Bán đảo Triều Tiên bên miệng hố chiến tranh 1994

07/05/2017 09:14 GMT+7

Căng thẳng hạt nhân tột độ năm 1994 suýt dẫn tới chiến tranh giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, với khả năng Trung Quốc nhảy vào cuộc.

Đã gần tròn 1 tháng từ khi xuất hiện thông tin Mỹ bất ngờ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đến gần bán đảo Triều Tiên, kéo theo giai đoạn căng thẳng nhất trong nhiều năm qua tại khu vực. Đến nay, cả Mỹ lẫn CHDCND Triều Tiên vẫn đang trong thế đối đầu căng thẳng. Bình Nhưỡng khẳng định không nhượng bộ về chương trình hạt nhân và tên lửa, còn Washington nhắc đi nhắc lại rằng “mọi lựa chọn, kể cả biện pháp quân sự, đang được xem xét”.
Thật ra, vào 23 năm trước, bán đảo Triều Tiên thậm chí còn tiến sát bờ vực chiến tranh hơn bây giờ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton nghiêm túc cân nhắc phương án đơn phương tấn công lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành và cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tại Bình Nhưỡng tháng 6.1994 Ảnh: The Carter Center
Kế hoạch không kích
Khủng hoảng nổ ra khi trong tháng 2 và 3.1993, Triều Tiên không cho thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kiểm tra cơ sở hạt nhân của mình, đồng thời dọa rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), theo chuyên trang GlobalSecurity. Tháng 6.1993, giới chức Washington và Bình Nhưỡng bắt đầu hàng loạt cuộc họp để thương thảo về giải pháp. Tuy nhiên đến tháng 4.1994, mọi nỗ lực ngoại giao vẫn bế tắc và Mỹ triển khai tên lửa đánh chặn Patriot cũng như tăng cường lực lượng đến diễn tập rầm rộ tại Hàn Quốc. Triều Tiên phản ứng bằng tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh, đồng thời chuẩn bị chuyển một số thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng ở Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon để chiết xuất plutonium đủ sản xuất 5 - 6 quả bom. Sau này, Tổng thống Clinton viết trong hồi ký: “Tôi quyết ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân dù có đối diện nguy cơ chiến tranh”. Tương tự, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Ashton Carter, người sau này là bộ trưởng quốc phòng trong nhiệm kỳ cuối của Tổng thống Barack Obama, kể lại với Đài PBS: “Chúng tôi không tin có thể đàm phán thuyết phục Triều Tiên dừng lại nên đã cân nhắc khả năng sử dụng vũ lực”.
Các chiến lược gia và giới tướng lĩnh Lầu Năm Góc bắt đầu phát triển kế hoạch tấn công Yongbyon bằng chiến đấu cơ tàng hình F-117 song song với điều động nhóm tác chiến tàu sân bay và tên lửa hành trình Tomahawk đến Hàn Quốc. Theo Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Gary Luck, đây sẽ là một chiến dịch chính xác và chớp nhoáng. Ngoài mục tiêu chính là tổ hợp hạt nhân Yongbyon, Mỹ cũng sẽ triệt phá chốt chỉ huy và các cơ sở pháo binh, tên lửa để giảm thiểu khả năng phản ứng nhanh của Triều Tiên. Tuy nhiên, rủi ro rất lớn là Bình Nhưỡng sẽ đáp trả tổng lực “một mất một còn” hoặc tấn công phủ đầu Hàn Quốc. Khi đó, một cuộc chiến tranh toàn diện chắc chắn sẽ nổ ra, kéo Trung Quốc vào cuộc. Tờ Chosul Ibo ngày 11.6.1994 dẫn một số nguồn tin cảnh báo nếu có biến, Trung Quốc sẽ điều động khoảng 85.000 binh sĩ hỗ trợ đồng minh Triều Tiên. Trong đó có 50.000 - 75.000 lính đến từ Quân khu Thẩm Dương và 10.000 binh sĩ thuộc lực lượng phản ứng nhanh của Quân khu Tế Nam.
Cuộc gọi từ Bình Nhưỡng
Giữa lúc tình hình đang “căng như dây đàn”, vào ngày 15.6.1994, Tổng thống Clinton triệu tập một cuộc họp “quyết định” với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân John Shalikashvili, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Robert Gallucci. Theo CNN, ông Perry và ông Shalikashvili báo cáo kế hoạch tăng viện thêm 10.000 binh sĩ cho lực lượng 37.000 người của Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc cùng chiến đấu cơ F-117, oanh tạc cơ tầm xa và một nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực. “Theo kế hoạch là ngay ngày hôm sau cuộc họp, chúng tôi sẽ phải đưa thêm lực lượng khổng lồ đến Hàn Quốc và chuẩn bị sơ tán công dân Mỹ ở nước này”, ông Perry nhớ lại. “Chúng tôi tin chắc sẽ chiến thắng nhưng độ tổn thất phụ thuộc rất lớn vào công tác chuẩn bị. Nói cách khác, chúng tôi có thể giảm mạnh thương vong nếu tăng viện hợp lý”, cựu bộ trưởng kể với CNN.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn lo ngại Triều Tiên sẽ xem việc tăng cường binh sĩ và sơ tán là dấu hiệu chắc chắn của một cuộc tấn công sẽ có hành động phủ đầu. Rất may là trong lúc Tổng thống Clinton vẫn đang đăm chiêu suy nghĩ thì cửa phòng họp bật mở. “Chúng tôi được báo là Carter gọi về từ Bình Nhưỡng và ông ấy muốn nói chuyện với tôi”, Gallucci kể. Thì ra trước đó, dù vẫn chuẩn bị cho phương án dùng vũ lực nhưng Tổng thống Clinton đã bí mật cậy nhờ người tiền nhiệm Jimmy Carter âm thầm đến Triều Tiên để đàm phán không chính thức với Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) về tìm giải pháp xuống thang căng thẳng có thể giữ thể diện cho tất cả.
Cựu Tổng thống Carter báo đã đạt được đột phá và cuộc họp lập tức dừng lại để chờ thông tin mới. Chi tiết nội dung thương thảo giữa ông Carter và ông Kim đến nay vẫn chưa được công bố nhưng khoảng cuối tháng 6.1994, Triều Tiên đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy những lò phản ứng không có khả năng sản xuất plutonium cấp độ chế tạo vũ khí cũng như dầu hỏa để phục vụ nhu cầu năng lượng. Thế giới đã có thể nhẹ nhõm khi nguy cơ bùng nổ chiến tranh được dập tắt.
Sau này, trong hồi ký, ông Clinton thừa nhận lý do khiến ông lưỡng lự trong việc phê chuẩn kế hoạch không kích là báo cáo ước tính sẽ có tổng cộng 1 triệu người chết nếu chiến tranh bùng nổ trở lại trên bán đảo Triều Tiên. “Chính quyền Clinton nhận ra mức độ nguy hiểm không thể kiểm soát và cuối cùng đã tránh dùng lựa chọn quân sự hồi năm 1994. Trong tình hình hiện nay, chúng ta chỉ có thể hy vọng Tổng thống Trump cũng sẽ hành xử thận trọng như người tiền nhiệm”, chuyên gia Ted Galen Carpenter, thuộc Viện Nghiên cứu Cato (Mỹ), bình luận trong bài viết đăng trên chuyên san The National Interest.
Thỏa thuận “chết yểu”
Cuộc gặp giữa cựu Tổng thống Jimmy Carter và Chủ tịch Kim Il-sung vào tháng 6.1994 đã tạo nền tảng cho Mỹ và Triều Tiên ký một thỏa thuận về hạt nhân sau đó, theo bách khoa toàn thư Britannica. Hai bên bắt đầu đàm phán từ ngày 8.7.1994 và chính thức ký Thỏa thuận khung ngày 21.10. Theo thỏa thuận, Mỹ và một tập đoàn quốc tế xây 2 lò phản ứng nước nhẹ tại Triều Tiên trước năm 2003. Đổi lại, Bình Nhưỡng dừng tất cả hoạt động hạt nhân ở Yongbyon và cho phép thanh sát viên quốc tế giám sát cơ sở này. Ngoài ra, hai nước hướng tới bình thường hóa quan hệ và Triều Tiên đồng ý mở lại đối thoại với Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến tháng 10.2002, Bình Nhưỡng xác nhận đang thực hiện chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân mới và Washington đình chỉ kế hoạch xây lò phản ứng. Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào tháng 1.2003, trục xuất tất cả thanh sát viên IAEA và tái kích hoạt sản xuất plutonium, dẫn tới sự cáo chung của Thỏa thuận khung. Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần đầu tiên vào ngày 9.10.2006 và đến nay đã thử tổng cộng 5 lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.