Bài toán cây trồng chuyển gien (Kỳ 1)

19/09/2011 06:02 GMT+7

Đã có rất nhiều tranh cãi về lợi ích cũng như những nguy cơ tiềm ẩn của cây trồng biến đổi gien. Dù vậy, VN đã xác định tính cần thiết của cây trồng này trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi trong nước ngày càng cao.


Giống ngô biến đổi gien đang được trồng khảo nghiệm trên diện rộng tại VN - Ảnh: Quang Duẩn

Không còn xa lạ

Cây trồng biến đổi gien là cây trồng được thay đổi vật liệu di truyền (DNA) bằng công nghệ sinh học hiện đại, còn gọi là công nghệ chuyển gien (GM). Thuốc lá là cây trồng GM kháng thuốc diệt cỏ đầu tiên đã được thử nghiệm trên đồng ruộng ở Mỹ và Pháp từ năm 1986. 10 năm sau, cây trồng GM được trồng thương mại đại trà. Về mặt lợi ích, cây trồng GM có thể góp phần đảm bảo an ninh lương thực và hạ giá thành lương thực trên giới thông qua việc tăng năng suất mùa vụ. Theo tính toán, thế giới cần phải sản xuất một lượng lương thực nhiều gấp đôi so với hiện nay để nuôi 8 tỉ người vào năm 2025, nhiều gấp 3 để nuôi 10 tỉ người vào năm 2050. Kỹ thuật tạo giống cổ điển kiểu lai hữu tính không còn khả năng tăng cao năng suất như trước đây mà chỉ còn tăng được 1,5% mỗi năm trong khi kỹ thuật biến đổi gien đã cho thấy khả năng tạo một bước nhảy vọt, không những trong việc tăng năng suất và chất lượng cây trồng mà còn bảo tồn đa dạng sinh học, giảm tác hại của các hoạt động nông nghiệp đối với môi trường, giảm tác hại của biến đổi khí hậu...

Lộ trình phát triển

Giai đoạn 2006 - 2010: thử nghiệm một số giống cây trồng GM trên đồng ruộng. Từ 2011 - 2015 đưa một số giống cây trồng GM (ngô, đậu tương và bông) vào sản xuất thương mại. Đến năm 2020, diện tích một số cây trồng GM (bông, ngô, đậu tương) đạt 30 - 50%.

(Quyết định 11/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12.1.2006)

TS Clive James - Chủ tịch, người sáng lập Dịch vụ quốc tế về tiếp thu các ứng dụng cây trồng GM trong nông nghiệp (ISAAA) - cho biết đến nay diện tích cây trồng GM như đậu tương, ngô, bông, cải dầu, đu đủ, cỏ linh lăng, củ cải đường... (tính lũy kế) đã vượt 1 tỉ ha. Theo ISAAA, trong số 29 nước trồng cây GM trong năm 2010 có 19 nước đang phát triển, chỉ có 10 nước công nghiệp. Ông James cho biết: “Từ năm 1996 đến năm 2009, cây trồng GM đã góp phần vào tính bền vững và sự biến đổi khí hậu bằng cách: sản lượng cây trồng ngày càng tăng và trị giá 65 tỉ USD, tạo môi trường tốt hơn với việc tiết kiệm 393 triệu tấn thuốc trừ sâu…”.

Hiện Mỹ, Canada và các nước đang phát triển khu vực Mỹ La-tinh, châu Phi, châu Á ủng hộ việc sử dụng cây trồng GM. Riêng các nước châu u lúc đầu rất dè dặt đối với cây trồng này nhưng đến nay đã dần chấp nhận.

Những bước đầu tiên

VN hiện là một nước sản xuất, xuất khẩu nhiều nông sản nhưng có một nghịch lý là chúng ta vẫn đang nhập khẩu và lệ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nông sản từ các nước khác. Cụ thể, hằng năm VN vẫn phải nhập ngô, đậu tương cho chế biến thức ăn chăn nuôi; nhập bông vải cho dệt may… Hiện sản lượng ngô VN chỉ đứng mức khoảng 4 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng cho ngành chăn nuôi lên tới 5,5 triệu tấn. Vì vậy, mỗi năm chúng ta phải mất khoảng nửa tỉ USD để nhập khẩu ngô, chủ yếu làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, 10 năm qua, diện tích đậu tương của nước ta mỗi năm một giảm vì năng suất quá thấp.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, năm 2010, VN nhập 2,76 triệu tấn đậu tương, trị giá 1,16 tỉ USD. Năm 2011, sản xuất đậu tương trong nước dự báo cao nhất chỉ đạt gần 300.000 tấn, đáp ứng 7,5% nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chưa kể, nhu cầu đậu tương để sản xuất dầu đậu tương cho người cũng rất lớn. Việc phát triển cây trồng GM là giải pháp khả dĩ có thể giúp VN thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu hiện nay. Hiện VN đang trong giai đoạn khảo nghiệm trên diện rộng các giống ngô GM trên đồng ruộng. Nếu thuận lợi, năm 2012 nông dân mới có thể trồng đại trà giống ngô này.

TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) - nói rằng VN là nước nông nghiệp nhưng trong tương lai sẽ phải đối mặt với những thách thức về an ninh lương thực. Theo dự báo, dân số nước ta vào năm 2020 là 100 triệu người và năm 2050 lên tới 130 triệu nên sản lượng ngũ cốc phải đạt được vào năm 2020 là 50 triệu tấn và năm 2050 là 80 triệu tấn. Trong khi đó, hiện nay mỗi năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu 1 triệu tấn ngô, 2 triệu tấn đỗ tương để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp dần, biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh này, ứng dụng GM đang là một trong những hướng đi để tăng năng suất cây trồng.

Quang Duẩn - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.