Vượt qua bão tố
Còn nhớ, năm 2022, Bamboo Airways - hãng hàng không tư nhân Việt dành được rất nhiều cảm tình của hành khách với tỷ lệ đúng giờ luôn dẫn đầu và dịch vụ tận tâm, đã có sự phục hồi và bứt phá ngoạn mục sau đại dịch. Chỉ trong một năm, hãng đưa vào khai thác 11 đường bay thường lệ quốc tế mới, nâng tổng số đường bay quốc tế lên con số 15, kết nối ba châu lục và tạo nên sức cạnh tranh tích cực cho thị trường hàng không Việt Nam.
Những tưởng Bamboo Airways cứ thế tiếp đà vút bay như diều gặp gió, thì bão táp lại ập đến. Hãng hàng không trẻ phải đưa ra những quyết định khó khăn để tiếp tục cất cánh. Hàng loạt những giải pháp mạnh đã được Bamboo Airways triển khai trong một chương trình tái cấu trúc sâu rộng và toàn diện được báo cáo với Chính phủ vào cuối năm 2023.
CEO Lương Hoài Nam ví von đây là "cuộc đại giải phẫu", vì trong 12 tháng tái cấu trúc, người Bamboo Airways lần lượt phải trải qua những quyết định "cân não" và nhiều tiếc nuối. Từ việc tạm dừng một số đường bay nội địa, trong đó có các đường bay Côn Đảo, Điện Biên từng là "đường bay biểu tượng" của hãng, tạm dừng toàn bộ các đường bay thường lệ quốc tế, tới trả nhiều tàu bay, bao gồm cả đội bay Boeing 787 Dreamliner và Embraer E190.
"Đây là những quyết định lớn và vô cùng khó khăn với chúng tôi. Bởi Boeing 787 Dreamliner và Embraer E190 từng là niềm tự hào của Bamboo Airways, cho phép hãng chinh phục các đường bay tiên phong trong lịch sử hàng không Việt Nam. Nhưng chúng tôi buộc phải làm để tái cấu trúc hiệu quả, hướng đến sự phát triển bền vững", CEO Lương Hoài Nam từng ngậm ngùi chia sẻ.
Động thái trả tàu bay, dừng khai thác các đường bay "vàng" khi ấy không chỉ khiến CEO Lương Hoài Nam cùng Ban điều hành hãng đau đáu mà còn dấy lên nhiều đồn đoán và áp lực. Nhưng Bamboo Airways đã bình tĩnh bẻ lái, dũng cảm từ bỏ những hào quang cũ để xây dựng lại từ đầu.
Chào tương lai sáng
Trong suốt năm 2024, dừng lại các đường bay thường lệ quốc tế song cánh bay xanh vẫn miệt mài cần mẫn vận hành các chuyến bay thuê chuyến đến Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc… Hãng tiếp tục được xướng tên trong Top 5 hãng hàng không khu vực tốt nhất châu Á, giải thưởng được mệnh danh là "Giải Oscar của ngành hàng không" – World Airlines Awards 2024 của Skytrax. Ở trong nước, chất lượng dịch vụ của Tre Việt được khách hàng yêu thích, khen ngợi, bảo toàn được thương hiệu hãng hàng không tận tâm, hiếu khách, phục vụ từ trái tim.
Và rồi sau gần một năm ngừng bay thường lệ quốc tế, chuyến bay số hiệu QH323, khởi hành từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Don Mueang (Bangkok) vào ngày 26.11.2024, đánh dấu việc Bamboo Airways chính thức bay thường lệ quốc tế trở lại. Chưa dừng ở đó, Bamboo Airways tiếp tục nối dài sự trở lại với các chuyến bay đến đảo ngọc Phú Quốc hàng ngày. Đồng thời, kết nối Phú Quốc với thị trường quốc tế thông qua các chuyến bay thuê chuyến Phú Quốc - Đài Bắc và Phú Quốc - Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc), với tần suất đều đặn 7 chuyến/tuần, kể từ 24.12.2024.
Rất nhanh chóng, các chuyến bay thường lệ tới Thái Lan, Phú Quốc của Bamboo Airways nhận được sự quan tâm của đông đảo hành khách và đạt tỷ lệ lấp đầy cao ngay từ các chuyến bay đầu tiên. Dường như, sự yêu thích và tin tưởng của đông đảo khách hàng dành cho Bamboo Airways vẫn chẳng hề suy giảm sau bao thăng trầm của hãng.
Anh Nguyễn Tú - khách hàng thân thiết của Bamboo Airways tâm sự: "Tôi tìm đặt vé đi Bangkok từ trước khi Bamboo Airways công bố mở lại đường bay Thái Lan, thấy giá vé các hãng trong nước cũng như quốc tế đều khá cao. Vậy mà thật bất ngờ, ngay khi Bamboo Airways công bố bay thường lệ tới Thái Lan, giá vé máy bay của các hãng trong tuần đã giảm ngay, có lợi cho nhiều hành khách".
Quả thật, diễn biến trên thị trường hàng không đã chứng minh cho lời khẳng định mà CEO Lương Hoài Nam từng nói: "Có Bamboo Airways sẽ tốt hơn cho ngành hàng không hơn là không có Bamboo Airways". Bamboo Airways mạnh khỏe trở lại, góp phần tạo thế cân bằng cho thị trường, hành khách có thêm lựa chọn giá vé máy bay vì có sự cạnh tranh lành mạnh.
Còn nhớ cuối năm 2023, CEO Lương Hoài Nam trả lời phỏng vấn báo chí về lộ trình tái cấu trúc của hãng, trong đó đề cập đến mục tiêu khởi động lại hoạt động bay thường lệ quốc tế từ đầu năm 2025. Vậy mà tới tháng 12.2024, Bamboo Airways đã bắt đầu hiện thực hóa mục tiêu này. Lộ trình sớm hơn một chút thôi, nhưng nó là chỉ dấu cho thấy Bamboo Airways đã nỗ lực vượt trội với một tầm nhìn có tính toán, thực tế (chiến lược kinh doanh gắn với các điều kiện cụ thể của thị trường) và thực dụng (cái gì có hiệu quả thì mới làm).
"Làm CEO một hãng hàng không mà liên tục nhận được câu hỏi 'khi nào mở lại đường bay Côn Đảo, Cà Mau?'; 'khi nào bay trở lại Đài Loan, Hàn Quốc?', đối với tôi đó là niềm hạnh phúc, nhưng cũng là áp lực. Nói áp lực tạo ra kim cương có thể hơi sáo, nhưng thật sự, sự mong ngóng đó từ hành khách là trở thành động lực to lớn cho chúng tôi nỗ lực hơn nữa, phục hồi và bảo toàn thương hiệu hàng không Bamboo Airways mà hành khách hết lòng yêu mến", CEO Bamboo Airways nói.
Năm 2025 được dự báo là thời điểm bùng nổ khai thác của thị trường quốc tế, trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng của ngành hàng không nội địa. Bamboo Airways đặt mục tiêu đón thêm tàu bay, để tiếp tục khai thác trở lại mạnh mẽ hơn nữa trên các đường bay nội địa và bầu trời quốc tế. CEO Lương Hoài Nam nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để sẵn sàng cho sự trở lại này. 2025 là năm Bamboo Airways đặt mục tiêu kinh doanh hòa vốn và tiến tới có lãi trong các năm tiếp theo, tạo điều kiện cho kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán".
Bamboo Airways đã vượt qua giai đoạn khó khăn với một chiến lược thực tế, tập trung vào hiệu quả khai thác và phát triển bền vững. Những bước đi bài bản đã giúp hãng sớm khôi phục nhiều đường bay, thậm chí nhanh hơn lộ trình đặt ra. Hành trình tái sinh của hãng hàng không từng là "hắc mã" trong chiếm lĩnh thị phần hàng không nội địa và cảm tình khách hàng, rõ ràng đang mở ra những bước tiến đầy hứa hẹn và rất đáng để trông đợi.
Bình luận (0)