Nó gây choáng váng ngay chính Bộ GD-ĐT, bằng chứng là chỉ sau vài tiếng, dự thảo đã được rút bỏ; Lãnh đạo bộ này lên tiếng nhận lỗi do “sơ suất”; bản thân bộ trưởng cũng phải trực tiếp thừa nhận sai và “sẽ sửa”.
Dù vậy, sự xuất hiện của quy định ngớ ngẩn này đã khiến một đại biểu Quốc hội phải đặt nghi vấn “về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay”; về vai trò nêu gương của bộ trưởng khi “cứ sai, hứa xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai”.
Trước hết, chưa bàn đến quan điểm xã hội (còn tranh cãi) về hành vi bán dâm, thì cũng phải khẳng định rằng Bộ GD-ĐT không có lý do gì để thể hiện vai trò ở vấn đề này, vốn đã được xử lý theo quy định của pháp luật. Dưới nữa, nếu cơ sở đào tạo cho rằng hành vi bán dâm của sinh viên ngành sư phạm là không thể chấp nhận, cần phải đuổi học, thì cứ để quy chế nội bộ của trường làm việc đó. Bộ hãy dành thời gian cho những vấn đề toàn dân ta thán.
Tất nhiên, Bộ trưởng Nhạ xem ra có bị “oan”, bởi bản thân bộ trưởng không trực tiếp can thiệp vào việc xây dựng dự thảo này. Đây là quy định đã có từ năm 2016, và người xây dựng dự thảo cứ thế “cắt - dán” vào, dù đã biết đó là quy định vô lý, theo lý giải từ Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa.
Quy định đã có từ 2016 mà không ai bàn đến là bởi sao? Là bởi nó vốn chẳng tác động vào ai, nó hoàn toàn vô nghĩa. Hãy hỏi cả nước này xem có trường sư phạm nào đã từng đuổi sinh viên bán dâm lần 4 chưa? Nói như một chuyên gia pháp chế của VCCI, thì những quy định này chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc “cho thấy sự ngớ ngẩn của pháp chế bộ”.
Đáng nói là ở chỗ, việc này không cá biệt, mà chuyên gia cho biết mình gặp thường xuyên trong quá trình góp ý với văn bản của các bộ. Ta cũng đã từng thấy quy định cộng điểm ưu tiên khi thi đại học cho Bà mẹ VN anh hùng.
Những chuyện cười ra nước mắt này xuất hiện phần nhiều ở cấp thông tư như những trường hợp trên, là bởi quy trình xây dựng rất lỏng lẻo. Chất lượng thông tư sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cục, vụ được giao soạn thảo và Vụ Pháp chế của bộ. Nếu Vụ Pháp chế mà yếu, mà lười, mà vô trách nhiệm, thì bi hài kịch sẽ ra đời.
Một sai lầm “cắt - dán” của một cán bộ yếu kém có thể dẫn đến chất vấn của đại biểu Quốc hội, của cử tri về “giải pháp để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục”. Nói thế để các bộ trưởng, các cán bộ mỗi ngành thấy danh dự của mình được đặt lên từng hành vi, và hãy ứng xử cho xứng đáng với nó.
Bình luận (0)