Đầu tháng 4.2018, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post), tờ nhật báo tiếng Anh do Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) sở hữu, có bài giới thiệu về một công trình nghiên cứu của 6 học giả dưới sự bảo trợ của chính phủ Trung Quốc về cái gọi là bản đồ “Đường chữ U liền nét”. Những học giả này tỏ vẻ hân hoan với khám phá mới, và cho rằng đường chữ U, hay còn được biết đến với tên gọi là đường lưỡi bò, vẽ liền nét có thể được coi là biên giới trên biển của Trung Quốc.
Đọc kỹ bài báo gốc đăng trên tạp chí Khoa học Trung Quốc tháng 3.2017 gợi mở nhiều điều thú vị về sức tưởng tượng của các tác giả. Có thể thấy, thêm một lần nữa tính khách quan và chân thực của khoa học và lịch sử lại bị cưỡng ép bởi các học giả Trung Quốc, những người đã bỏ qua các chuẩn mực đạo đức hàn lâm để phục vụ tuyên truyền chính trị. Việc công bố bài báo cũng cho thấy Trung Quốc có thể vẫn đang nỗ lực nuôi hy vọng có thể cứu vãn đường lưỡi bò khi yêu sách này đã bị thế giới phản đối và Tòa Trọng tài vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc bác bỏ vào tháng 7.2016.
Nguồn gốc mập mờ
Điều hết sức nực cười là các nhà khoa học Trung Quốc đã nỗ lực tìm kiếm, và tự tin cho rằng “bằng chứng không thể chối cãi khẳng định chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc” là một bản đồ phụ nằm ở góc của một bản đồ mang tên “Bản đồ phân khu hành chính toàn quốc” xuất bản năm 1951 bởi Quang Hoa và Hội Khoa học Địa chất. Rất may thế giới đã phát hiện ra kính lúp để các nhà khoa học Trung Quốc có thể phóng đại bản đồ đó để biến nó thành một bằng chứng cho cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc (!).
Tất nhiên, rất nhiều câu hỏi đặt ra về tính xác thực của khai quật này. Trước nay Trung Quốc cũng luôn khẳng định tìm thấy nhiều cổ vật ở các khu vực Hoàng Sa và Trường Sa của VN từ “ngàn xưa”, trong khi các phát hiện khảo cổ chỉ có thấy Trung Quốc biết đến những vùng này khá muộn.
Chưa cần nói đến tính xác thực và chính xác của các tài liệu trên, có thể thấy một số điểm phi lý trong lập luận của các học giả Trung Quốc, tấm bản đồ đã phát hiện không đủ cấu thành đường biên giới biển vì nhiều lý do. Một là, việc phân định, xác định biên giới phải được thực hiện thông qua đàm phán, ký kết bằng điều ước quốc tế giữa các quốc gia liên quan. Các tuyên bố đơn phương của một quốc gia về đường biên giới với một quốc gia khác không có giá trị pháp lý.
Hai là, như GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc chỉ ra, bản đồ đơn phương không có giá trị khẳng định chủ quyền quốc gia trong luật pháp quốc tế trừ phi nó đi liền với một hiệp định quốc tế hoặc một văn kiện hành chính có giá trị pháp lý trong nước và quốc tế.
Ba là, bản đồ này không phải của chính phủ Trung Quốc mà là của một hiệp hội chuyên ngành là Hội Khoa học Địa chất. Do đó, phát hiện này, nếu có, không trao cho Trung Quốc một chứng cớ lịch sử có giá trị, càng không thể tạo ra một đường biên giới trên Biển Đông.
Họa hình tùy tiện, lộn xộn và lệch lạc
Có thể thấy, các học giả Trung Quốc không bỏ qua bất cứ cách thức nào để có thể chứng minh định đề có sẵn trong tư duy của họ. Nghiên cứu của nhóm học giả cho rằng đường chữ U trong tấm bản đồ năm 1951 được vẽ bởi hai đường, một đường màu đen được cho là đường biên giới theo chuẩn do nhà xuất bản bản đồ Trung Quốc quy ước và một đường màu đỏ được nhóm nghiên cứu chỉ ra là đường phân khu hành chính.
Có thể thấy các học giả Trung Quốc có công lớn trong việc “gia công” cẩn thận bản đồ này khi đưa kèm theo các chú thích tỉ mỉ về “ký hiệu đường biên giới” hay “đường phân khu hành chính” nhằm ý đồ chứng minh đường chữ U chính là đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi nhìn vào tấm bản đồ sẽ thấy hai đường màu đen và đường màu đỏ mà các học giả Trung Quốc gọi là đường biên giới đó chỉ là những nét vẽ hết sức tùy tiện.
Câu hỏi đặt ra là tại sao một đường biên giới nhưng lại được thể hiện qua hai đường khác nhau, và nếu hai đường này là một thì lý do gì khiến chúng không trùng nhau? Giả sử như nhóm này lập luận rằng công nghệ vẽ bản đồ thời điểm đó còn chưa phát triển, thì cũng không thể có một đường biên giới quốc gia được vẽ bằng hai đường với các khoảng cách khác nhau, chỗ sát vào nhau và chỗ cách xa nhau. Với tỷ lệ tấm bản đồ là 1:30.000.000 như các học giả này đề cập thì khoảng cách giữa những vị trí sai lệch cũng có thể lên đến hàng chục hải lý.
Không chỉ thế, đường này còn được vẽ một cách tùy tiện đến mức đường khung viền bên dưới của tấm bản đồ cắt ngang cả đường chữ U - cái mà nghiên cứu này cho là “đường biên giới quốc gia” trên biển khiến đường chữ U bị “lẹm” đi một phần đáng kể.
Ma trận Đường chữ U rối bù
Trung Quốc vẫn thường nhắc đến những chứng cứ như đường lưỡi bò xuất hiện lần đầu từ năm 1914 do người có tên là Hu Jinjie vẽ (hiện nay không tìm thấy); hay tấm bản đồ nét liền do Bai Meichu vẽ năm 1936 (tác phẩm cá nhân); và chứng cứ được cho là chính thức nhất là tấm bản đồ nét đứt năm 1948 do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản. Điểm chung của các tấm bản đồ này là không có địa điểm và tọa độ địa lý chính xác cho các vị trí, các đoạn. Tất nhiên, Trung Quốc có lý do để không xác định tọa độ chính xác của các điểm để còn dễ bề xoay xở.
Đường lưỡi bò khi thì được vẽ với 11 nét, 9 nét, lúc lại là 10 nét. Tuy nhiên, từ năm 1947 trở lại đây, người ta vẫn thường trích dẫn đường chữ U là một đường đứt đoạn. Nay lại có thêm một sáng kiến nối liền các đoạn lại. Không chỉ có thế, nghiên cứu này còn chỉ ra một tấm bản đồ với hình dạng mới là “đường chữ U gồm 7 nét đứt đoạn” do Hội Khoa học Địa chất thế giới xuất bản năm 1951.
Tất nhiên, khi nối lại thì các học giả Trung Quốc lại buộc phải tìm ra lý thuyết để giải thích sự biến dạng liên tục của đường chữ U trong lịch sử. Lạ lùng nhất là việc các học giả Trung Quốc đưa ra cách giải thích mới rằng đường chữ U đứt đoạn phản ánh “nước biển luôn chuyển động”. Điều đó có nghĩa là đường liền nét sẽ là biểu hiện nước biển bất động (!?). Cách bao biện như vậy hoàn toàn phản khoa học.
Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc có vẻ cố tình lờ đi rằng trong lịch sử Trung Quốc là một cường quốc lục địa hơn là cường quốc biển, Trung Quốc chưa bao giờ coi vùng biển là lãnh thổ quốc gia. Hầu hết các bản đồ của Trung Quốc trước thế kỷ 20 coi cực nam lãnh thổ Trung Quốc tại Hải Nam. Trên thực tế, tại thời điểm 1951, Biển Đông vẫn là một vùng biển mở, các nước ven biển có quyền đánh bắt cá, khai thác tài nguyên, tàu thuyền của các quốc gia khác có quyền tự do đi lại qua đây. (còn tiếp)
Bình luận (0)