Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi nói với PV Thanh Niên rằng việc 2 tàu cá và 21 ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) khi đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN, bị TQ bắt giữ vào hôm 3.3, là hành động ngang ngược và hết sức phi lý. Vì vậy, dù phía TQ có bắt giữ, xua đuổi nhưng họ chẳng hề ngán ngại, vẫn tiếp tục đưa tàu cá ra vùng biển Hoàng Sa mưu sinh, bám giữ ngư trường truyền thống. “Ngư dân chúng tôi vẫn bám biển Hoàng Sa đến cùng, bởi đây là vùng biển thuộc chủ quyền của VN thì mình có quyền đánh bắt, không sợ gì cả”, ngư dân Võ Đào, ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn, cho biết.
Gặp gỡ thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, ông thổ lộ rằng người dân Lý Sơn luôn tự hào là cháu, con của những hùng binh Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước đã bất chấp hiểm nguy giong thuyền đi mở cõi. Vì thế, ngư dân Lý Sơn luôn ý thức việc ra khơi không chỉ là mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thuyền trưởng Lưu sau 4 lần bị TQ tấn công, bắt giữ, thu tàu khi đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa, dù trắng tay, nợ nần nhưng tình yêu biển, khát khao chinh phục đại dương vẫn luôn rực cháy trong tim nên ông tiếp tục vay mượn sắm tàu ra khơi.
|
Hiện đại hóa đội tàu
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Viết Chữ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh sẽ làm hết sức mình và tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngư dân yên tâm bám biển xa. Năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành chính sách hỗ trợ thiệt hại sản xuất cho hộ ngư dân là chủ tàu cá bị rủi ro trên biển với mức từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng/tàu.
Theo ông Chữ, khai thác hải sản trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ luôn tiềm ẩn những rủi ro cả thiên tai và “nhân tai”. Do vậy, ngoài việc khuyến khích các địa phương thành lập tổ ngư dân đoàn kết trên biển, thành lập nghiệp đoàn nghề cá, Quảng Ngãi đã xây dựng đề án Phát triển hợp tác xã (HTX) dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ. Theo đó, giai đoạn 2011-2015 sẽ hỗ trợ hơn 29 tỉ đồng để thành lập 10 HTX. Mỗi HTX tối thiểu có 20 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên.
“Việc xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ đối với ngư dân Quảng Ngãi là hết sức cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc. Mô hình này không chỉ gắn kết ngư dân lại với nhau cùng đối phó với thiên tai, địch họa trên biển mà còn nâng cao tính ổn định và bền vững trong việc khai thác hải sản xa bờ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Chữ nói.
Ông Chữ cũng cho biết thêm, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về đề án thực hiện thí điểm hiện đại hóa tàu khai thác hải sản xa bờ. Theo kế hoạch, trong năm 2012-2013 sẽ đóng mới 22 tàu vỏ thép cho ngư dân các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ và Lý Sơn, trong đó có 20 tàu đánh cá công suất 400-800 CV và 2 tàu dịch vụ hậu cần, mỗi tàu công suất 1.000 CV. Giai đoạn 2014-2020, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, mỗi năm tỉnh Quảng Ngãi dự kiến đóng mới từ 100-150 tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để từng bước hiện đại hóa tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh.
Việc hiện đại hóa tàu cá là điều hết sức cấp thiết hiện nay, đáp ứng mong mỏi của ngư dân. Có tàu lớn, cộng với kinh nghiệm đi biển được đúc kết từ bao đời nay, là tiền đề quan trọng giúp ngư dân Quảng Ngãi đủ sức chống chọi với thiên tai, địch họa nơi biển xa thuộc chủ quyền của Tổ quốc.
Bặt tin tức 21 ngư dân bị bắt Sau hơn 1 tuần một mình “vượt cạn” bằng phương pháp mổ tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, sáng 24.3, chị Lê Thị Phúc, vợ thuyền trưởng Trần Hiền đã xuất viện. Tuy nhiên, biển động mạnh nên mẹ con chị Phúc chưa thể trở về đảo Lý Sơn mà phải tá túc ở nhà người thân. Chị Phúc hết sức lo lắng cho số phận chồng mình cùng các ngư dân Lý Sơn đang bị phía Trung Quốc giam giữ tại đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa), bởi suốt 4 ngày qua lại bặt vô âm tín. Trước đó, anh Trần Hiền và phía Trung Quốc liên tục gọi điện thoại từ số máy 8689 8668 35903 và 1387 6638 433 thúc giục chị Phúc nộp “tiền phạt”. |
Hiển Cừ
Bình luận (0)