt hiện có giá trị cao hơn cả GDP hằng năm của Malaysia và Đan Mạch cộng lại.
Theo Bloomberg, mức cho vay trung hạn của Trung Quốc vừa tăng lên 4.100 tỉ nhân dân tệ, tương đương 594 tỉ USD. Trong đó, 3.200 tỉ nhân dân tệ sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm nay.
Dù giới quản lý tiền tệ thể hiện rằng họ sẵn sàng kéo dài hạn thanh toán bằng cách kéo dài thời gian đáo hạn của các khoản vay mỗi tháng trong ba tháng đầu năm nay, số tiền khổng lồ nói trên vẫn thể hiện thách thức mà ông Chu phải đối mặt trong nỗ lực hạ đòn bẩy tài chính nhưng vẫn giữ cơ sở tiền tệ đủ lớn để tránh khủng hoảng tín dụng.
PBOC khởi động chu kỳ thắt chặt tiền tệ mới nhất vào tháng 8 sau khi đợt nới lỏng tiền tệ khiến trái phiếu kỳ hạn 11 quý đi lên ngoài mong muốn. PBOC vừa chuyển trọng tâm sang việc kiểm soát chi phí vay vốn ngắn và trung hạn, thay vì thay đổi lãi suất chuẩn vốn rộng hơn nhưng có tác dụng kiểm soát thấp hơn.
“PBOC có thể nới các quỹ cho vay tài chính vi mô (MLF) ra kỳ hạn dài hơn để hạ bớt áp lực lên thị trường tiền tệ”, nhà phân tích Liu Dongliang thuộc China Merchants Bank ở Thâm Quyến nói. Việc sử dụng các quỹ MLF đã và đang đi lên khi PBOC thắt chặt cho vay trong các hoạt động thị trường mở, làm tăng chi phí và kéo dài kỳ hạn. Những công cụ này cung cấp cho giới hoạch định chính sách khả năng tăng lãi suất thị trường tiền tệ và giảm đòn bẩy tài chính mà không gây áp lực lên nhân dân tệ hay kéo cao dòng vốn thoái.
Hồi dòng vốn đổ vào còn lớn và thặng dư thương mại cao, Trung Quốc sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để ổn định tiền tệ. Hiện tại, khi sự thiếu chắc chắn về tăng trưởng thương mại và kho dự trữ ngoại hối giảm đi, MLF và các công cụ cho vay khác đã và đang làm lu mờ tỷ lệ dự trữ bắt buộc khi xét đến mặt công cụ chính để bơm tiền vào nền kinh tế.
“PBOC không giảm tỷ lệ dự trữ khi dòng vốn chảy ra, khiến nợ được trả lại bởi các công cụ thanh khoản ngắn hạn và trung hạn. Số tiền lớn đáo hạn trong nửa cuối năm làm tăng khả năng biến động của thị trường”, George Wu, người từng là quan chức chính sách tiền tệ của PBOC trong 12 năm, cho hay.
Chuyên gia Wu cũng cho biết số lượng lớn MLF có thể khiến hoạt động thị trường mở trở nên khó khăn hơn, từ đó khiến hệ thống tài chính dễ tổn thương hơn. PBOC hiểu rằng việc phụ thuộc vào các công cụ thanh khoản mới có thể tạo ra thách thức truyền thông mới cho ngân hàng trung ương trong việc chuyển tín hiệu đến các thị trường.
Nhìn chung, giới chuyên gia kinh tế nhận định tăng trưởng của Trung Quốc ở mức 6,8% trong ba tháng đầu năm nay. Cả năm sau, nước này được dự báo tăng trưởng 6,2%. Dù vậy, xung đột thương mại tiềm năng với Mỹ và các biện pháp kiềm chế mua bán bất động sản trong nước có thể kéo tăng trưởng kinh tế nước này chậm lại trong nửa sau năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.