|
Ông Vi Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho PV Thanh Niên biết, việc dồn ứ hàng trăm xe container thanh long trong mấy ngày qua là do quy luật cung cầu, không phải do nguyên nhân hành chính hay thiếu bến bãi. “Người bán thì nhiều mà người mua thì ít. Người bán không muốn bán với giá thấp, người mua không chịu mua giá cao. Các chủ hàng găm hàng để chờ giá nhích lên. Trong khi đó thanh long từ Bình Thuận liên tục chở ra. Vậy là ùn ứ thôi”- ông Tường lý giải. Cũng theo ông Tường, khác với những lần ùn ứ trước của trái dưa hấu, trái nhãn là thiếu bến đỗ cho xe. Bây giờ các cửa khẩu tại Lạng Sơn, một lúc có thể chứa được hàng trăm xe container. Người bức xúc chính là các lái xe, vì họ phải ăn nằm chờ chực tại cửa khẩu. Trong khi đó chủ hàng thì cứ “kiên trì” nằm chờ cho giá thanh long nhích lên.
|
Tranh mua tranh bán
Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Bùi Đăng Hưng, cho biết đợt thanh long cuối mùa này rất nhiều đầu nậu và công ty xuất thanh long tiểu ngạch lỗ vốn. Trong khi thu mua tại Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) với giá 17.000 đồng/kg, nhưng đến sang Pò Chài (chợ đầu mối tại Quảng Tây- Trung Quốc) chỉ bán được giá 13- 14.000 đồng/kg. “Tình trạng tranh mua tranh bán ở những người buôn bán thanh long tiểu ngạch vẫn còn. Điều này không có lợi tí nào khi chúng ta đem hàng ra cửa khẩu Lạng Sơn”- ông Hưng nói.
Còn theo chị Nguyễn Thị Ngạn (chủ vựa thanh long tại xã Hàm Minh, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cho biết: “Biết rõ tại Pò Chài, các đầu nậu Trung Quốc chỉ thu với giá 14.000 đồng/kg, nhưng nhiều người vẫn tranh mua và treo giá 16.000-17.000 đồng. Nhưng là họ mua chịu, chứ có tiền trả hết cho nhà vườn đâu. Đến khi bán lỗ, về nhà “bỏ của chạy lấy người”, khiến nhiều nông dân điêu đứng vì không thu được tiền”.
Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Bùi Đăng Hưng cho biết, bây giờ là vào đợt trái chín cuối cùng của vụ chính. Đợt này sẽ có sản lượng sấp sỉ 1.000 tấn thanh long quả. “Do là mùa mưa, thanh long đợt này trái nhỏ và không đủ chất lượng xuất đường biển (tức xuất chính ngạch-PV). Do vậy con đường của 1.000 tấn thanh long này vẫn là Pò Chài, theo đường tiểu ngạch. Nếu không cân nhắc kỹ, cứ với tình trạng tranh mua tranh bán thế này, tôi nghĩ các doanh nghiệp của Bình Thuận sẽ thiệt thòi, chứ không phải các thương nhân Trung Quốc”- ông Hưng quả quyết.
Bị làm giá?
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao các thương nhân Pò Chài lại bất ngờ không chịu thu mua thanh long Việt Nam. Ông Bùi Đăng Hưng thông tin: “Tôi điện hỏi một số bạn hàng ở Lạng Sơn và bên kia biên giới. Họ nói giờ là mùa mưa bão. Người dân Trung Quốc ít đi ra chợ. Và vì vậy trái thanh long khó tiêu thụ. Còn thực tế ra sao thì mình không nắm được bên đó”.
Anh Lý A Tày, một tài xế chuyên lái xe container từ Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đi Lạng Sơn, rồi sang Trung Quốc thì lý giải khác: “Thực ra các đầu nậu biên giới cũng muốn mua bán giao dịch hoàn thành để họ ăn hoa hồng của cả 2 bên. Nhưng quan trọng nhất là các ông chủ từ trong nội địa ra mua. Họ mua giá nào thì mình được giá đó, chứ mình không có quyền định giá. Mà họ đã không mua thì mình không thể bán cho bất cứ đối tác nào khác. Bị dồn ứ thanh long là vậy”.
Quế Hà - Hoàng Linh
>> Thanh long ruột đỏ Trà Vinh vào thị trường Mỹ
>> Đấu giá bản quyền giống thanh long ruột tím hồng
>> 70% sản lượng thanh long của Bình Thuận xuất sang Trung Quốc
>> Thanh long tăng giá mạnh
Bình luận (0)