Bài toán cây trồng chuyển gien - (Kỳ 2): Việt Nam cần mạnh dạn hơn

19/09/2011 23:46 GMT+7

VN đã chấp nhận và áp dụng công nghệ biến đổi gien (GM) vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần mạnh dạn hơn trong việc đưa cây trồng này vào sản xuất đại trà.

>> Bài toán cây trồng chuyển gien (Kỳ 1)

Những kết quả đầu tiên

Ông Phạm Văn Toản - nguyên Chánh văn phòng Chương trình công nghệ sinh học của Bộ NN-PTNT, phân tích: “Thế giới đã có lịch sử trồng và sử dụng sản phẩm (SP) biến đổi gien trên một chục năm và khoảng 350 triệu người đã sử dụng sản phẩm GM nhưng đến nay chưa từng ghi nhận bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy cây trồng GM và SP của nó không an toàn đối với đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi. Đây là cơ sở thực tế để chúng ta tin tưởng công nghệ này an toàn”. Việc chúng ta mới chỉ đạt được những kết quả nghiên cứu, phát triển rất khiêm tốn trong lĩnh vực này, theo PGS-TS Nguyễn Tấn Hinh - Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT), là do chúng ta chậm và chưa xây dựng hoàn chỉnh cơ sở pháp lý cho việc nghiên cứu, khảo nghiệm, công nhận, trồng đại trà và sử dụng SP cây trồng GM ở VN (năm 2010 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 69 về an toàn sinh học đối với sinh vật GM). Theo TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền, hiện chúng ta vẫn chưa có quy chế đánh giá an toàn thức ăn chăn nuôi và SP sinh vật GM làm thức ăn cho người.


Nghiên cứu công nghệ sinh học biến đổi gien trong phòng thí nghiệm - Ảnh: Quang Thuần

Theo thông tin từ PGS-TS Nguyễn Tấn Hinh, các nhà khoa học trong nước đang nghiên cứu tạo giống bông và đậu tương GM nhưng đây là quá trình phức tạp, trải qua nhiều công đoạn và mất rất nhiều thời gian. Chúng ta cũng đang khuyến khích các tổ chức, công ty nước ngoài đưa giống vào sản xuất với cơ chế tương tự như đối với giống ngô đang được áp dụng. Vụ đông năm 2010, các cơ quan chức năng đã tiến hành trồng khảo nghiệm ngô GM trên diện hẹp tại trạm thực nghiệm H.Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Trạm thực nghiệm cây trồng GM Văn Giang (Hưng Yên). Hiện tại đã bước vào những công đoạn cuối cùng của đợt khảo nghiệm 7 giống ngô GM kháng sâu đục thân, chống chịu thuốc trừ cỏ, kháng sâu bộ cánh vảy của 3 công ty nước ngoài Sygenta VN, Dekald và Pioneer Hi - bred VN tại 12 điểm thuộc các tỉnh: Đắk Lắk, Đồng Nai, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sơn La, Vĩnh Phúc, Nghệ An. Trong tháng 9 này, tất cả các ruộng ngô khảo nghiệm diện rộng sẽ được thu hoạch hết.

Có thể cho phép trồng đại trà?

Các đơn vị thực hiện khảo nghiệm đang hoàn tất hồ sơ báo cáo, trình Hội đồng An toàn sinh học của Bộ NN-PTNT xem xét, đánh giá, cấp chứng nhận an toàn về sinh thái và môi trường cho 7 giống ngô GM. Nếu vượt qua “cửa ải” này, hồ sơ sẽ được trình lên Hội đồng An toàn sinh học quốc gia do Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì xem xét, đưa ra quyết định cuối cùng về việc có cho phép trồng đại trà các giống ngô GM đã khảo nghiệm hay không. “Nếu sớm, năm 2012, VN mới trồng giống ngô GM rộng rãi trên đồng ruộng”, TS Lê Huy Hàm cho biết.

TS Lê Huy Hàm cho biết: “Kết quả bước đầu cho thấy, khả năng kháng sâu của ngô khảo nghiệm tốt đến mức trên tuyệt vời. Tại điểm khảo nghiệm trên đất Vĩnh Phúc - nơi áp lực sâu rất lớn, cây ngô GM cho năng suất tăng 30 - 60% so với giống ngô thông thường người dân vẫn đang trồng. Khả năng kháng thuốc diệt cỏ của giống ngô GM trồng ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) rất tốt, cỏ không mọc được, năng suất ngô tăng đáng kể. Các quần thể sinh học tại khu vực khảo nghiệm không có sự khác biệt với các cánh đồng ngô bình thường, chưa phát hiện được bất kỳ dấu hiệu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và đa dạng sinh học”.

Cần được ủng hộ mạnh mẽ

Việc ứng dụng công nghệ GM trên cây trồng gần đây đã được lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các nhà khoa học ủng hộ mạnh mẽ. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Cây trồng GM là thành tựu khoa học đã được áp dụng rộng rãi và thành công trên thế giới với diện tích ngày càng tăng nhanh. Vì vậy, VN cần tiếp thu nhanh thành tựu khoa học này để ứng dụng vào sản xuất, tạo bước phát triển mới trong nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cây trồng. Bộ NN-PTNT hoan nghênh các công ty quốc tế đưa giống GM vào khảo nghiệm tại VN để tiến đến công nhận, đưa vào sản xuất đại trà”.

Theo TS Lê Huy Hàm: “Nghiên cứu về cây trồng GM rất phức tạp, nó bao gồm tổng hợp của rất nhiều công nghệ. Các nước trên thế giới phải mất 7 - 10 năm và bỏ ra từ 50 - 100 triệu USD mới tạo ra được một giống cây trồng GM trên cơ sở hạ tầng khoa học rất tốt. Vì thế, chúng ta phải tiếp cận đa ngành, có lộ trình và bước đi thích hợp trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ này”.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.