'Bài toán' của ngành y

Lê Hiệp
Lê Hiệp
31/08/2022 04:19 GMT+7

Chuyện Bộ Y tế “xin trả” hơn 800 tỉ đồng nhà nước chi cho đầu tư phát triển hệ thống y tế để Chính phủ chuyển cho các dự án giao thông, tạo ra cảm xúc lẫn lộn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Đặng Thuần Phong, tại phiên họp bất thường của Thường vụ Quốc hội để xem xét vấn đề này ngày 29.8, gọi đây là câu chuyện “rất tủi thân” với ngành y.

Đúng là rất tủi thân, vì sau 2 năm tàn phá của đại dịch, những gì đang diễn ra trong ngành y cho thấy hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, đang rất cần đầu tư, hay nói cách khác là đang rất cần tiền. Khoản tiền 14.000 tỉ cũng được Quốc hội dành cho y tế để đầu tư nâng cấp hệ thống y tế, nâng cao năng lực phòng chống dịch nằm trong Chương trình phục hồi kinh tế sau dịch. Vì vậy, chẳng có lý do nào đủ thuyết phục để Quốc hội hay người dân đồng tình chuyển khoản tiền dù “không đáng bao nhiêu” này sang để đầu tư ở lĩnh vực khác như giao thông.

Giải trình về vấn đề này tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng thừa nhận “nhu cầu đầu tư cho y tế là rất lớn”. Bằng chứng là ban đầu các địa phương đăng ký tới 272 dự án với tổng mức đầu tư 59.000 tỉ đồng, cao hơn 4 lần so với tổng số vốn dành cho cả lĩnh vực. Tuy nhiên, theo ông Tuyên, Bộ Y tế đã “rà soát rất kỹ lưỡng” theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện đã được Quốc hội, Chính phủ quy định. Và sau quá trình trao đi, đổi lại bằng hàng chục văn bản cùng một cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành, các đơn vị liên quan, bộ này đã “gút” lại danh sách 144 dự án đáp ứng được các tiêu chí, với tổng số vốn là 13.198 tỉ đồng, dư ra 802 tỉ.

Thực tế, các nguyên tắc, tiêu chí tại Nghị quyết 43 của Quốc hội về chương trình phục hồi phát triển kinh tế không hề “khắt khe”, mà chỉ là những nguyên tắc chung, yêu cầu dự án được đầu tư “phải là dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân và hấp thụ ngay vào nền kinh tế”. Bên cạnh đó, “phải đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa giữa các vùng, miền, địa phương và lĩnh vực”.

Không khó để Bộ Y tế, hay các địa phương, “thuyết minh” một dự án phù hợp với những nguyên tắc nói trên, nhất là trong tình thế “rất thiếu thốn, khó khăn” thậm chí là cấp bách hiện nay của ngành y tế. Vậy lý do gì khiến Bộ Y tế lại dùng chiếc barrier tiêu chí, điều kiện để gạt đi hàng trăm dự án mà các đơn vị, địa phương trình lên? Lý do gì khiến ngay các địa phương cũng không mặn mà gì với việc đầu tư cho hạ tầng y tế, khi theo lời ông Tuyên thì có 4 tỉnh còn gửi văn bản “xin không sử dụng” nguồn vốn này?

Ngành y đang đứng trước nhiều bài toán cần phải có lời giải thấu đáo. Ai cũng thấy cái khó của ngành y tế khi nguyên tắc thì không khó để đáp ứng, song thực hiện lại rất dễ trở thành sai. Song, chắc chắn, đáp án cho các bài toán của ngành y không thể tìm ra bằng “nỗi sợ hãi” với những quy định về tiêu chí, điều kiện hay bằng việc “xin không sử dụng” để nhường cho lĩnh vực khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.