Tôi đã nghĩ gì nhỉ?! Tôi đã đánh mất hai tiếng đồng hồ quý giá trong cuộc đời! Có vấn đề gì với tôi à? Thứ nhất, đó là do tôi không hề ưa Tom Hanks, và thứ hai là điều đó chứng minh rằng tôi quá chán nản và cần có thứ gì đó để tiêu khiển trên chuyến bay dài đó. Có thể bạn đang tự hỏi vấn đề này thì liên quan gì đến chuyện học hành? Trước hết hãy bàn về nội dung bộ phim. Hanks đóng vai Larry Crowne - một ông già béo ngoài năm mươi và cũng là một cựu quân nhân, đã ly dị và đang làm việc cho chuỗi cửa hàng Walmart. Và ngay khi bạn nghĩ rằng không có chuyện gì xảy đến thì Larry lại bị thay thế bởi một người trẻ tuổi tự mãn nhưng hắn ta có trình độ phù hợp với cuộc cải tổ của công ty bất chấp lòng trung thành và sự tận tụy trong công việc của Larry nhiều năm qua. Kết quả là Larry có thêm “thành tích thất nghiệp” trong hồ sơ xin việc đã không mấy ấn tượng chỉ vì không có trong tay tấm bằng đại học. Trong khi bộ phim đang phát triển theo hướng lãng mạn ướt át đặc sệt phong cách Hollywood thì chuyện Larry cảm thấy mình bị dồn vào đường cùng trong lúc này chính là thực tế của rất nhiều người trong số chúng ta.
|
Khi nhà của Larry sắp bị ngân hàng thu hồi thì anh đã nghe theo lời khuyên của người hàng xóm là Lama, đăng ký vào trường đại học cộng đồng với hy vọng sẽ kiếm được một công việc. Và chính vào lúc này thì cái chuyện chả ra đâu vào đâu đó là bộ phim đã chạm vào một vài mối lo âu mà những sinh viên lớn tuổi hay gặp phải khi họ quyết định đi học trở lại. Một trong những mối lo âu đó là làm sao để kết bạn. Trong phim, Larry đã nhanh chóng kết thân với Talia, một tâm hồn trẻ trung tự do thích cưỡi xe Vespa và siêu dễ thương. Làm sao một kẻ thất bại như Larry lại có thể thu hút sự chú ý này?! Dẹp cái kịch bản nông cạn này sang một bên, Larry biết rằng mọi người thường chủ động tiếp cận với những con người khác xa Larry cho nên ông ta đã nỗ lực tìm hiểu các bạn cùng lớp và dành thời gian để đi chơi với họ trong và ngoài trường học. Điều này tạo nên một mạng lưới hỗ trợ an toàn để khi ông ta căng thẳng, lo lắng, và bối rối (những chuyện này thường xảy ra khi chúng ta đi học lại), ông ta có nơi nào đó để tựa vào. Lấy bản thân tôi làm ví dụ, ngày xưa lần đầu tiên tôi vào đại học là khi tôi 25 tuổi, lúc đó tôi cảm thấy khó mà hòa hợp với các bạn cùng lớp vì hầu hết những bạn đó chỉ vừa rời khỏi ghế phổ thông được vài tháng, còn tôi thì đi học trở lại sau hai năm dài dạy học ở Nhật Bản. Khoảng cách về kinh nghiệm sống là rất lớn. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự nỗ lực, tôi đã khám phá ra giữa chúng tôi có rất nhiều sự tương đồng.
Larry cũng gặp không ít khó khăn với những thay đổi bất thường trong việc làm sao để học trở lại. Nếu như không có kinh nghiệm trong việc học ở bậc đại học thì không chỉ những sinh viên lớn tuổi như Larry mà tất cả sinh viên nói chung đều vấp phải những khó khăn như là sự kỳ vọng không trùng khớp giữa sinh viên và giáo viên. Và một trong những nguyên nhân chính tạo ra mối lo âu trong việc học mà chúng tôi thường thấy ở LSU (Bộ phận Kỹ năng Học thuật) đó là làm sao để viết bài tiểu luận. Kinh nghiệm cho thấy rằng bất kể bạn lớn lên trong môi trường nào hoặc ngôn ngữ chính của bạn là gì thì hầu hết những sinh viên năm nhất thường không biết cách viết tiểu luận một cách bài bản. Nhưng cùng với sự hỗ trợ, thực hành, và lời góp ý mang tính chất xây dựng từ bạn học, giáo viên, và từ những nơi như là LSU, thì ngay cả những sinh viên yếu kém nhất trong việc viết tiểu luận cũng có thể trở thành những nhà viết tiểu luận thành thạo và dễ dàng tốt nghiệp hơn. Tôi nhớ lại trong thời gian học đại học, lần đầu tiên viết bài tiểu luận tôi chỉ được có 9 trong tổng số 20 điểm và kèm theo đó là những lời nhận xét chán ngán của giáo viên. Tôi đã vượt qua được khó khăn đó bằng cách tìm sự hỗ trợ và qua một thời gian tôi đã quen với những phương thức giúp viết bài tiểu luận tốt hơn và đã viết được khá nhiều bài hay.
Thường thì những ai có dự tính đi học lại thì hay tìm ra nhiều lý do là tại sao mình không nên làm điều đó mặc dù mà bản thân rất muốn. Trái ngược với suy nghĩ đó, trong bất kỳ môi trường học tập nào thì những sinh viên lớn tuổi thật ra là nguồn tài nguyên quý giá; họ đem đến lớp học những giá trị mà những sinh viên vừa mới tốt nghiệp phổ thông thường không có ví dụ như kinh nghiệm sống và làm việc, phẩm chất làm việc tích cực, và quan điểm mới. Ngay tại RMIT, chúng tôi thường tiếp xúc những sinh viên lớn tuổi đang theo học chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh; tuy rằng họ không có nhiều thời gian nhưng họ có động lực cao, tính tổ chức và định hướng tốt để đạt được thành công - chính điều này đã làm tăng giá trị của kinh nghiệm học tập và giảng dạy.
Hiện nay nền văn hóa của Việt Nam đang điều chỉnh để phù hợp với khái niệm học tập suốt đời và hy vọng rằng trong một tương lai không xa chúng ta sẽ thấy nhiều sinh viên lớn tuổi đến LSU để tham khảo ý kiến hơn. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nếu bạn đang có ý định đi học trở lại nhưng không chắc rằng sẽ đạt được những gì bạn muốn thì hãy suy nghĩ thật kỹ bởi vì biết đâu được bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng bạn đã sẵn sàng về điều đó. Xin nói thêm rằng, trong phim Larry cuối cùng đã cặp với một cô gái, tốt nghiệp đại học, kiếm được một công việc, và sống hạnh phúc mãi mãi.
Matthew Cowan
(Phòng Kỹ năng Học thuật, Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam)
Bình luận (0)