Bạn đọc Bùi Dũng Trung viết: "Năm học 2022 - 2023 tôi bước vào năm giảng dạy thứ 34 môn toán từ cấp THCS và THPT với tâm trạng không nhiều hứng thú! Không phải tôi không còn yêu nó mà bởi nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan! Ở đây tôi xin nêu cảm nghĩ cá nhân khi đứng lớp dạy học sinh phải tiếp thu và xử lý bao nhiêu đơn vị kiến thức trong 1 tiết học hay tuần, 1 học kỳ rồi sau 1 năm học, điều đọng lại trong nền kiến thức làm hành trang được bao nhiêu?".
Học sinh phải học toán rất nhiều và rất sợ môn toán (ảnh minh họa) |
đào ngọc thạch |
Bạn đọc kể trên viết tiếp: "Cấu trúc quá nặng nề, bác học và đôi khi không cần thiết! Học xong không biết dùng vào đâu? Khả năng tư duy của các em bị chai lì, kém nhạy bén ngay cả học sinh khá giỏi (điểm từ 8 đến 10). Tôi đặt một suy luận cơ bản và hỏi tại sao? Các em lúng túng nói mông lung và thiếu tự tin trong diễn đạt, ví dụ : cho hình chóp S. ABCD, đáy ABCD là hình thang có đáy lớn AB. Thế mà có học sinh mất gần 40 phút không thể vẽ hình chóp theo yêu cầu! Đây là một điển hình cho sự bão hòa tư duy và ứng dụng!".
Bạn đọc Đỗ Thận Quang bình luận: “Theo cấu trúc não bộ thì không phải ai cũng giỏi toàn diện các môn học được. Nên cho các em trả lời liên tục câu hỏi là học môn này để làm gì trước khi học, học kèm trải nghiệm giúp các em thoải mái, không sợ hãi môn học theo kiểu nhồi nhét. Ví dụ, môn toán thì theo tôi từng công thức các giáo viên nên đưa ra ví dụ ứng dụng công thức đó vào cuộc sống để làm gì, tại sao nó lại quan trọng”.
Có cần vậy không?
Bình luận dưới tên Vietroad, một bạn đọc cho biết: “Nhìn sách toán lớp 6 chương trình mới mà hoa cả mắt, mặc dù thời phổ thông tôi cũng từng là học sinh giỏi toán”.
Tương tự, bạn đọc Vĩnh Khang cảm thán: “Nhìn sách toán 10 (mới) 2022 - 2023 hiện tại, giáo viên toán THPT như chúng tôi đây cũng phát sợ chứ đừng nói đến học sinh!".
Bạn đọc có tên Thảo thì bức xúc: “Tại sao học phổ thông mà khó như vậy, kiến thức ở cấp THPT thì nay dồn xuống THCS, kiến thức nâng cao lẽ ra ở đại học thì nay đem xuống THPT, chi vậy, có cần vậy không?”.
Cũng theo bạn đọc Thảo: “Nhìn chương trình cải cách mới nhất xem thử, quá gượng ép, vô lý. Chúng ta không giảm tải giảm khối lượng kiến thức đi mà còn tăng lên, nhiều hơn, khó hơn, để làm gì, học sinh có giỏi hơn hay thần đồng hết hay sao. Nên điều chỉnh gấp cho học sinh được nhờ. Chương trình thì ôm, nói giảm môn này tăng cái khác còn khó hơn bất cập hơn”.
Nêu giải pháp, bạn đọc Trần Minh Đức đề nghị: “Học phải đi đôi với thực hành, toán học đâu chỉ là toán số, nên xem toán là ngôn ngữ ở phổ thông, đó là ngôn ngữ đọc hiểu thế giới tự nhiên, ngôn ngữ tư duy và sáng tạo”.
Một bạn đọc lấy tên 70031 thì trích từ tác phẩm “Tình yêu và toán học: trái tim của thực tại ẩn giấu” (Edward Frenkel) để bình luận về việc toán học phải gần gũi và thiết thực: “Israel Gelfand vĩ đại thường nói rằng: mọi người nghĩ rằng họ không hiểu gì về toán cả, nhưng đó hết thảy đều do cách bạn giải thích cho họ. Nếu bạn hỏi một người say rượu con số nào lớn hơn, 2/3 hay 3/5, anh ta sẽ không thể trả lời được. Nhưng nếu bạn đặt lại câu hỏi: cái nào tốt hơn, 2 chai vodka cho 3 người hay 3 chai vodka cho 5 người, anh ta sẽ nói ngay với bạn đáp số đúng: 2 chai cho 3 người, dĩ nhiên rồi”.
Như Thanh Niên đã thông tin, tại tọa đàm về dạy học toán trong trường phổ thông mới đây, GS Ngô Bảo Châu cho rằng việc dạy học toán cho trẻ em nói chung có thể không cần rộng, sâu hay giỏi, chỉ cần đủ hiểu biết để không sợ toán thì đã hành trang rất quý cho cuộc sống sau này.
“Sợ toán là thiệt thòi rất lớn trong cuộc đời", GS Châu nói và cho rằng cần trao cho tất cả học sinh cơ hội để hiểu và thích học toán.
GS Châu cũng nhận xét cách dạy toán ở Việt Nam “có gì đó sai sai” khi yêu cầu học sinh làm các bài toán mà việc tính toán rất “cơ bắp” với rất nhiều chữ số, biểu thức mà chẳng biết để làm gì và để đi đến đâu. Có những thầy cô thì đưa ra những bài rất mẹo, trong khi nguyên tắc làm toán chuyên nghiệp là không có mẹo. Việc dạy học toán là phải làm sao cho những điều trông có vẻ rối rắm, phức tạp trở thành đơn giản, đó mới là cái đẹp của toán học.
Để học sinh không sợ môn toán
Làm thế nào để thấy được vẻ đẹp của toán, không còn ám ảnh, sợ hãi; học với sự chủ động… là mong muốn của rất nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.
Báo Thanh Niên mong muốn nhận được ý kiến, chia sẻ của bạn đọc qua diễn đàn “Để học sinh không sợ môn toán”. Bạn đọc vui lòng gửi bài viết theo địa chỉ email: thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Trân trọng cảm ơn!
Bình luận (0)