Trước đó, Thủ tướng Theresa May hồi tháng 12.2018 quyết định hoãn đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại hạ viện vì gần như chắc chắn sẽ không được thông qua. Hiện nữ Thủ tướng vẫn đang nỗ lực tiến hành hàng loạt cuộc thương thảo trong hậu trường thuyết phục phe đối lập lẫn nhiều nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ của bà ủng hộ thỏa thuận “ly hôn” đạt được với EU hồi tháng 11. Để văn kiện này được thông qua, bà May cần được sự ủng hộ của ít nhất 320 trong số 650 nghị sĩ tại hạ viện. Tuy nhiên, tình hình không khả quan và nguy cơ Anh phải rời EU từ ngày 29.3 mà không có thỏa thuận nào.
Kể từ khi nắm quyền hồi tháng 7.2016, Thủ tướng May luôn tìm cách đàm phán để đảm bảo Anh chia tay EU một cách suôn sẻ nhất có thể. Theo giới quan sát, với những gì đang xảy ra thì mong muốn của bà khó thành hiện thực.
Trong trường hợp Anh rời EU không có thỏa thuận thì ngay sau ngày 29.3, London sẽ mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và không còn tên trong các hiệp định thương mại giữa EU với các nước khác. Ngân hàng trung ương Anh ước tính trong trường hợp đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm 8%, lạm phát tăng 6,5% và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ mức hiện tại là 4,1% lên 7,5%.
Bình luận (0)