Làn sóng Covid-19 đặt ra không ít khó khăn về phát triển kinh tế cũng như vấn đề nhân sự cho các doanh nghiệp FDI tại việt Nam. Lúc này, đội ngũ nguồn nhân lực tại chỗ chính là chìa khóa để các doanh nghiệp giải quyết bài toán về nhân lực, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế.
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI đã tạo động lực chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp người dân địa phương có cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao tay nghề và trình độ chuyên môn. Song song đó, đội ngũ nhân lực trong nưóc cũng đã chứng minh được năng lực học hỏi nhạy bén, có khả năng tiếp quản công việc yêu cầu chuyên môn cao tại nhiều lĩnh vực. Kết quả là, không ít doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã tin tưởng và lựa chọn xây dựng lực lượng nhân viên bản địa, phụ trách nhiều vị trí quan trọng trong công ty.
|
Năm 2014, anh Võ Văn Đen, một người con miền đất Tiền Giang, rời quê hương đến Hậu Giang sinh sống cùng vợ, từ đó cuộc sống của anh đã có nhiều thay đổi không ngờ. Sau nhiều ngày tìm kiếm công việc, anh được nhận vào Công ty giấy Lee & Man VN với vị trí nhân viên bảo vệ. Ngày bước chân vào cổng công ty nhận công việc mới, anh Đen chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ trở thành một mảnh ghép quan trọng trong bộ máy quản lý của nhà máy giấy hàng đầu Việt Nam này chỉ sau vài năm.
“Công ty cho tôi cơ hội được tập huấn tay nghề, trở thành nhân viên hiện trường. Đó chính là bước ngoặt để tôi phấn đấu”, anh Đen kể. “Tôi thăng cấp dần lên trưởng ca, phó chủ quản, chủ quản rồi phó giám đốc ở một công ty nước ngoài”. Từ một người chỉ quen với việc đóng - mở cánh cổng, anh được ban lãnh đạo giao phó dần những vị trí quan trọng. Hiện nay, anh Đen đang giữ chức Phó giám đốc phụ trách mảng kho bãi tại công ty.
|
Theo giới chuyên gia, nếu trước đây, “bản địa hóa” chỉ nổi bật trong nhóm ngành dịch vụ, khách sạn, thì phương pháp này đang dần được mở rộng sang nhóm doanh nghiệp sản xuất, công nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhân sự và chuyên gia nước ngoài (expat) gặp khó khi di chuyển, trao đổi giữa các quốc gia.
Nhận định về chiều hướng bản địa hóa của khối ngoại, ông Chung Wai Fu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, khẳng định, nhà máy chỉ có thể thành công khi được vận hành bởi những con người sinh sống tại khu vực. Từ những ngày đầu tới Việt Nam, ông đã lên kế hoạch để có thể tăng tỷ lệ nhân sự nội địa hóa đạt 50-60% ngay trong 3 năm đầu vận hành. Tỷ lệ bản địa áp dụng cho không chỉ nhân sự hiện trường mà còn là nhân sự nắm giữ vị trí điều hành.
“Chúng tôi rất tự hào khi là những người tiên phong đào tạo và phát triển đội ngũ lao động có chuyên môn tại địa phương. Hiện nay trong khu vực, ngày càng nhiều nhà máy được xây dựng, song nhân sự của Lee & Man VN luôn được đánh giá cao về trình độ kỹ năng, tay nghề, họ thậm chí còn được nhiều nơi chiêu mộ. Tôi tin rằng sự phát triển của nhân viên giúp chúng tôi duy trì lực lượng nhân sự nòng cốt làm việc lâu năm và tâm huyết”, ông Chung chia sẻ.
Chiến lược bản địa hóa nhân sự không chỉ tạo cơ hội cho người dân bản địa phát triển kỹ năng, nâng cao thu nhập mà còn giúp công ty nhanh chóng thích nghi, tăng trưởng và phát triển kinh doanh tại vùng đất mới. Năm 2020, bất chấp tác động của đại dịch, hoạt động sản xuất – kinh doanh tại Lee & Man VN được duy trì ổn định, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Hậu Giang, đưa tỉnh nhà vươn lên dẫn đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với mức tăng hơn 4.5%.
Nhờ hàng nghìn nhân sự địa phương đến làm việc, khu vực thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang trở nên sầm uất, cư dân sinh sống nhộn nhịp. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phụ trợ cũng phát triển theo, biến nơi đây thành cụm công nghiệp quy mô hàng đầu tỉnh Hậu Giang.
Bình luận (0)