'Bấm bụng' để thích ứng với xăng, điện, học phí và cơm bụi... tăng giá

Thảo Phương
Thảo Phương
02/06/2023 14:52 GMT+7

Điện, xăng, học phí và cơm bụi tăng giá khiến cuộc sống của nhiều người trẻ như sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp thêm phần khó khăn hơn. Thay vì than thở, kêu ca, họ đã và đang nghĩ ra nhiều cách để thích ứng và sống chung với vật giá leo thang.

‏15 giờ chiều ngày 1.6, liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 390 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 520 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.870 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.010 đồng/lít. Xăng tăng giá khiến cuộc sống của nhiều sinh viên và lao động nghèo rơi vào cảnh khó càng thêm khó. ‏‏

Người trẻ thích ứng với giá xăng tăng bằng những cách này - Ảnh 1.

Người trẻ tìm cách thích ứng với việc xăng tăng giá

THẢO PHƯƠNG

Cân đo đong đếm để không bị thâm hụt chi tiêu

Để tiết kiệm chi phí thuê trọ nên mặc dù đi làm ở Q.7 nhưng vẫn ở ký túc xá đến hết tháng 7 năm nay, Nguyễn Khánh Huyền My (22 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM phải cân đo đong đếm để không bị thâm hụt chi tiêu khi mà xăng, điện, học phí và... cơm bụi tăng giá.‏

‏"Từ ký túc xá tới chỗ làm hơn 20 km, cả đi cả về là hơn 40km. Mỗi tuần mình tốn khoảng 150.000 đồng tiền đổ xăng. Như vậy, 1 tháng chi phí đi lại là 600.000 đồng, nhiều lúc rất muốn đi xe buýt để tiết kiệm tiền xăng nhưng đi xe buýt phải đi 2 tuyến và mất rất nhiều thời gian, bình thường đi xe máy khoảng 1 tiếng đồng hồ thì đi xe buýt sẽ gấp đôi", My kể.

Người trẻ thích ứng với giá xăng tăng bằng những cách này - Ảnh 2.

Xăng tăng giá mà chỗ ở cách xa chỗ làm nên nhiều người phải tìm cách cân đo đong đếm để không bị thiếu hụt chi tiêu

THẢO PHƯƠNG

‏Chưa hết bàng hoàng vì hóa đơn tiền điện tăng vọt, nay lại nghe thêm thông tin giá xăng tiếp tục tăng, Hồ Thị Hồng Linh (26 tuổi), làm việc tại Khu Công nghệ cao TP.Thủ Đức (TP.HCM), ở trọ trên đường số 10, khu phố 3, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức không khỏi lo lắng. ‏

‏"Hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi cộng thêm xăng tăng giá nên mình phải tính toán chi ly kỹ hơn. Mỗi tháng ngoài tiền trọ, tiền ăn uống sinh hoạt cho bản thân mình còn phải dành ra một khoản gửi về quê cho bố mẹ. Vì không muốn giảm bớt tiền gửi về quê nên chỉ còn cách cắt bớt chi phí ăn uống, giải trí của bản thân. Bình thường nếu đi làm về mệt mình sẽ mua đồ ăn ngoài nhưng để tiết kiệm mình chịu khó dậy sớm hơn để nấu cơm mang đi làm và chừa phần để tối về hâm lại ăn. Nếu đi chợ nấu ăn thì một ngày chỉ tốn khoảng 60.000 đồng thôi. nếu ăn ngoài giá cơm bụi giờ cũng leo thang", Linh kể.‏

Nghĩ nhiều cách để thích ứng...

Nhiều người trẻ đã nghĩ cách để thích ứng với tình trạng xăng tăng giá. Cắt bớt một số khoản chi tiêu không thật sự cần thiết là cách mà Huyền My đang làm. "Ở công ty, buổi trưa ăn cơm xong, như mọi lần mình sẽ đặt trà sữa hoặc nước ép, nhưng nay để tiết kiệm mình chỉ uống nước lọc. Đồ ăn vặt cũng cắt giảm, xem như số tiền đó sẽ bù vào tiền đổ xăng", My cho hay.‏

‏Không chỉ My mà nhiều bạn trẻ khác cũng nghĩ cách để cắt giảm chi tiêu. Là sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cơ sở ở P.Linh Trung, TP.Thủ Đức nhưng đang ở trọ tại 719 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), trước tình hình xăng tăng giá, cô nàng gen Z Nguyễn Thị Vân Khánh quyết định đi xe buýt đi học. ‏

‏"Nếu đi xe máy thì nhanh và tiện hơn nhưng để tiết kiệm tiền đổ xăng nên mình thức dậy từ 4 giờ 30 phút để bắt xe buýt đi học. Như vậy mỗi ngày mình sẽ chỉ tốn 6.000 đồng, còn nếu đi xe máy vừa tốn tiền xăng vừa tốn tiền giữ xe. Chưa kể tiền điện 2 tháng trở lại đây tăng chóng mặt nên nếu không tìm cách tiết kiệm thì số tiền 4 triệu đồng ba mẹ chu cấp mỗi tháng sẽ không đủ. Mặc dù hơi vất vả một chút nhưng hôm nào đi học cả ngày mình sẽ dậy sớm nấu cơm mang theo ăn trưa. Chắc sắp tới mình sẽ xin chuyển vào ở ký túc xá, như vậy sẽ tiết kiệm thêm được một khoản tiền", Khánh chia sẻ.

Người trẻ thích ứng với giá xăng tăng bằng những cách này - Ảnh 3.

Xăng tăng giá, nhiều sinh viên chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển

THẢO PHƯƠNG

‏Còn với chị Huỳnh Thị Mai Hoa (34 tuổi), làm việc ở Công ty cổ phần thương mại - xuất nhập khẩu Thủ Đức, TP.HCM, cho rằng không thể mãi ta thán với điệp khúc điện tăng, xăng tăng... Thay vào đó cần có sự thích ứng để sống chung với vật giá leo thang.‏

‏Chị Hoa kể đã và đang áp dụng nhiều "chiêu" để tiết kiệm nhằm giảm chi tiêu mỗi tháng. Cụ thể, chị hạn chế sử dụng tiền điện thoại hơn mà thường liên lạc người thân, bạn bè qua những ứng dụng mạng xã hội như: Zalo, Messenger... Hay dù có máy giặt trong phòng trọ ở 43/12 đường số 10, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM) nhưng thời gian này thỉnh thoảng mới sử dụng nhằm tiết kiệm điện. Chị Hoa thường tranh thủ thời gian rảnh để giặt tay. "Nếu để đồ dồn đống thì giặt sẽ rất mệt, phải cậy nhờ máy giặt. Còn ngày nào giặt tay ngày đó thì nhanh chóng hơn. Qua đó tiết kiệm được tiền điện", chị Hoa nói.‏

‏Chàng trai Nguyễn Phúc Nguyên (21 tuổi), trọ trên đường Đình Phong Phú, P.Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức, TP.HCM cho hay: "Xăng tăng rồi lại giảm, giảm rồi tiếp tục tăng, cái vòng luẩn quẩn này mình cũng quen rồi. Muốn không tốn thêm tiền cho việc đi lại thì hạn chế ra ngoài, đi chơi xa để không "cháy ví" vì tiền đổ xăng. Bình thường cuối tuần mình hay về quê ở Tiền Giang nhưng nếu xăng tăng giá thì 2 tuần hoặc 1 tháng về 1 lần. Ăn uống cũng tiết kiệm lại chút".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.