Gần nửa năm nay, người dân ở chung cư Lam Sơn (số 9 Công Trường Lam Sơn, Q.1, TP.HCM) đã quen với hình ảnh hàng trăm con bồ câu từ khắp nơi cứ đầu buổi sáng, giữa giờ chiều là chen đậu kín khắp các dây điện phía trước chung cư.
Rồi một người đàn ông đứng tuổi, tóc đã hoa râm ra đứng trên vỉa hè với một bị thóc trên tay, thản nhiên rải xuống mặt đường.
|
Bồ câu đua nhau sà xuống, nhiều con còn bay phất phơ mổ luôn thóc vương trên tay người đàn ông. Dần dần những du khách nước ngoài đi ngang qua cũng thích thú đứng lại quay phim, chụp ảnh... Nhiều người còn xin người đàn ông một ít thóc để rải xuống cho lũ chim.
Người đàn ông này tên Thành, có một cửa hàng buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ ở ngay tầng trệt chung cư. Một sáng mở tiệm, thấy hai chú bồ câu đang đậu trên dây điện phía trước, ông nhớ ra trong tiệm của mình còn một ít thóc và đem ra rải thử trên vỉa hè. Sau hơn mười phút lưỡng lự, hai con bồ câu sà xuống. Đến chiều, ông Thành lại thấy hơn chục con đến đậu trên dây điện. Ông chạy đi mua luôn gần chục ký thóc, đem về rải từ từ cho đàn bồ câu sà xuống mổ. Dần dần đàn bồ câu đông thêm, đến nay mỗi lần ông rải thóc đã có hơn trăm con sà xuống và cả nhiều đàn chim sẻ cũng vô tư bay đến ăn. Thế là cứ mỗi buổi sáng một ký thóc, chiều thì hai ký. Sáng là vào khoảng 7g, chiều thì khoảng 15g. Ông Thành và bầy chim bồ câu trời quen thân với nhau qua lịch hẹn ấy.
Hằng ngày, khi chim đến ăn, ông Thành đều nhẹ nhàng đưa tay bắt từng con lên xem trong lúc những con khác vẫn thản nhiên mổ thóc. “Lần nào cho chim ăn cũng phải giúp gỡ dây rối cho vài con mà không biết do bị vướng ở đâu. Có con không biết ai chọi mà phải khập khiễng cả tuần nhìn thương lắm. Quen rồi, mỗi lần thấy chim đậu trước dây điện chờ mình, sà vào tay mình mổ thóc là cảm thấy rất vui” - ông Thành kể.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)