Bài toán 'xe đạp thồ của bác Thắng' đang gây tranh cãi |
chụp màn hình |
Học sinh tiểu học đang sắp kiểm tra cuối kỳ 1, do đó trên các diễn đàn, phụ huynh khắp nơi đang trao đổi về đề cương ôn tập của các con cũng như những đề bài khiến họ băn khoăn.
Mới đây, có một phụ huynh bày tỏ thắc mắc về một đề bài toán ôn kiểm tra học kỳ 1 của lớp 3. Theo chị, đề bài toán này có thể khiến học sinh thấy “không công bằng” khi tại sao xe đạp thồ của bác Thắng chở những 352 kg mà 9 xe thồ khác chỉ chở mỗi xe có 70 kg. Tâm lý của trẻ nhỏ sẽ khiến chúng thắc mắc “tại sao các xe không chở đồng đều khối lượng như nhau?”.
Cụ thể, bài toán này viết: “Đội xe đạp thồ của bác Thắng gồm 10 xe đang chở lương thực tiếp tế cho bộ đội ở Điện Biên Phủ. Xe đạp thồ của bác Thắng chở 352 kg lương thực, 9 xe đạp thồ còn lại mỗi xe chở 70 kg lương thực. Hỏi đội xe đạp thồ của bác Thắng chở được bao nhiêu kg lương thực?”.
“Tôi cũng thắc mắc”
Qua tìm hiểu, được biết đề bài toán trên nằm trong Sách “Đề kiểm tra toán 3”, học kỳ 1, Kết nối tri thức với cuộc sống của nhóm tác giả Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Văn Quân, Uyển Uyển (Nhà xuất bản Hà Nội).
Khi được đọc đề bài toán lớp 3 này, phụ huynh Thái Hoàng Di Yên có con học tiểu học tại Q.Gò Vấp, TP.HCM, nói: “Tôi cũng thắc mắc. Các phụ huynh có đọc các tài liệu lịch sử thì biết là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những xe đạp thồ đã vận chuyển rất hiệu quả lương thực thực phẩm, đạn dược, thuốc men cho bộ đội. Mỗi xe đạp thồ có thể chở được 50-100 kg và nếu được gia cố có thể chở nhiều hơn, kỷ lục xe đạp thồ thuộc về chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng, tỉnh Phú Thọ khi có chuyến chở được 352 kg hàng. Nhưng học sinh lớp 3 chưa học lịch sử để biết thông tin trên, các bé sẽ thắc mắc, liệu có gây rối cho các con không?”.
Còn các giáo viên, phụ huynh khác nói gì về bài toán lớp 3 này? Chúng tôi ghi nhận các ý kiến khác nhau.
“Không nên làm phức tạp”
Quản lý chuyên môn một trường tiểu học ở TP.HCM cho biết bài toán “xe đạp thồ của bác Thắng” nêu trên là dạng giải toán có lời văn. Học sinh lớp 3 có thể giải được bài toán này bằng việc vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học. Bài toán không hề sai, không đánh đố học sinh, tuy nhiên dữ liệu đề bài đưa ra là chưa phù hợp với học sinh lớp 3.
Cô giáo này cho hay học sinh lớp 3 chưa học môn lịch sử, các em chỉ học môn tự nhiên và xã hội, nhưng đề bài nêu ra các thông tin “xe đạp thồ”, “bộ đội Điện Biên Phủ” sẽ khiến các học sinh phải phân tâm và chắc chắn giáo viên sẽ phải dành thời gian để giải thích cho học sinh ý nghĩa của những dữ liệu trên.
Theo cô, học sinh hiện nay có cái nhìn rất đa dạng, các em phản biện, thắc mắc rất nhiều và sẽ thấy có sự vô lý như tại sao xe thồ của bác Thắng chở 352 kg mà các xe thồ khác chỉ chở 70 kg, tại sao không phải chia đều, tại sao không hỗ trợ nhau như khi học sinh làm việc nhóm… Như vậy, mục tiêu ban đầu của người ra đề là để học sinh giải toán, vận dụng cách tính toán ra sao để ra kết quả đang bị xa rời.
Theo giáo viên quản lý chuyên môn, đề bài toán có lồng ghép những thông tin lịch sử như trên sẽ phù hợp với học sinh lớp 4, 5 trở đi. Người biên soạn sách cho học sinh lớp 3 nên biên soạn đơn giản, dễ hiểu, lấy những dữ liệu gần gũi với cuộc sống hơn cho học sinh, chứ không nên làm phức tạp hơn.
Học sinh một trường tiểu học trong giờ toán |
ngọc thắng |
“Đề toán hay”
Trong khi đó, ở góc độ khác, cô Nguyễn Hồng Thủy Tiên, giáo viên Trường tiểu học Hanh Thông, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: “Đề toán hay, vừa đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng lớp 3, vừa lồng ghép được tích hợp được kiến thức lịch sử, xã hội”.
Theo cô Thủy Tiên, học sinh lớp 3 sẽ áp dụng phép tính nhân để tìm tổng khối lượng mà 9 xe đạp thồ đã chở. Sau đó, các em sẽ dùng phép tính cộng để cộng kết quả trên với “352”, là khối lượng mà xe đạp thồ của bác Thắng đã chở để tìm ra kết quả cuối cùng. Nội dung bài toán phù hợp với chương trình học lớp 3 của các bé, không có gì đánh đố cũng như gây khó khăn.
Về chi tiết “xe đạp thồ”, “bộ đội Điện Biên Phủ” trong đề bài toán, theo cô Thủy Tiên thì người giáo viên cần giải thích trước cho các em khi làm bài, vì có thể các em chưa biết. Tuy nhiên, đây cũng là cách lồng ghép kiến thức lịch sử, xã hội vào đề bài toán, giúp học sinh nắm bắt kiến thức đa dạng hơn, cô Thủy Tiên cho hay.
Phụ huynh Hoàng Văn Thái, có con học tiểu học tại P.9, Q.8, TP.HCM cũng khen đây là đề toán thú vị: “Để làm được bài toán trên thì các học sinh cần thực hiện phép nhân và phép cộng, hoàn toàn phù hợp với trình độ học sinh lớp 3. Thông tin đưa ra trong đề bài cũng là một cách gợi mở để các em có thể mở rộng thêm kiến thức của mình. Dù chưa học lịch sử nhưng các em có thể nhờ cô giáo, hay cha mẹ cung cấp giúp cho mình thông tin để biết về xe đạp thồ, hay chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Chúng tôi đã liên hệ với nhóm tác giả biên soạn cuốn sách “Đề kiểm tra toán 3" với bài toán "xe đạp thồ của bác Thắng chở 352 kg", đại diện nhóm cho hay sẽ phản hồi sau về quan điểm khi biên soạn bài toán trên.
Bình luận (0)