Bán biển số xe công vụ giả tràn lan: Công an có trách nhiệm điều tra xử lý

21/05/2020 04:51 GMT+7

Tùy vào tính chất, mức độ, có thể là Bộ Công an, công an tỉnh, thành phố hoặc công an cấp quận, huyện sẽ vào cuộc để điều tra làm rõ về tình trạng làm giả biển số xe công vụ...

Thực trạng rao bán biển số xanh, biển số đỏ giả... diễn ra từ lâu và báo chí phản ánh khá nhiều nhưng đến nay vẫn tồn tại.

Dễ dẫn đến nhiều hệ lụy

Trả lời Thanh Niên ngày 16.5, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn giao thông - Cục CSGT (C08) - Bộ Công an, cho biết đơn vị này từng ghi nhận tình trạng sản xuất, sử dụng biển số (BS) giả tại một số địa phương và đã phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý.
Gần đây nhất, đầu tháng 1, tổ công tác thuộc các đơn vị nghiệp vụ của C08 phối hợp với Đội CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức bắt quả tang 1 trường hợp sử dụng máy ép để sản xuất BS giả. Cơ quan chức năng thu giữ tang vật gồm 1 máy ép để sản xuất BS giả, 1 dấu dập hai mặt in công an hiệu cùng gần 30 BS của ô tô và xe máy; hơn 20 phôi nhôm BS xe.
Trước tình trạng như Thanh Niên phản ánh, thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương xử lý.
Lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an đánh giá việc sản xuất, kinh doanh trái phép và sử dụng BS xe giả là vi phạm quy định pháp luật. Ngoài ra, việc các đối tượng rao bán BS xe giả tràn lan trên mạng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là đối với vấn đề quản lý các phương tiện giao thông.
Bởi các đối tượng xấu lợi dụng BS giả để thực hiện các hành vi phạm tội, che giấu thông tin cá nhân, gây khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình điều tra. Thực tế đã có nhiều vụ án trộm cắp tài sản, cướp tài sản..., mà thủ phạm dùng xe mang BS giả làm phương tiện phạm tội. Cơ quan công an cần sớm vào cuộc không để tình trạng này xảy ra bởi hệ lụy xấu rất lớn.
Về vấn đề này, thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng tình trạng sản xuất, sử dụng BS giả xuất phát chủ yếu từ nhu cầu người dân khi sử dụng phương tiện bị rơi hoặc hư hỏng BS, song bên cạnh đó cũng có trường hợp sử dụng phương tiện không có giấy tờ muốn làm BS để hợp thức hóa.
Tuy nhiên, tất cả những trường hợp này, dù vô tình hay cố ý đều vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, điều 8 luật An toàn giao thông đường bộ coi việc sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán BS xe cơ giới, xe máy chuyên dùng là những hành vi bị nghiêm cấm. Tại Thông tư 15/2014/TT-BCA cũng quy định các cơ quan có thẩm quyền đăng ký xe và cấp BS xe, gồm Cục CSGT, Phòng CSGT các tỉnh, TP và lực lượng công an trực thuộc tỉnh. Tổ chức, cá nhân nào ngoài những đơn vị nêu trên sản xuất BS xe đều vi phạm pháp luật. Chính vì thế, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại điều 29 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Theo đó, người vi phạm hành vi sản xuất BS hoặc sản xuất, lắp ráp phương tiện xe cơ giới đường bộ trái phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân và từ 6 - 10 triệu đồng đối với tổ chức.

Cần phối hợp điều tra

Tuy nhiên, theo một cán bộ của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an, việc các đối tượng công khai quảng bá sản xuất, mua bán BS trên internet có dấu hiệu của hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (quy định tại điều 341 bộ luật Hình sự 2015).
“Việc anh dập BS mang ra chợ bán hay rao bán trên mạng thì hành vi đều như nhau, chỉ khác nhau về phương thức thực hiện hành vi, và việc rao bán trên mạng có tình tiết tăng nặng hơn vì tính lan tỏa cao hơn”, vị này nói và cho biết tùy vào tính chất, mức độ mà cơ quan có thẩm quyền, có thể là Bộ Công an, công an tỉnh, thành phố hoặc cấp quận, huyện thuộc tỉnh hoặc bộ, sẽ vào cuộc để điều tra làm rõ.
Song vị này nhìn nhận trước tình trạng rao bán BS hiện nay, công an các địa phương cần chủ động vào cuộc, trong trường hợp khó khăn về việc xác minh đối tượng do ẩn danh trên mạng internet thì có thể đề nghị đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp điều tra.

Người sử dụng biển số giả cũng bị xử lý

Bên cạnh đó, tại điều 17 Nghị định 100/2019 cũng quy định mức xử phạt đối với các phương tiện sử dụng BS xe giả như sau: đối với xe mô tô, xe gắn máy: phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng nếu người điều khiển xe không gắn BS (đối với loại xe có quy định bắt buộc gắn BS); gắn BS không đúng với BS ghi trên Giấy đăng ký xe; BS không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, còn bị tịch thu Giấy đăng ký, BS xe không đúng quy định.
Đối với xe ô tô: phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng khi người điều khiển xe gắn BS không đúng như Giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đồng thời, BS không đúng cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị tịch thu và người vi phạm còn bị tước bằng lái xe từ 1 - 3 tháng. Đáng chú ý, các trường hợp sử dụng BS xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, theo điều 341 bộ luật Hình sự 2015.
Thái Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.