Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đang có kế hoạch xây dựng bản đồ ẩm thực trực tuyến. Theo bà, một bản đồ ẩm thực trực tuyến tốt phải như thế nào?
- TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội): Một bản đồ ẩm thực tốt là bản đồ có thông điệp thiết kế phù hợp, dựa vào công chúng. Thông điệp đó sẽ cần cả nội dung và hình ảnh, cũng cần phải quan tâm đến tính dễ tiếp cận của thông tin trong bản đồ.
Ví dụ ở nước ngoài, các bản đồ sẽ theo dạng để đi đến điểm A này có thể đi theo hình thức nào. Nếu đi xe bus thì xe số bao nhiêu, đi tàu thì tuyến gì… Tức là rất chi tiết theo kiểu làm sao để đến đó, giá vé tham quan, mở cửa lúc nào, hình thức khuyến mại là gì. Nếu xét về bản đồ ẩm thực trong nước, tôi thấy bản đồ ẩm thực của foodtour Hải Phòng hiện rất ổn. Nó chủ yếu dẫn người ta đến, đưa vào một số món đề xuất của foodtour.
Theo bà, trong bản đồ ẩm thực có điều gì cần lưu ý thêm, chẳng hạn như bổ sung các thông tin nền về lịch sử văn hóa của món ăn?
Về lâu về dài, các địa phương đều phải có bản đồ du lịch. Trên bản đồ đó không chỉ có về ẩm thực mà còn cả về các điểm đến đáng lưu ý. Ở nước ngoài, có những khách sạn ngay khi khách đặt phòng họ đã gửi thông tin theo kiểu ngày đầu tiên ở thành phố. Khách sạn đó cũng không phải cao cấp, đắt đỏ gì, tính ra tiền Việt chỉ có 300.000 đồng/phòng/đêm, nhưng họ tư duy rõ ràng về việc cần các thông tin đó ngay từ đầu. Tôi vẫn hay dùng ví dụ đó để dạy sinh viên. Thông tin hữu ích cho bản đồ rất quan trọng.
Việc cập nhật thông tin cho bản đồ là điều quan trọng và cũng rất mất thời gian. Theo bà, ai là người nên cập nhật các thông tin đó?
Bản đồ nên được thiết kế với dạng thức các đơn vị có thể cập nhật được. Nếu của sở du lịch, sở có thể có các công ty, được cấp tài khoản để cập nhật.
Bên cạnh bản đồ ẩm thực, VCCA cũng muốn xây dựng bảo tàng ẩm thực trực tuyến. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Nếu là bảo tàng tại chỗ về ẩm thực, tôi thấy bảo tàng nước mắm ở Bình Thuận, Phú Quốc (Kiên Giang) cũng được. Ở nước ngoài, những trải nghiệm ẩm thực thường tập trung vào rượu, họ làm hoành tráng lắm. Còn đồ ăn thì có các loại fromage, xúc xích, thịt hun khói, cũng có bảo tàng thịt hun khói trưng bày thú vị. Chúng ta cũng có thể học cách họ kể câu chuyện bảo tàng để làm.
Lại nói tiếp chuyện bản đồ ẩm thực. Khi tới Hải Phòng, đồ ăn bát nào cũng đầy đặn nên không ăn được nhiều. Chỉ cần vào gọi một bát bánh đa cua đặc biệt, khách có thể no từ sáng đến chiều. Vậy có nên có cách sao đó để các đơn vị ăn uống nhỏ lại như ở Huế, để mọi người có thể trải nghiệm nhiều hơn không, thưa bà?
Phải có các đơn vị tư vấn cho nhà hàng để khách được ăn nhiều món. Vấn đề là nhà hàng nào cũng chỉ muốn bán hàng cho chính họ thì sẽ khó. Có lẽ mọi thứ nên bắt đầu bằng các khảo sát ý kiến của khách. Nếu các nhà hàng thấy nhu cầu thu nhỏ suất ăn để ăn nhiều loại hơn, họ cũng sẽ đáp ứng thị trường.
Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)