Bài toán kinh tế của VPF

28/12/2012 03:55 GMT+7

Tồn tại trong bối cảnh suy thoái kinh tế dẫn đến nhiều CLB khủng hoảng tài chính, nhưng Công ty cổ phần bóng đá VN (VPF) vẫn hy vọng thu được ít nhất 120 - 140 tỉ đồng ở mùa giải 2013.

Tồn tại trong bối cảnh suy thoái kinh tế dẫn đến nhiều CLB khủng hoảng tài chính, nhưng Công ty cổ phần bóng đá VN (VPF) vẫn hy vọng thu được ít nhất 120 - 140 tỉ đồng ở mùa giải 2013. 

Năm ngoái, khi chưa dính vào vòng lao lý, bầu Kiên (nguyên Phó chủ tịch VPF) đã đàm phán thành công với nhiều doanh nghiệp (DN) cỡ bự để thành lập Hội Bảo trợ bóng đá VN. Các DN này đã đồng ý chi tổng cộng 50 tỉ đồng ở mùa 2012 và được quảng cáo trên truyền hình (VTV, VTC) với mật độ dày đặc trước, trong, sau mỗi trận đấu. VPF từng khát khao số tiền bản quyền truyền hình sẽ lũy tiến ở mỗi năm kế tiếp (năm 2013 mong muốn thu 70 tỉ, năm sau nữa là 100 tỉ), nhưng thực tế đã hoàn toàn không được lạc quan như vậy.

Ông Phạm Phú Hòa, Phó tổng giám đốc VPF, cho hay giữ nguyên khoản tiền 50 tỉ đồng bằng năm ngoái là một nỗ lực tối đa của Hội đồng quản trị VPF. Sau khi tiến hành thương thảo với các DN cũng như với các nhà đài, số lượng trận được phát trực tiếp có thể sẽ giảm ít, cho dù tổng số trận không còn được nhiều như trước do một số đội đã không còn tồn tại. Cụ thể, VTV sẽ phát dự kiến 3 - 4 trận/tuần (được ưu tiên chọn trước 2 trận), VTC phát 3 trận/tuần. AVG cũng từ 2 - 3 trận. 

 Bài toán kinh tế của VPF
 Vô địch như SHB Đà Nẵng ngoài 10 tỉ đồng sẽ có thêm 5 tỉ đồng hỗ trợ - Ảnh: Khả Hòa

Mùa giải 2012 kết thúc, VPF chạy đôn đáo khắp nơi để tìm nhà tài trợ mới cho giải hạng nhất và Cúp quốc gia, do chấm dứt hợp đồng với Tôn Hoa Sen. Nhưng đào đâu ra nhà tài trợ vào thời buổi thóc cao gạo kém này, dù chỉ cần vài tỉ đồng. May mắn thay, trước khi VPF tiến hành lễ bốc thăm khoảng 1 tháng, Ngân hàng Eximbank có Chủ tịch HĐQT là ông Lê Hùng Dũng - người đang giữ chức Phó chủ tịch VFF, Phó chủ tịch HĐQT VPF - đã đồng ý làm nhà tài trợ cho cả 3 giải quan trọng nhất, bao gồm cả V-League. Khoản đầu tư vào khoảng 48 - 50 tỉ đồng. VPF cũng dự tính kể từ năm 2013 sẽ thu lệ phí của các CLB với tổng số tiền khoảng 10 - 12 tỉ đồng/năm, trong đó mỗi đội ngoại hạng là 500 triệu đồng, hạng nhất là 250 triệu đồng. Như vậy, tổng dự thu của mùa tới sẽ vào khoảng 120 - 140 tỉ đồng, gồm bản quyền truyền hình, tài trợ, lệ phí thi đấu và khoản dôi dư từ năm ngoái. Nếu liệu cơm gắp mắm thì không sợ lỗ mà sẽ từ đủ đến thừa cho các khoản chi cho năm 2013, vì năm 2012 VPF thu về 100 tỉ, chỉ chi hết 70 tỉ.

Để kích thích người “tiêu dùng”, VPF đã tăng tiền thưởng cuối mùa lên mức chóng mặt. Trong đó, ở giải chuyên nghiệp, vô địch được thưởng tới 10 tỉ đồng, á quân là 3 tỉ đồng, hạng 3 là 1 tỉ đồng, đội đoạt giải phong cách cũng được 500 triệu. Đặc biệt, sẽ trích ra khoảng 30 tỉ để “cứu đói” cho các CLB: Đội nào về nhất V-League cuối mùa sẽ được 5 tỉ; á quân, hạng ba lần lượt được 4 tỉ, 3 tỉ; đội đứng thứ 4 được 2,5 tỉ, thứ 5 được 2 tỉ... Thậm chí đội rớt hạng cũng được 1 tỉ đồng. Giải hạng nhất sẽ được hưởng bằng một nửa các con số nói trên. Ông Phạm Phú Hòa nói: “Năm ngoái, chúng tôi không hỗ trợ mà giữ lại để phòng ngừa những lúc cần đến tiền để giải quyết các sự cố. Nhưng năm nay, thấy các CLB quá khó khăn nên HĐQT quyết định rót tiền. Căn cứ vào nguồn thu được, VPF sẽ cố gắng làm được đúng phương án đặt ra, kể cả tăng thu nhập cho đội ngũ trọng tài... Song nếu thấy bị hụt vì còn nhiều khoản chi quan trọng khác nữa, chúng tôi sẽ cân đối lại, nhưng luôn cố gắng hỗ trợ ở mức tốt nhất, phù hợp nhất. VPF cũng khuyến khích các đội cần có sự chuẩn bị thật tốt, thì sẽ thu được khoản không nhỏ từ vé”. 

VPF thuê chuyên gia Nhật Bản làm phó tổng giám đốc

Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho biết để tăng cường hiệu lực quản lý và điều hành cho Ban tổng giám đốc (TGĐ) VPF trong việc tổ chức các giải V-League, hạng nhất, Cúp QG từ năm 2013, Hội đồng quản trị VPF đã thống nhất sẽ mời chuyên gia Nhật Bản tham gia vào ban TGĐ giữ vai trò là phó TGĐ phụ trách các khâu tổ chức giải, hoạch định các hình thức công nghệ tổ chức và các vấn đề chuyên môn làm sao cho giải đấu trở nên hấp dẫn hơn, tư vấn cho công tác đối ngoại và kế hoạch chi tiêu tài chính... Nói chung sẽ giữ vai trò như CEO nhằm hỗ trợ cho TGĐ Phạm Ngọc Viễn. Chuyên gia Nhật Bản này từng có kinh nghiệm làm việc ở J-League và sẽ do ông Daisuke Nakanishi, Giám đốc điều hành, Trưởng BTC J-League đích thân giới thiệu. Theo dự kiến, trong tháng 1 tới, nhân vật CEO này sẽ có mặt ở VN và tham gia vào các hoạt động chuẩn bị của VPF cho mùa giải mới.

Q.T

Lan Phương

>> Bác hết đề xuất của VPF
>> VPF ráo riết chuẩn bị cho mùa giải mới
>> Đấu khẩu dữ dội giữa các ông bầu VPF
>> Bầu Đệ muốn xem xét lại sự tồn tại của VPF

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.