Ngày 19.8, phụ huynh, thí sinh tiếp tục chầu chực tại các trường ĐH, đặc biệt các trường tốp đầu để rút, nộp hồ sơ với tâm trạng hồi hộp, lo âu.
Phụ huynh và thí sinh lo lắng, vây quanh tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM trước cửa phòng đào tạo để hỏi về thông tin điểm các ngành - Ảnh: Đ.Nguyên
|
Vây quanh phòng đào tạo
|
Phụ huynh V.V.Trương, có con thi được 28 điểm, đăng ký vào ngành bác sĩ đa khoa, chỉ cao hơn ngưỡng điểm an toàn 0,25. Quá lo lắng nên ông Trương từ tỉnh Quảng Nam vào TP.HCM ngay từ ngày 15.8. Mấy ngày ở trọ tại TP.HCM, ngày nào ông cũng lên trường để cập nhật tình hình hồ sơ.
Phụ huynh N.T.Tuyết (Q.8, TP.HCM) có con đăng ký vào ngành dược sĩ trường này cho biết tổng điểm chỉ cao hơn ngưỡng an toàn tạm thời 0,25 nên rất lo lắng. Vì vậy, phụ huynh này mỗi ngày đều đến trường để xem xét tình hình trong tâm trạng hồi hộp và lo âu. PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết chỉ cần một vài TS cao điểm trội nộp thêm vào ngành bác sĩ đa khoa sẽ ngay lập tức đẩy TS có điểm bằng ngưỡng rớt ra ngoài danh sách.
Sáng 19.8, có rất nhiều phụ huynh, TS tập trung trước cửa Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với tâm trạng lo lắng vì điểm trúng tuyển tạm thời các ngành học của trường những ngày gần đây biến động rất khó lường. Đặc biệt, ngành báo chí và truyền thông của trường (khối C) đã có mức trúng tuyển tạm thời là 25,75. Hai tổ hợp môn còn lại của ngành này (văn - toán - tiếng Anh và văn - sử - tiếng Anh) đều ở mức 23,75 điểm. Chỉ cần tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, bước ra cửa là hàng chục phụ huynh, TS lập tức vây quanh để hỏi về mức điểm an toàn ở các ngành.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ngày hôm qua số TS rút hồ sơ nhiều hơn số người nộp vào. PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết chỉ qua một ngày ngưỡng điểm an toàn các ngành đã thay đổi. Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, thông tin điểm chuẩn dự kiến các ngành của trường vẫn tiếp tục tăng nhẹ.
Đại gia đình “chạy tiếp sức” xét tuyển
Phan Văn H. quê ở Yên Thành, Nghệ An có kết quả khối A 20 điểm, nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Giao thông vận tải. Do có nhiều người thân đang làm việc tại Hà Nội nên “sự nghiệp” xét tuyển vào ĐH của H. được đại gia đình lên kế hoạch tỉ mỉ, phân công trách nhiệm cụ thể của từng người. Chú út làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin được giao trách nhiệm “canh mạng”. Khi điểm dự kiến xét tuyển của các trường tốp giữa, trong đó có trường giao thông, leo dốc thì một người chú khác (tên Tiến) nhập cuộc.
Anh Tiến kể: “7 giờ sáng 19.8 tôi đã phải có mặt tại Bến xe Mỹ Đình để nhận giấy ủy quyền và các giấy tờ liên quan của cháu H. trong Nghệ An gửi ra. Khoảng 11 giờ trưa tôi đến trường để trực tiếp nhờ cán bộ tuyển sinh tra cứu vị trí của cháu H. vào thời điểm đó, nếu không an toàn thì phải rút ra ngay”.
Miễn sao vào được ĐH
Theo nhiều TS, đến thời điểm này những TS điểm khá rất bối rối khi đứng trước các lựa chọn trong khi điểm chuẩn dự kiếp tiếp tục gây bất ngờ ở “phút 89”. Đặng Thành Tr. ở Hải Dương cho biết trong một tuần, 3 lần em đến Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Tr. mệt mỏi nói: “Tên em nằm gần cuối cùng rồi nên em biết trong bảng thông báo ngày mai mình sẽ trượt. Em sẽ nộp sang Trường ĐH Thủy lợi rồi mặc kệ, trượt thì thôi”.
Cũng trong ngày 19.8 ở Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Thiều Thọ C., quê H.Đông Sơn (Thanh Hóa), rút hồ sơ ở Trường ĐH Giao thông vận tải để nộp hồ sơ vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dù khả năng trúng tuyển vẫn còn bấp bênh. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều TS dưới 19 điểm bắt đầu lựa chọn phương án “chắc ăn”, miễn sao đỗ được ĐH. Phùng Thị Bích Nh., 20 điểm khối A, vừa rút khỏi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội để nộp vào Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp. “Trường này mọi năm điểm chuẩn cũng khá thấp, năm nay cho đến giờ số TS nộp hồ sơ vào vẫn còn ít hơn chỉ tiêu nên em nghĩ mình sẽ đỗ”, Nh. nói.
15,5 điểm vẫn có thể vào kiến trúc
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, thông tin: “Đến ngày 19.8, có sự chênh lệch khá cao giữa các ngành trong một khối thi. Chẳng hạn ở khối V, ngành kiến trúc có mức điểm trúng tuyển khoảng 21,5, thì ngành quy hoạch vùng và đô thị chỉ 15,5. Trong khi đó, ở khối H, ngành thiết kế đồ họa tới 20 điểm mới có thể trúng tuyển thì ngành thiết kế công nghiệp chỉ ở mức 16,5. Riêng khối A, mức điểm trúng tuyển của các ngành khá tương đồng, kỹ thuật xây dựng là 21,25 và kỹ thuật hạ tầng đô thị là 20,5”.
Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, còn khá nhiều chỉ tiêu cho nhóm ngành thiết kế và dịch vụ. Trong trường hợp ngành nào thu hút nhiều TS đăng ký, trường sẽ xem xét để điều chỉnh tăng chỉ tiêu ngành đó và giảm chỉ tiêu ngành có ít TS đăng ký hơn.
Thạc sĩ Tôn Quang Toàn, Phó phòng Tổ chức nhân sự Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết nhiều ngành còn chỉ tiêu như quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, thiết kế đồ họa, kiến trúc...
Theo thạc sĩ Lê Sĩ Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, mức điểm chuẩn của trường cho tất cả các ngành tương đương với ngưỡng xét tuyển đầu vào. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng còn khá nhiều chỉ tiêu, với điểm chuẩn dự kiến ĐH là 15 điểm, CĐ là 12 điểm. Trong khi đó, tại Trường ĐH Duy Tân, ngoài ngành thiết kế số có mức điểm xét tuyển 17 điểm, xây dựng dân dụng và công nghiệp 16 điểm, bác sĩ đa khoa 22, dược sĩ 18 điểm, các ngành còn lại đều dự kiến điểm chuẩn ngang với ngưỡng xét tuyển đầu vào của Bộ. Trong đó ngành kiến trúc 300 chỉ tiêu thì mới nhận được 100 hồ sơ.
MỸ QUYÊN
|
Bình luận (0)