(TNTS) Do tình hình kinh tế khó khăn, các thượng nghị sĩ Mỹ đang tranh cãi khá quyết liệt về kế hoạch cắt giảm hàng nghìn tỉ USD ngân sách liên bang trong vòng 10 năm tới. Đáng chú ý, một nửa số tiền này là ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Vào tháng 8.2011, Tổng thống Mỹ Barak Obama và đảng Dân chủ được thông báo về kế hoạch cắt giảm chi ngân sách liên bang 2,5 nghìn tỉ USD trong vòng 10 năm tới, sẽ được tiến hành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ cắt giảm 1 nghìn tỉ USD, trong đó có 650 tỉ USD của Bộ Quốc phòng Mỹ. Giai đoạn 2 sẽ tăng thuế và cắt giảm thêm 1,5 nghìn tỉ USD nữa. Đây là kế hoạch của các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa.
Đến cuối tháng 10.2011, đảng Cộng hòa đề nghị cắt giảm ngân sách là 2,2 nghìn tỉ USD, trong đó giai đoạn 2 sẽ cắt giảm 1,2 nghìn tỉ USD. Các nhà hoạch định chính sách còn tính toán phải bán ra trái phiếu chính phủ, cắt giảm ngân sách y tế và cả các chương trình xã hội khác. Tuy thế, cuộc tranh cãi giữa các nghị sĩ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cần phải kết thúc trước ngày 23.11.2011 và một ủy ban của hai đảng lập ra sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Trong trường hợp nếu không đạt được thỏa thuận, sẽ bắt đầu thực hiện cơ chế tự động cắt giảm 1,2 nghìn tỉ USD trong vòng 10 năm tới. Trong số này có 500 tỉ USD của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ngoài ra, Lầu Năm Góc trước đó còn thông báo sẽ cắt giảm 450 tỉ USD nữa từ nay đến cuối năm 2021. Với kịch bản mới nảy sinh, tổng cộng ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cắt giảm khoảng 950 - 1.100 tỉ USD.
|
Trước đó, vào tháng 6.2011, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn ngân sách quốc phòng năm tài chính 2012 là 664,6 tỉ USD (năm 2011 672 tỉ USD). Ngày 15.11.2011 vừa qua, Ủy ban Quốc phòng của Thượng viện Mỹ (ASC) đề nghị cắt giảm thêm 27 tỉ ngân sách quốc phòng năm 2012. Theo dự báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, trung bình hằng năm ngân sách dành cho quân đội giai đoạn 2014 - 2017 có thể chỉ còn 522,5 tỉ USD.
Trong bối cảnh chưa thể xác định cụ thể con số cắt giảm ngân sách, cơ quan điều hành ngân sách của Thượng viện Mỹ đã dự báo về mức giảm chi đối với quân đội. Theo đó đến năm 2021, ngân sách của Lầu Năm Góc sẽ bị cắt giảm 882 tỉ USD. Cụ thể, năm 2013 cắt giảm 83 tỉ USD, năm 2014 là 91 tỉ USD, năm 2016 là 110 tỉ USD…
Kế hoạch trên khiến Lầu Năm Góc có phần hoảng hốt. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Leon Panetta, phải viết thư gửi hai vị thượng nghị sĩ có uy tín là John McCain và Lindsey Graham trong đó nói rõ rằng, nếu cắt giảm ngân sách quốc phòng xuống con số 450 tỉ USD, sẽ dẫn đến nguy cơ phải ngừng hàng loạt các chương trình, dự án lớn. Và điều này sẽ tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia, kéo theo đó sẽ đánh mất thế mạnh cường quốc của Mỹ.
|
Trong khuôn khổ đang cắt giảm ngân sách 450 tỉ USD trong vòng 10 năm, quân đội Mỹ từ 570 nghìn người sẽ giảm xuống còn 520 nghìn, còn lực lượng lính thủy đánh bộ từ 202 nghìn người sẽ giảm xuống còn 186 nghìn. Ngoài ra, Mỹ sẽ còn phải đóng cửa một số căn cứ quân sự, giảm kho vũ khí hạt nhân, đưa một số quân đang thường trực ở châu u về nước, phải rà soát lại hàng loạt các chương trình quân sự. Ông Leon Panetta đánh giá, nếu trong 10 năm tới ngân sách của Lầu Năm Góc bị cắt giảm 3 nghìn tỉ USD, Mỹ buộc đành phải từ bỏ chương trình thiết kế, sản xuất chiếc máy bay tiêm kích đa năng thế hệ thứ năm F-35 Lightning II, ngừng hẳn dự án đóng tàu tuần duyên LCS và hàng loạt các dự án khác, kể cả triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu u. Nhân tiện nói thêm, hiện số quân của quân đội Mỹ là ít nhất nếu tính từ năm 1940, số tàu của hải quân là ít nhất tính từ năm 1915 và số lượng máy bay của không lực là ít nhất trong suốt lịch sử của cường quốc này.
Từ bỏ chương trình F-35 Lightning II còn có thể gây nên khủng hoảng dây chuyền. Bởi chương trình này có sự tham gia của Hà Lan, Vương quốc Anh, Ý, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Na Uy và Đan Mạch. Tổng cộng đã có gần 5 tỉ USD đầu tư cho chương trình với dự tính sẽ sản xuất 650 chiếc F-35. Ngừng chương trình cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải tính toán chi trả lại cho các nhà đầu tư đã chi tiền. Ngoài ra, Mỹ còn mất 56,4 tỉ USD cho riêng thiết kế F-35, trong đó có 50 tỉ USD đã được chi.
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc còn phải kiểm soát chi một cách ngặt nghèo. Trong vài năm tới sẽ không có kế hoạch mua thêm máy bay mới, ngoại trừ F-35, trực thăng H-1 và máy bay trinh thám P-8A Poseidon, máy bay không người lái được sản xuất với số lượng hạn chế. Các loại máy bay hiện có như F-16 Fighting Falcon, F/A-18 Hornet, F-15 Eagle sẽ được kéo dài thời hạn phục vụ cho đến khi F-35 biên chế vào quân đội vào khoảng năm 2016 - 2018. Nhưng để kéo dài thời hạn phục vụ của 600 chiếc máy bay tiêm kích F-16 Fighting Falcon, Mỹ sẽ phải chi khoảng 6 tỉ USD để nâng cấp chúng. Đã thế, theo tính toán, đến năm 2030, không lực Mỹ sẽ thiếu hụt khoảng 200 chiếc máy bay tiêm kích.
Trong khi đó hải quân Mỹ có kế hoạch kéo dài thời hạn phục vụ của hai chiếc tàu chỉ huy thuộc Hạm đội 6 và Hạm đội 7 là "Blue Ridge" và "Mount Whitney" thêm 28 năm. Và đến năm 2039 sẽ cho cả hai tàu "về hưu". "Blue Ridge" hạ thủy năm 1969, có thời gian phục vụ đã 70 năm, còn "Mount Whitney" là 69 năm. Hai chiếc tàu này thuộc hàng cũ nhất trong các tàu chiến mà hải quân Mỹ đang có. Theo chuẩn Mỹ, chỉ có tàu sân bay là có thời hạn phục vụ lâu nhất: 50 năm. Hiện Mỹ có 11 tàu sân bay, nhưng chỉ trong vài năm nữa số lượng sẽ chỉ còn 9 chiếc. Theo kế hoạch Hạm đội 7 sẽ giải thể, chiếc tàu sân bay "Ronald Reagan" của hạm đội này sẽ thay thế cho chiếc "Abraham Lincoln" (Hạm đội 9), được đưa đi sửa chữa vào năm 2012. Còn chiếc "Enterprise" của Hạm đội 12 đã hết niên hạn sử dụng.
Nếu kế hoạch cắt giảm ngân sách được thông qua, quân đội Mỹ sẽ buộc phải ngừng hàng loạt các chương trình lớn như mua sắm vũ khí, khí tài mới, từ bỏ các dự án xây dựng quân đội. Nếu như các nghị sĩ đồng ý cắt giảm ngân sách quốc phòng 3 nghìn tỉ USD trong vòng 10 năm, "các ngài sẽ không thể mua 3/4 ngôi nhà hoặc con tàu" - ông Leon Panetta nhấn mạnh.
Ngữ Tử Yên
Bình luận (0)