Đã qua 24 tiếng đồng hồ, nhưng dấu tích cuộc hỗn chiến vẫn còn trên thân thể vài người, trong đó có anh Lê Được, nhà ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên. Đôi chân khập khiễng và vành tai trái rách do bị đánh hội đồng, anh âu sầu cho biết: Sáng 22.7, khi nhiều người dân Hòa Liên đang trên đường độc đạo rời rừng, vừa đến khu Cầu Sụp thì bị một nhóm người đi trên 2 ô tô chặn đánh bằng sắt cây và ống tuýp nước. Anh Được bị đánh đuổi rớt xuống hố sâu, sứt một đoạn vành tai và sưng bầm đôi chân.
Anh Lê Được - nạn nhân của cuộc hỗn chiến do vàng |
Ông Trương Thu - trưởng thôn Trường Định, xác nhận những thông tin trên và cho biết thêm: từ sáng 21/7 trong làng chỉ còn người già, trẻ con và cán bộ do hầu hết nông dân trai tráng đều kéo nhau lên bãi vàng tìm vận may. Đến sáng 22.7, khi họ kéo nhau trở về thì liền bị chặn đánh. Không chỉ vậy, nhóm "đầu gấu vàng" còn liên tục xuất hiện trong thôn, đe dọa người dân Trường Định "nếu ai ra khỏi làng sẽ một đi không trở lại"!
Có không chuyện bảo kê ?
Được biết, hồi giữa tháng 6/2006, sau khi có tin anh Nguyễn Tấn Nhân trúng đậm mấy chục ký vàng, tình hình bãi vàng Khe Đương ngày càng sôi sục. Đội quân Đà Nẵng xâm nhập, thợ đào vàng Thái Nguyên cũng khăn gói tìm vào. Trước diễn biến phức tạp, lực lượng công an, quân đội và một số ngành liên quan đã tiến hành đợt truy quét quy mô lớn và sau đó đóng quân chốt chặn tại cửa rừng. Tưởng vậy là yên, nhưng chẳng hiểu dựa vào đâu, một nhóm người do "trùm" X. ngụ ở Tân Ninh, xã Hòa Liên cầm đầu vẫn ngang nhiên nổ máy xay vàng gần nơi các lực lượng chức năng chốt giữ. Nghi ngờ có sự "bảo kê" nên bà con "dọ thám" nắm tình hình và sau đó cuộc "so găng" đã diễn ra.
Theo bà con, nhóm "đầu gấu" này chính là nhóm được "ưu tiên" đào đãi vàng tại Khe Đương trong thời gian qua. Do "bức xúc" vì sao họ được phép còn mình thì không, nên hàng trăm người dân sở tại đã theo nhau ào vào tận nơi để đãi vàng. Hôm đó, dù có tiếng súng chỉ thiên và vô số đá bay vèo vèo về phía mình nhưng bà con vẫn sát cánh "tiến lên". Quân số không cân bằng, nhóm 30 thợ đào đãi vàng tạm thời rút chạy nhưng hôm sau, họ tổ chức phục kích khi bà con quay về và hỗn chiến đã diễn ra!
Trao đổi với chúng tôi ngày 23/7, thượng tá Phạm Bạn, Trưởng công an huyện Hòa Vang, nói: "Có khoảng 50 quân gồm công an huyện, công an TP Đà Nẵng, Thành đội, Huyện đội và dân quân đóng chốt tại bãi vàng Khe Đương để kiểm soát tình hình. Vừa rồi, do dân kéo lên đông quá nên tình hình có phần vượt tầm kiểm soát. Riêng chuyện cho rằng có ai đó bảo kê tại bãi vàng chỉ là suy diễn, không có căn cứ".
Đâu là giải pháp ?
Phát biểu với báo chí chiều 23/7, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Huỳnh Minh Nhơn cho biết, tình trạng hàng trăm người dân kéo lên bãi vàng xô xát với lực lượng chức năng là có thật và đến thời điểm này vẫn chưa có cơ quan, nhóm người nào được cấp phép khai thác vàng tại Khe Đương. Ông nói: "Theo tôi, bãi vàng này có trữ lượng vàng rất lớn, để tránh lãng phí, lãnh đạo thành phố cần nhanh chóng xin ý kiến Bộ Tài nguyên - Môi trường, chấp nhận cho một vài đơn vị đứng ra khai thác, nộp ngân sách Nhà nước. Nếu vậy, chúng tôi sẽ tổ chức lực lượng đứng ra bảo vệ. Còn nếu cứ để tình trạng tranh giành đào đãi kéo dài như hiện nay, tình hình chắc chắn sẽ ngày càng phức tạp hơn".
Người dân Hòa Liên lại lên “cơn sốt” (ảnh: Đ.N.K) |
UBND huyện Hòa Vang đã có tờ trình đề nghị UBND thành phố, Sở Tài nguyên - Môi trường và các ngành chức năng nghiên cứu, nhanh chóng đánh giá trữ lượng và tìm kiếm hình thức khai thác thích đáng tại bãi vàng Khe Đương. Tuy nhiên, gần một tháng trôi qua, huyện chưa nhận được phản hồi.
Tại bãi vàng Khe Đương, người dân đã đào hàng chục hầm xuyên vào lòng núi, mỗi hầm có độ sâu từ 20 đến 60 mét. Đó là chưa kể hàng trăm mét đường hầm có ngóc ngách thông nhau. Trong đợt truy quét vừa qua, các ngành chức năng đã cương quyết trục xuất gần 500 người có mặt tại hiện trường, đốt nhiều lán trại, phá hủy nhiều máy và cối xay đá, thu giữ nhiều vật dụng khác liên quan đến đào đãi vàng. Về bãi vàng Khe Đương, năm 1993, đoàn địa chất 501 (thuộc Liên đoàn địa chất Trung Trung Bộ, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đã phát hiện và mô tả trong báo cáo địa chất: "Kết quả tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 vùng quặng Bà Nà, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ", tại đây có tiềm năng về quặng kim loại quý. Tuy nhiên, đến nay công tác tìm kiếm đánh giá các điểm khoáng hóa này vẫn chưa được triển khai. |
Đ.N.K
Bình luận (0)