Đó là câu chuyện của Khánh Di, sinh viên (SV) Trường ĐH Ngoại thương, khi tham gia chương trình "Bạn cùng phòng" do CET Academic Programs tổ chức. Vào mỗi dịp hè, những SV suất sắc của Mỹ sẽ chọn cho mình một quốc gia trong số vài quốc gia để đến, coi như một khóa học. Có rất nhiều SV đã chọn Việt Nam vì muốn học tiếng Việt, tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam cũng như làm tình nguyện ở đây...
Chương trình này bắt đầu tại Việt Nam năm 2001, do Mỹ tài trợ cho SV Việt Nam tham gia "Bạn cùng phòng" với SV Mỹ, được tổ chức và quản lý trên cơ sở hợp tác với Trường ĐH dân lập Hồng Bàng và Trường Tiếng Việt Sài Gòn.
Năm nay là năm thứ 2 Di được chọn để đồng hành với các bạn SV đến từ Mỹ. Cô bạn thông minh và nhanh nhẹn này bồi hồi kể về người chung phòng: "Chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết sau một vài ngày đầu lạ lẫm. Victoria đã làm thay đổi một phần tính cách của tôi: Đó là tính cách dám nói thẳng suy nghĩ của mình"… Khác với Di, đây là lần đầu tiên Xuân Quý tham gia chương trình "Bạn cùng phòng". Cứ nghĩ đến việc bỗng dưng dọn về ở chung phòng với một người lạ hoắc, hoàn toàn khác biệt về văn hóa, tính cách, mới thấy rắc rối làm sao. Đã chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng "đương đầu với sự khác biệt", ấy vậy mà ngạc nhiên lớn nhất của Quý là... không thấy có sự khác biệt nào. "Anh ta rất Vietnamese!" - Quý hứng thú kể về bạn mình. Từ nhỏ đến lớn có lẽ David chưa phải giặt quần áo bằng tay bao giờ. Vậy mà khi ở chung với Quý, David đã hì hụi tập giặt. Cậu ta còn rất bất ngờ khi mình tí tuổi mà được nhiều người gọi là "Mr David", "thầy David", vì thế rất khoái, đến mức vào toilet vẫn cứ lẩm bẩm một mình bằng tiếng Việt "thầy David, thầy David" như bị... thần kinh.
Ấm áp bạn cùng phòng (ảnh: M.Q) |
Hai tháng trôi qua rất nhanh. Thời gian tuy không nhiều nhưng cũng đủ để "tớ - ấy" nhiễm những thói quen của nhau. Phương, SV Trường ĐH dân lập Ngoại ngữ tin học kể lại, những buổi chiều tối cậu thường dẫn người bạn cùng phòng tên Tommy đi lòng vòng Sài Gòn, tấp vô những quán cà phê quen thuộc. Tommy nói: "Sài Gòn thật ngộ nghĩnh. Đi đâu cũng cà phê". Còn xe máy chạy ngoài đường thì "y như một dòng sông chảy xiết", rất ấn tượng! Và thế là ít nhiều Tommy "nhiễm" thói quen đi cà phê và ngắm nhìn đường phố. Còn Di, Quý, Thông thì nhận ra mình đã học được nhiều điều từ những người bạn phương xa ấy...
Cười đấy, để rồi lúc ra phi trường, cả bọn khóc hu hu! Tóc đen tóc vàng cứ ôm nhau mãi không dứt. "Có lẽ 2 tháng chung phòng là lần duy nhất trong đời mình và Tommy sống với nhau, đi làm tình nguyện cùng nhau, cùng học bài, trò chuyện, cùng xem phim, chơi trò chơi, hát hò và nhảy những vũ điệu country độc đáo... Gặp lại đã khó, huống chi ở chung" - Phương bùi ngùi.
Mỹ Quyên
Bình luận (0)