Có một lần nhân trong làng có đám cúng đình, tôi đến xem, thấy thầy tôi ngồi trên phản bình luận mấy câu phú của Lữ Mông Chánh:
“Nam đại bất hôn như liệt mã vô cương
Nữ đại bất giá như tư diêm phạm thủ”.
Tôi nhớ mãi hai tiếng “tư diêm” mà cử tọa hiểu một nghĩa khác nhau. Người thì nói “tư diêm” là con “tư diêm”, nghĩa là một con vật tên là “tư diêm”. Người thì ra vẻ thành thạo hơn, định nghĩa nó là con chim “tư diêm” và giảng giải rằng: loại chim tư diêm có một điểm tạm gọi “luyến ái quan” đặc biệt hơn các loài chim. Khi con chim “tư diêm” cái đã trưởng thành đúng nghĩa chữ “đại” dưới vế câu phú “nữ đại…” mà có một con chim trống đến vỗ cánh lên đầu nó thì lập tức nó bỏ theo chim trống không bao giờ rời nữa, dù có phải qua bao nhiêu sông biển núi rừng cũng mặc! Thế nên câu phú trên kia mới nói: gái lớn không gả chồng chẳng khác nào chim tư diêm mái bị vỗ đầu. Một người khác cãi lại, nhứt quyết bảo “tư diêm” là con cua. Con cua bị đè đầu thì nó ngoan ngoãn nằm xuống cũng như… Nhưng riêng ông Lang Hai thì cương quyết làm cách mệnh không chịu hiểu “tư diêm” là một con vật, ông lắc đầu quả cảm nói:
- Các ông nói sai chữ cả. Chữ nào nghĩa ấy thì “tư diêm” đích thị là muối lậu. Câu chữ trên nghĩa là con gái lớn mà không gả chồng cũng như đi bán muối lậu bị bắt, muốn giải thoát thì phải phi tang. Nghĩa là phải gả gấp con gái hay đánh chìm số muối lậu.
Mọi người xúm nhau cãi vã om sòm. Thầy tôi bấy giờ mới chen vào nói:
- Các ông sao thích cãi nhau thế? Bất tất phải biết tư diêm là cái quái gì, ta cứ hiểu “tư diêm” là “tư diêm” để thưởng thức một câu sách hay thế cũng đủ rồi!
Tôi nhớ mãi lời thầy tôi nói hôm ấy như một câu châm ngôn. Vì nó rất chí lý.
Kể ra thầy tôi cũng có công phu trong việc khai hóa cho trí óc tôi tiếp xúc với thứ kiến văn Á Âu Ngô Sở của thầy.
Tía tôi không thích thầy tôi lắm, nhưng vẫn giữ đúng tư cách một phụ huynh học sinh thức đạt.
Các anh tôi và tôi đều học một thầy nên ngày 23 tháng chạp năm ấy - ngày đưa ông Táo về trời - tía tôi sai hai anh tôi dẫn tôi đem biếu thầy một cặp dưa hấu, gọi là đi tết.
Thầy tôi nắm tay tôi dặn dò:
- Ba bực tôn quý trên đời là Quân, Sư, Phụ. Quân là Vua, Sư là Thầy. Phụ là tía mày đó. Bởi vậy mùng Một các quan đi tết Vua thì mùng Hai học trò đi tết Thầy. Mầy biết không?
Tôi vâng dạ ra về.
Tết đến. Sáng mùng Một, chúng tôi đều mặc quần áo mới, mừng tuổi Tía Má.
Mỗi đứa chúng tôi đều được thưởng tiền, bỏ leng keng nặng túi áo. Tôi chợt nhớ lời thầy nên nói với anh Hai tôi:
- Ngày mai là ngày mùng Hai phải đi tết Thầy sớm chớ hả?
Tía tôi bèn kêu chúng tôi lại gần, chậm rãi nói:
- Nếu mùng Một tết Vua, mùng Hai tết Thầy thì mùng mấy mới tết ông bà cha mẹ? Ngày nay mầm dân chủ đã mọc khắp thế giới, vả lại ở đây đâu có Vua, mà còn cứ xem Vua là bậc tối thượng thì lầm lắm. Tục ngữ có câu: mùng Một tết Cha, mùng Ba tết Thầy. Ngày mùng Ba tụi bây mới đi tết Thầy.
Y lời, đúng ngày mùng Ba chúng tôi mới đi mừng tuổi thầy. Để giữ đúng lễ, Tía tôi bắt anh Hai tôi phải mặc áo dài, bịt khăn đen.
Ra đường, đi được một quãng xa, anh Hai tôi lột khăn áo giao cho anh Ba tôi, bảo:
- Mày mặc bộ đồ lễ này thay tao đi trước. Tao còn bận ghé đằng này một chút.
Đi chưa được trăm thước anh Ba tôi ngừng lại nói với tôi:
- Tao mặc thứ lễ phục này bất tiện. Vậy giao lại cho mầy...
Bị dồn vào chỗ bí, tôi đứng mãi hồi lâu rồi cũng đành phải miễn cưỡng mặc bộ quốc phục. Vạt áo dài, dài thườn thượt, phải lộn ngược lên thắt lưng như đàn bà đi cấy mới có thể bước được. Cũng như tay áo dài quá dài, phủ mất bàn tay, phải lộn ngược tay áo lên rất xa, tôi mới ngo ngoe hai bàn tay được.
Đến nhà thầy tôi thấy trong nhà vắng hoe. Chúng tôi bẽn lẽn đứng ngoài hàng ba. Chợt nghe tiếng gà kêu và tiếng chân người chạy huỳnh huỵch. Chúng tôi nhớn nhác trông ra. Bên góc sân thầy tôi vừa rượt gà vừa quát:
- Trẻ đâu xúm lại ví gà. Bắt nó đó... nó chạy kìa...
Không thấy ai hưởng ứng lời thầy cả. Con gà giò chạy ngoắt ngoéo mãi, thầy tôi mệt thở hổn hển mà chẳng bắt được gà, tức tối thét lên:
- Bây chết hết rồi sao không một đứa nào ra ví bắt tiếp tay hả?
Ngỡ là thầy mắng chúng tôi sao đứng đấy không giúp sức ví bắt gà. Anh Ba tôi vừa chạy ra sân vừa giục tôi:
- Chạy ra ví bắt gà với thầy, mau lên!
Tôi không dám chần chừ, lúng túng trong bộ lễ phục chạy theo anh tôi. Vừa ra tới sân thì vạt áo dài xổ xuống. Tôi vấp phải vạt áo ngã lăn trên đất. Chiếc khăn đen văng bắn ra đằng xa. Đau quá, không chổi dậy được, tôi nằm khóc rống lên giữa sân.
Thầy tôi giật mình, dừng chân lại.
Con gà gặp dịp may chạy thoát ra vườn mất biệt.
Anh tôi chạy lại đỡ tôi dậy. Toàn thân tôi dính bùn đất be bét. Cái áo dài rách soạt một lỗ to. Mặt tôi trầy trụa rướm máu hai ba chỗ.
Thầy tôi thở dài buông thõng một câu:
- Vì mầy mà tao hụt ăn con gà mùng Ba!
Bình luận (0)