(TNO) Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên Online, bài toán lớp 3 gây "bão mạng" mấy ngày qua đã từng “làm khổ” phụ huynh học sinh Hà Nội cách đây hai năm. Lúc đó có phụ huynh đưa lên mạng nhờ giải, nhưng độ khó của nó khiến cả giáo sư Ngô Bảo Châu cũng phải thốt lên: “Chắc chỉ có mỗi cách là mò cua, may ra thì bắt được ốc!".
Bài toán lớp 3 gây "bão" trên mạng
|
Ngày 17.5.2013, sau khi trang mạng Học thế nào tại địa chỉ http://hocthenao.vn (giáo sư Ngô Bảo Châu là người sáng lập), đăng lại loạt bài “Giảm nhưng vẫn quá tải” của báo Thanh Niên, anh P.T, một phụ huynh Trường tiểu học Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng vào phần bình luận để nhờ giáo sư Châu giải bài toán.
Theo anh P.T, đây là một bài toán do cô giáo chủ nhiệm phát cho các cháu ở lớp con anh và gợi ý các cháu nên làm. Tuy nhiên, hai ngày sau, chính cô giáo chủ nhiệm cũng thú nhận rằng cô… không làm được. Anh P.T đã mang bài đó đi hỏi một số cô giáo ở các trường tiểu học khác nhưng các cô cũng "lắc đầu". Bằng biệt danh Thichhoctoan, giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết ông không hiểu đề bài, và dẫu có hiểu cũng không làm được ngay. Sau khi có một bạn đọc khác ở Việt Nam diễn giải đề toán, giáo sư Châu bình luận: “Chắc chỉ có mỗi cách là mò cua, may ra thì bắt được ốc!”.
Sau khi bài toán “lan tỏa” đến Tây Nguyên và gây "bão" trên mạng, một học giả cũng đưa nó lên Facebook để giễu cợt và mời một số giáo sư người Việt từng đoạt huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế vào bình luận. Nhiều giáo sư toán học tên tuổi cho biết phải mất hàng chục phút mới giải được, hoặc "đầu hàng".
Sách tái bản đã bỏ bài toán gây “bão”
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục - Đào tạo Bảo Lộc, Lâm Đồng, bài toán trên có xuất xứ từ cuốn sách tham khảo có tiêu đề “Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt và Toán lớp 3”, do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản, sách được nộp lưu chiểu tháng 6.2012. Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm cho biết, bản in năm 2012 có bài toán gây "bão”, ở trang 72.
Ông Cường giải thích: “Đây là một tài liệu tham khảo để giúp học sinh ôn luyện, củng cố kiến thức. Trong đó cũng có những bài tập có tính chất nâng cao giúp học sinh phát huy năng lực, trí sáng tạo. Là một tài liệu tham khảo, lại dưới dạng phiếu ôn tập cuối tuần, nên các bài tập trong đó không bắt buộc học sinh phải làm. Các em có thể chủ động trong việc làm hay không làm các bài tập đó. Hơn nữa, vì là bài tập cuối tuần nên các em sẽ được làm ở nhà (chứ không phải là một bài kiểm tra trên lớp) dưới sự hướng dẫn của phụ huynh”.
Ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm - Ảnh: Quý Hiên
|
Theo ông Cường, không phải đợi đến khi trên mạng xôn xao về bài toán mà ngay sau lần in đầu tiên, các biên tập viên của Nhà xuất bản Đại học sư phạm đã nhận ra bài toán “có vấn đề”. Vì thế, những lần tái bản sau, các biên tập viên đã đề xuất nhóm tác giả thay thế bài toán này bằng một bài toán khác. Để chứng minh, ông Cường đã đưa cho phóng viên xem cuốn sách “Phiếu bài tập cuốn tuần Tiếng Việt và Toán lớp 3” tái bản năm 2015, kèm theo tập bản thảo gốc.
Chỉ vào một số bút tích trên bản thảo gốc, ông Cường nói thêm: “Mỗi lần tái bản chúng tôi đều yêu cầu các tác giả bổ sung, điều chỉnh hình thức - nội dung sách phù hợp với yêu cầu mới. Chẳng hạn ở các phiên bản cũ, trên mỗi phiếu có ô ghi điểm thì phiên bản 2015 ô điểm được thay bằng ô đánh giá”.
Khi chúng tôi đề nghị được tiếp xúc với tác giả bài toán, ông Cường xin… khất. Theo giải thích của ông Cường, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm không trực tiếp tổ chức biên soạn cuốn sách này mà thông qua đơn vị liên kết - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Giáo dục 123. Hơn nữa, sách xuất bản lần đầu tháng 6 năm 2012, trong khi cuối năm đó ông Cường mới nhận nhiệm vụ giám đốc nhà xuất bản. Tuy nhiên ông Cường khẳng định là việc xuất bản cuốn sách cũng như các lần tái bản, nhà xuất bản đều thực hiện đúng quy trình.
Bình luận (0)