Những mấu chốt cơ bản trong quản lý tài chính
Trong năm 2022, thị trường F&B phục hồi trở lại và có dấu hiệu tăng tốc sau thời gian dài trì trệ vì dịch bệnh. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt là những quán nhỏ và siêu nhỏ mới bắt tay vào kinh doanh. Họ đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn vốn hạn chế, thiếu nền tảng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm… Sự cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu thay đổi liên tục của thị trường đòi hỏi người làm chủ phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tìm cách mở rộng tệp khách hàng mới. Ngoài ra, tài chính cũng là bài toán mà các cửa hàng cần phải ưu tiên giải quyết bởi đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Theo ThS Phan Duy Nghĩa - Giảng viên đứng lớp Quản lý tài chính trong dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” do Gojek phối hợp tổ chức cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM và HTV vào tháng 11.2022, để quản lý tài chính hiệu quả, người làm chủ phải nắm bắt mấu chốt cơ bản của vấn đề tài chính trong mô hình của mình là như thế nào.
Thứ nhất là ngân sách thành lập, người chủ phải xác định được vốn đầu tư ban đầu là vốn nhàn rỗi hay đi vay; vốn dự trù để “cầm cự” trong thời gian khó khăn nhất là bao nhiêu. Sau đó, họ cần thẩm định tài chính bằng cách ước lượng các yếu tố doanh thu, chi phí và lợi nhuận để có cái nhìn tổng quát và phấn đấu đạt được các chỉ tiêu tài chính trong tương lai.
Thứ hai, trong quá trình vận hành, chủ nhà hàng, quán ăn không chỉ cần tư duy linh hoạt trước những xu hướng của thị trường mà còn phải nắm bắt được đặc thù trong mô hình kinh doanh của mình để việc kiểm soát tài chính đạt được hiệu quả.
Chẳng hạn, các chủ cửa hàng cần hiểu quản lý kho của nhà hàng, quán ăn là vấn đề chi tiết, phức tạp và chiếm nhiều thời gian. Cho dù nhà hàng chỉ bán một mặt hàng duy nhất thì nguyên vật liệu cần quản lý cũng rất đa dạng, như hàng chuyển bán (là mặt hàng mua về bán luôn không cần qua khâu chế biến như nước ngọt, bia...), nguyên vật liệu thô, nguyên vật liệu đã sơ chế,…
Người kinh doanh cũng cần hiểu rõ về công nợ và dòng tiền. Thông thường, công nợ của nhà cung cấp thường được quản lý và thanh toán theo kỳ. Điều đó dễ khiến người chủ nhầm lẫn có lợi nhuận “khủng” trong khi thực tế họ chưa tới hạn chi trả khoản công nợ này và các khoản khác.
ThS Phan Duy Nghĩa chia sẻ kiến thức về quản lý tài chính tại lớp học Quản lý tài chính thuộc dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” của Gojek |
Giải bài toán tài chính để kinh doanh trực tuyến hiệu quả
Những kiến thức về quản lý tài chính nêu trên đều nằm trong lớp học Quản lý tài chính thuộc dự án “Quán nhỏ vượt sóng to”của Gojek. Khóa học được tạo ra với mục tiêu giúp các chủ cửa hàng ẩm thực quy mô nhỏ đang mong muốn khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến nắm bắt kiến thức cơ bản, nâng cao kỹ năng về quản lý tài chính thông qua việc phân tích các yếu tố doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Họ cũng được học các kỹ năng quản lý, vận hành cửa hàng, sau đó được hỗ trợ tham gia hoạt động kinh doanh trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của Gojek.
Trong quá trình giảng dạy tại các lớp học, ThS Phan Duy Nghĩa nhận thấy các sai lầm về tài chính mà học viên (chủ cửa hàng) thường mắc phải khi khởi nghiệp là không hoạch định tài chính trước khi kinh doanh, kinh doanh theo kiểu tự phát, không tính những chi phí cơ hội nên thường có sự nhầm lẫn về lợi nhuận. Để khắc phục vấn đề này, ông cho rằng các cửa hàng cần lập bảng kết quả hoạt động kinh doanh thật chi tiết để kiểm soát được doanh thu, bóc tách các chi phí thành chi phí giá vốn và chi phí hoạt động, đưa chi phí cơ hội vào trong chi phí hoạt động.
Sau khi tham gia lớp học, các học viên đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản về quản lý tài chính trong kinh doanh, từ đó có thể tự mình phân tích, đưa ra hướng giải quyết cụ thể cho từng trường hợp khác nhau. “Tôi rất vui khi được đồng hành với Gojek trong việc lan tỏa, chia sẻ những kiến thức về tài chính đến những người đang khởi nghiệp với các quán nhỏ. Tôi hy vọng thông qua những bài học này, họ sẽ có thêm hành trang để tự tin kinh doanh ẩm thực trực tuyến, “vượt sóng” thành công để cải thiện thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống”, ThS Phan Duy Nghĩa chia sẻ.
Lớp học Quản lý tài chính thuộc dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” của Gojek góp phần hỗ trợ chủ cửa hàng ẩm thực quy mô nhỏ cải thiện kinh doanh |
Lớp học Quản lý tài chính thuộc dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” do Gojek thực hiện trở thành điểm tựa cho nhiều chủ cửa hàng đồ ăn thức uống quy mô nhỏ đang loay hoay tìm kiếm giải pháp mới để cải thiện kinh doanh. Chị N.T.T.Vân (35 tuổi) - chủ một quán cà phê quy mô nhỏ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), vô cùng tâm đắc với những kiến thức nhận được khi tham gia khóa học. Chị Thanh Vân cho biết khi tham gia lớp học của Gojek, chị được hướng dẫn các kiến thức tài chính trong kinh doanh hàng quán, được chỉ dẫn cách chụp hình ảnh sản phẩm sao cho đẹp mắt, thu hút khách hàng; được giới thiệu, hướng dẫn cách sử dụng, quản lý đơn hàng qua ứng dụng, cách cải thiện doanh thu, quản lý vận hành cửa hàng hiệu quả... “Những gì được học từ khóa học này giúp tôi có thêm nhiều kiến thức về việc sắp xếp quán online, quản lý tài chính, lên thực đơn, v.v. Bình thường tôi cũng có biết sơ sơ nhưng qua lớp học thì hiểu rõ hơn về cách mình kinh doanh, như vậy thì buôn bán mới hiệu quả”, cô chủ chia sẻ.
Lãnh đạo Gojek Việt Nam cho biết: “Chuyển đổi kỹ thuật số không chỉ là hỗ trợ về mặt kỹ thuật hay đơn thuần đưa họ lên nền tảng kỹ thuật số; để đi được đường dài, các cửa hàng còn cần sự trợ giúp về mặt thông tin và kỹ năng. Đây là lý do tại sao chúng tôi muốn hỗ trợ các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ qua việc trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng cơ bản để có thể tự mình phát triển”.
Bình luận (0)