Thuật ngữ mỡ nâu xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây, nó được biết đến như là “khắc tinh” của mỡ trắng – thủ phạm gây thừa cân và béo phì. Vậy mỡ nâu là gì?
Các nhà khoa học cho rằng có thể dùng mỡ nâu để điều trị thừa cân, béo phì |
Kỳ này, mời các bạn cùng Thẩm mỹ Xuân Trường tìm hiểu về mỡ nâu và những triển vọng của nó trong điều trị thừa cân, béo phì.
Trong cơ thể chúng ta tồn tại đến 2 loại tế bào mỡ, đó là tế bào mỡ trắng và tế bào mỡ nâu.
Tế bào mỡ trắng chiếm đến 90 - 99%, chứa đầy triglyceride, giúp dự trữ năng lượng cho cơ thể, cách nhiệt và là vùng đệm cơ học. Tế bào mỡ trắng dễ tăng lên về kích thước và sản sinh thêm về mặt số lượng, điều này có thể lý giải tại sao một người có trọng lượng 50-70kg nhưng khi “phát phì” có thể lên tới hơn 100kg và thậm chí là 200-400kg.
Tế bào mỡ nâu chứa rất nhiều các hạt mỡ và những tinh thể mitochondria (sản xuất năng lượng), giúp tạo nhiệt lượng cho cơ thể, cần nhiều ở trẻ sơ sinh để ổn định thân nhiệt. Tế bào mỡ nâu ít sản sinh thêm ở người trưởng thành, kích thước cũng khó thay đổi.
Tóm lại, mỡ trắng tích trữ năng lượng còn mỡ nâu đốt cháy năng lượng. Do đó, đứng trên quan điểm giảm cân, mỡ nâu là một loại “mỡ tốt” và mỡ trắng là “mỡ xấu”.
|
Y học trước đây cho rằng mỡ nâu chỉ hiện diện ở trẻ sơ sinh chứ không có trong cơ thể người trưởng thành. Tuy nhiên, 3 nghiên cứu mới công bố trên tập san New England Journal of Medicine cho thấy rõ ràng và nhất quán rằng mỡ nâu vẫn “ở” trong cơ thể chúng ta và điều này mở ra một tia hy vọng trong việc điều trị thừa cân, béo phì.
Trong nghiên cứu thứ nhất của các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard, phân tích 1972 scan và phát hiện mỡ nâu ở 7.5% nữ và 3% nam, trong đó thường gặp ở nam giới dưới 50 tuổi và ở những người không béo phì. Ngược lại, những người có lượng mỡ và trọng lượng càng cao thì lượng mỡ nâu càng thấp. Mỡ nâu thường được tìm thấy phía sau cổ, dọc xương sống và bên cạnh xương đòn, và chỉ khi nào dùng PET-CT scan mới thấy rõ ràng hơn.
Một nghiên cứu khác ở Hà Lan, 25 người đàn ông khỏe mạnh được cho ở trong môi trường 16°C và 22°C để xác định kích hoạt của tế bào mỡ nâu. Ở môi trường lạnh (tức 16°C) mỡ nâu tìm thấy trong 23 người, nhưng ở môi trường 22°C thì không phát hiện mỡ nâu. Nghiên cứu này cho thấy mỡ nâu được kích hoạt trong môi trường lạnh hơn là môi trường nhiệt độ bình thường hay nóng.
Mỡ nâu (dọc xương sống và bên cạnh xương đòn) được kích hoạt ở nhiệt độ thấp
|
Một nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy tế bào mỡ nâu chỉ kích hoạt trong môi trường lạnh. Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Louisiana cho 41 chuột sống trong môi trường lạnh 5oC trong 1 tuần và được cho ăn thức ăn chứa nhiều béo. Họ phát hiện rằng trong thời gian đó các tế bào mỡ nâu được kích hoạt và hệ quả là các chuột này giảm 14% trọng lượng!
Những khám phá vừa kể trên mở ra một giải pháp mới trong việc giảm cân, chống béo phì, đó là tìm cách “cấy” mỡ nâu hoặc kích hoạt mỡ nâu để đốt cháy năng lượng từ mỡ trắng. Tuy nhiên, mỡ nâu rất khó tìm và khó nghiên cứu bởi các tế bào mỡ nâu và mỡ trắng thường nằm lẫn với nhau trong mô mỡ.
Việc đi tìm các tế bào mỡ nâu đòi hỏi phải chụp cắt lớp để phát hiện nơi nào có mỡ, kết hợp với chụp PET-CT để xác định những tế bào có chuyển hóa tích cực nhất, và những bước khác để phát hiện mỡ nâu và đánh giá hoạt động của nó. Một số công ty dược đang tích cực nghiên cứu bào chế thuốc để kích hoạt mỡ nâu, và tương lai không xa, bên cạnh những biện pháp tập luyện và ăn kiêng, loại thuốc này có thể giúp chúng ta giảm thiểu bệnh tật đến từ nguyên nhân thừa cân, béo phì.
Bình luận (0)