Bàn đạp từ những công trình trọng điểm

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
19/06/2024 15:56 GMT+7

Hai đại công trình lớn nhất TP.Đà Nẵng là cảng Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng đang "chạy đua" nhằm sớm đặt những tiền đề phát triển chiến lược mũi nhọn của TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm chuỗi cung ứng dịch vụ logistics khu vực.

Dự án cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung khởi công cuối năm 2022, đến nay đã giải ngân gần 1.300 tỉ đồng, đạt gần 40%. Trong đó, gói thầu thi công xây dựng công trình đạt khoảng 530/2.630 tỉ đồng (tương ứng 20,2% khối lượng). Năm 2024, cảng Liên Chiểu được bố trí vốn theo kế hoạch là 840 tỉ đồng.

Dự kiến phần cơ sở hạ tầng dùng chung hoàn thành cuối năm 2025, bắt đầu khai thác để giảm tải cho cảng Tiên Sa (dự kiến chuyển đổi phục vụ tàu du lịch).

Cảng Liên Chiểu là dự án động lực đặt tiền đề phát triển các chiến lược của TP.Đà Nẵng

Cảng Liên Chiểu là dự án động lực đặt tiền đề phát triển các chiến lược của TP.Đà Nẵng

Còn công trình đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, có tổng mức đầu tư 1.203 tỉ đồng, dài gần 3 km với nhiều cầu, cầu vượt, hầm chui, nút giao thông hiện đại, đến nay cũng đã đạt gần 20% giá trị khối lượng xây lắp, giải ngân gần 20% kế hoạch vốn 2024.

Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu đẩy nhanh tiến độ

Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu đẩy nhanh tiến độ

Theo ông Lê Thành Hưng, Giám đốc BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP.Đà Nẵng, liên danh nhà thầu triển khai đồng loạt nhiều mũi thi công, tăng ca, tiến độ công trình hiện vượt ở một số hạng mục, phấn đấu đạt kế hoạch vốn 246 tỉ đồng năm 2024, hoàn thành cuối 2025 nhằm đồng bộ với cảng Liên Chiểu để kêu gọi nhà đầu tư vào cảng.

Nhằm đảm bảo tiến độ thi công công trình động lực, trọng điểm cảng Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng, hiện P.Hòa Hiệp Nam và Q.Liên Chiểu đã di dời 287/291 mộ, đã bàn giao mặt bằng 201/255 hồ sơ nhà đất, cùng nhiều vị trí quan trọng mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, giáp đường tránh, cầu Trắng, đường vào suối Lương, tiểu khu 16 để phục vụ thi công.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, địa phương phối hợp chặt chẽ với BQL dự án và các đơn vị thi công xác định các mốc thời gian và diện tích bàn giao hợp lý, phù hợp thực tiễn, bảo đảm không để xảy ra chậm tiến độ thi công do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Song song với đó, UBND TP.Đà Nẵng đề xuất đầu tư một lần cho toàn bộ khu cảng (có phân kỳ đầu tư), nhằm chọn nhà đầu tư năng lực mạnh, quản lý và khai thác đồng bộ cảng Liên Chiểu, bảo đảm sớm đưa khu vực Liên Chiểu thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.

Lợi thế cạnh tranh này sẽ thu hút các hãng vận tải, logistics thương hiệu lớn về cảng Liên Chiểu, hình thành một trung tâm cảng biển, logistics của cả nước, phục vụ xuất nhập khẩu và trung chuyển, hiện thực hóa mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn.

Theo UBND TP.Đà Nẵng, ước tính cảng Liên Chiểu hoạt động có thể mang lại thu thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu khoảng 4.800 tỉ đồng/năm vào năm 2030, 17.100 tỉ đồng/năm vào năm 2040, 25.800 tỉ đồng năm 2050. Thu phí hàng hải, lệ phí ra vào cảng biển… khoảng 230 tỉ đồng/năm.

Tiền đề phát triển chiến lược

Cùng với cảng Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng, TP.Đà Nẵng cũng bắt đầu triển khai các định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển.

Theo KTS Vũ Quang Hùng, Trưởng BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng (DHPIZA), với vị trí chiến lược vừa có cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, đường biên giới biển và đường bộ, điểm cuối hành lang kinh tế Đông Tây… TP.Đà Nẵng hoàn toàn có thể thiết lập được khu thương mại tự do (FTZ).

Đây là nơi doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đưa hàng hóa đến tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi xuất khẩu hoặc đưa vào nội địa Việt Nam.

Theo "Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045" và "Quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050", FTZ có thể đặt ở Tây Bắc thành phố, bởi gắn với cảng Liên Chiểu, hiện hữu các khu/cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, đủ điều kiện biến Tây Bắc thành phố thành kho ngoại quan khổng lồ.

Đầu tư cảng Liên Chiểu với định hướng đưa cảng Tiên Sa thành cảng phục vụ du lịch

Đầu tư cảng Liên Chiểu với định hướng đưa cảng Tiên Sa thành cảng phục vụ du lịch

Đồng thời FTZ thu hút các tập đoàn quốc tế xây dựng các trung tâm mua sắm tập trung gắn với các dịch vụ chất lượng cao, dựa trên lợi thế về địa điểm lý tưởng cho hoạt động thương mại, dịch vụ, tiếp giáp với các khu/ điểm du lịch có thương hiệu trên địa bàn H.Hòa Vang như quần thể khu đô thị du lịch Bà Nà - Suối Mơ, hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng hồ Hóc Khế, Khu du lịch Khe Răm…

"FTZ Đà Nẵng là nơi thử nghiệm các chính sách kinh tế mới mang tính đột phá, dẫn đầu xu hướng, tạo ra giá trị vượt trội, đặc biệt là các chính sách kinh tế đối ngoại, đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, làm đầu tàu kéo theo các vùng khác và cả nước phát triển. Với Đà Nẵng, FTZ nâng cao giá trị ngành du lịch, thương mại với việc tạo chuỗi sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…)", ông Vũ Quang Hùng nói.

Bên cạnh đó, FTZ còn khẳng định thương hiệu TP.Đà Nẵng về môi trường kinh doanh, tạo điểm đến đặc biệt, hấp dẫn với du khách quốc tế, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho khu vực.

"Việc thí điểm FTZ gắn với cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thiết lập trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của các cảng này, kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất và bổ trợ liên hoàn cho các khu/cụm công nghiệp mới như Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh và cụm công nghiệp Hòa Liên, Cẩm Lệ…). Với những tiềm năng và lợi thế đó, FTZ Đà Nẵng cùng các khu chức năng ở vùng Tây Bắc thành phố có thể kết hợp để trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) thứ 4 của Việt Nam trong tương lai", ông Vũ Quang Hùng khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.