Bán đất nuôi con vào đại học

18/01/2014 10:18 GMT+7

Để nuôi 8 người con học xong đại học, ông Cao Ngọc Hiệp (ngụ xã Tân Lược, H.Bình Tân, Vĩnh Long) đã bán đến công đất cuối cùng của gia đình.

Bán đất nuôi con vào đại học
Đại gia đình của ông Cao Ngọc Hiệp - Ảnh: Lập Vũ

Hết lòng vì con

38 năm trước, ông Hiệp nên vợ chồng với bà Lê Thị Kim Tiếng và được cha mẹ cho 7 công đất ra riêng. Từ năm 1976 - 1992, lần lượt 8 người con (7 trai, 1 gái) ra đời. Gia đình thiếu trước hụt sau, cả nhà thường xuyên phải ăn cơm độn chuối, khoai lang nhưng tất cả 8 người con đều được đến trường. “Vợ chồng tôi ngày trước ham học lắm nhưng vì nghèo nên không thể theo đuổi được. Chúng tôi quyết tâm dồn tất cả lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Ngoài trồng trọt trên đất của mình, vợ chồng tôi còn thuê thêm ruộng vườn canh tác lúa, hoa màu. Nhiều lúc tôi tranh thủ cắt, đập lúa của mình vào ban đêm để ban ngày đi làm mướn kiếm thêm tiền”, ông Hiệp kể lại.

Khó khăn bắt đầu chồng chất khi người con đầu tên Cao Phước Ngoan thi đậu vào Trường đại học Cần Thơ. “Đây là tin vui của cả dòng họ nhưng cũng là nỗi lo lớn cho vợ chồng tôi. Vào thời điểm đó ruộng mất mùa, tôi phải vay mượn chạy ăn từng bữa cho cả nhà. Bí quá, tôi cầm luôn 5 công đất ruộng để lấy tiền xoay sở cho con đi học”, ông Hiệp kể. Rồi đứa thứ hai, thứ ba liên tiếp đậu đại học; trong khi đứa thứ nhất chưa ra trường. Nợ nần ngày một nhiều nhưng gia đình không có khả năng chi trả, vợ chồng ông đành “cắn răng” bán đứt luôn 5 công ruộng.

Hết ruộng, vợ chồng ông Hiệp xin thuê lại đất đã bán cấy lúa, trồng khoai để tiếp tục nuôi con ăn học. Tuy nhiên, gánh nặng trên vai ông lại tăng thêm bội phần khi bà Tiếng lâm bệnh nặng. Giữa năm 2006, vợ qua đời, để lại cho ông 3 đứa lớn đang học đại học và 5 đứa nhỏ học phổ thông. “Trước tình hình đó, tôi định cho 3 đứa nhỏ nghỉ học nhưng thấy tụi nó ham học quá nên không nỡ. Tôi đành cắt bán hơn 1 công vườn cuối cùng để vừa lo cho tụi nó vừa trả bớt nợ nần và dành ít tiền sửa lại căn nhà dột nát”, ông Hiệp nói.

Thu quả ngọt

Hiểu được nỗi vất vả, hy sinh của cha mẹ nên các con của ông Hiệp, bà Tiếng đều có hiếu, bảo ban nhau học hành rất giỏi. Những đứa lớn đang học đại học tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền trang trải một phần chi phí; khi ra trường phụ lo cho em để giảm bớt gánh nặng cho cha. Thương cảnh “gà trống nuôi con”, nhất là lúc những đứa nhỏ có nguy cơ nghỉ học, hàng xóm, người thân cũng sẵn lòng cho ông mượn tiền, mượn đất trồng trọt để việc học của các con ông không bị gián đoạn.

Đến nay, tất cả 8 người con của vợ chồng ông đều đã thành tài. Ông Hiệp tự hào khoe: “Thằng Cao Phước Ngoan giờ làm ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TX.Bình Minh. Đứa thứ hai là Cao Phước Đức làm cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - chi nhánh Vĩnh Long. Đứa thứ ba tên Cao Phước Thịnh công tác tại Công ty Hoàng Quân MeKong. Kế tiếp là Cao Hảo Hớn làm việc cho Quỹ Tín dụng xã Tân Lược (H.Bình Tân). Cao Hảo Tâm làm việc tại Viettel H.Bình Tân. Cao Phước Thắng, Cao Phước Nhơn làm cho công ty chế biến thức ăn thủy sản ở TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Tiền Giang. Còn đứa con gái út tên Cao Thị Kim Xuyến vừa tốt nghiệp ngành kinh tế ngoại thương (Trường đại học Cần Thơ), đang chờ kết quả thi tuyển vào các cơ quan ở Cần Thơ và Vĩnh Long”.

Hiện tại, ông Hiệp đang ở cùng vợ chồng anh Cao Hảo Hớn tại quê nhà. Anh Hớn từng quyết định bỏ học giữa chừng để đi làm phụ giúp cha nuôi các em ăn học. Sau khi gia đình ổn định, anh tiếp tục học và lấy được bằng kế toán của Trường đại học Cửu Long. Anh tâm sự: “Anh em tôi rất tự hào về cha mẹ mình. Cha mẹ luôn là tấm gương sáng để chúng tôi cố gắng vươn lên trong mọi hoàn cảnh”.

Tháng 10.2013, ông Hiệp là gương mặt tiêu biểu được tỉnh Vĩnh Long chọn ra Hà Nội tham dự Đại hội thi đua và biểu dương phong trào xây dựng gia đình hiếu học và vinh dự được gặp Chủ tịch nước.

Lập Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.