Thuốc đắng dã tật…
“Nói thẳng nói thật, thử hỏi Hội Luật sư: Có bao nhiêu % số vụ luật sư bào chữa miễn phí, có phải các trường hợp bào chữa miễn phí gần như được lựa chọn là những vụ án có đông đảo nhân dân quan tâm hay không? Có phải để đánh bóng tên tuổi luật sư hay không? Ta không nên lấy tính ưu việt ghi trong luật, nhưng không có trong phổ quát thực tế để bắt bẻ người nói thẳng nói thật, hãy chấp nhận thực tế để nâng cao đạo đức nghề nghiệp luật sư thì tốt hơn”, bạn đọc Nguyễn Hữu (Hải Phòng, email nguyencoonghuu@....) viết phản hồi sau khi có thông tin ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, đã có công văn gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện về việc xem xét, làm rõ nội dung phát ngôn trên báo chí và trách nhiệm trước cử tri của ông Đỗ Văn Đương.
|
Phân tích thêm về phát biểu gây “bão” của ông Đương, Lê Minh (Nghệ An, email lehoanglam38@...) cho biết: “Theo tôi hiểu tuy chưa được chặt chẽ về chữ nghĩa của vai trò một ĐBQH nhưng điểm chung đã là xuất hiện lâu nay và nay là một thực tế nó đang đụng chạm đến lòng tin thiêng liêng của người dân đối với người luật sư mà họ tin tưởng. Chắc ông cũng nhìn thấy thực tế thông qua người dân phản ảnh cho ông, người đại diện cho dân, thay người dân nói lên sự thật phũ phàng cần phải được giải quyết, để nói lên điều bất hạnh mà người nghèo phải chịu thiệt thòi…”.
Phân tích thêm về phản ứng của người đứng đầu Liên đoàn Luật sư, bạn đọc Quang Vinh (quangvinhemico@...) viết: Ý kiến của Liên đoàn Luật sư không làm tăng uy tín của giới luật sư Việt Nam mà thậm chí có tác dụng ngược lại. Ông Đỗ Văn Đương không là ĐBQH do đoàn luật sư giới thiệu và bầu cử, vậy đoàn luật sư có quyền gì đề nghị xem xét, bãi miễn tư cách đại biểu của ông khi ông phát biểu nhận xét có động chạm đến các luật sư. Thực sự không ít luật sư trong xã hội chỉ lo bảo vệ người có tiền, đổi trắng thay đen, làm hại người nghèo khó, điều này rất nhiều ý kiến bạn đọc thừa nhận, phản ảnh. Thực ra điều này không chỉ tồn tại trong giới luật sư của riêng Việt Nam mà là trên khắp thế giới. Không có luật pháp nào xử lý luật sư nếu họ tìm mọi cách biện hộ cho kẻ thực sự có tội cả. Và không có luật pháp nào cho phép xem xét tư cách ĐBQH khi phản ảnh một thực tế xã hội nhưng lại đụng chạm đến một bộ phận. Vậy đoàn luật sư căn cứ vào điều luật nào để nêu đề nghị của mình, hay chính đoàn luật sư đang làm việc trái luật (?).
Đồng quan điểm với Quang Vinh, bạn đọc có địa chỉ email ngocdieunguyenthi@... viết phản hồi: “Liên đoàn Luật sư có quyền gì mà yêu cầu Quốc hội xem xét tư cách của đại biểu của ông Đương? Ngay cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi muốn phế truất chức danh ĐBQH (một đại biểu) cũng phải lấy ý kiến của dân ngay nơi đại biểu ứng cử chứ không thể làm bừa được".
Vạ miệng?
Nhìn nhận phát biểu của ĐBQH Đỗ Văn Đương ở một khía cạnh ngược lại, bạn đọc Đức Giang (ducgiangth@...) cho rằng, nền kinh tế thị trường thì phải vậy thôi, luật sư cũng phải sống trong khi họ không có lương mà phải sống bằng nghề bào chữa. Ông Đương chỉ nên đưa ra giải pháp để làm sao người nghèo cũng được tiếp cận với luật sư chứ không nên phát biểu như vậy.
“Ông Đương nói thế thật là thiếu thận trọng”, một bạn đọc ở Hà Nội (ntpdt@...) viết. Tương tự, một bạn đọc khác ở Bình Định (hieuannhon@...) cảm thán: “Lại một trường hợp vạ miệng!”.
Theo bạn đọc có địa chỉ email hongduong1945@..., nếu ông Đương phát biểu phản ánh thực tế hiện có thì đúng, còn nói lên tôn chỉ mục đích hành nghề của luật sư thì là thiếu khách quan. Có lẽ cần xem xét phát biểu trong hoàn cảnh lịch sử của nó thì mới có kết luận thấu đáo được.
Ka Long (TP.HCM, email kalong7773@...) cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình: “Bác Đương là một đại biểu của nhân dân nên bác được quyền nói những điều mà nhóm cử tri cũng như bác ấy cho rằng đúng! Còn điều bác nói có đúng hay không hoặc đại diện cho bao nhiêu % nguyện vọng cử tri cả nước thì lại là chuyện khác. Về khách quan thì tôi thấy những phát biểu của bác Đương cũng không đúng! Tuy nhiên, không vì thế mà các tổ chức có quyền yêu cầu Quốc hội xem xét lại tư cách đại biểu của bác ấy! Nên nhớ, mỗi đại biểu chỉ đại diện cho một nhóm cử tri nên việc nhóm cử tri này có chính kiến khác với nhóm cử tri khác là việc rất bình thường - đó mới thực sự là bản chất của hoạt động nghị trường - bản chất đa chiều. Thay vì yêu cầu Quốc hội xem xét lại tư cách của bác Đương thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên có văn bản phân tích theo lý lẽ và gửi tới Quốc hội”.
Lê Tín (Đà Nẵng, email letindn@gmail…) nêu ý kiến: “Nghề nào, lĩnh vực nào cũng có người lương tâm tốt nhưng vẫn có những hạt sạn. Người trong cuộc mới rõ…”.
Nhìn nhận sự việc một cách lý tính hơn, một bạn đọc ở TP.HCM (có địa chỉ email lehuuthanh@...) cho rằng cả ông Đương và Liên đoàn Luật sư đều phải đưa ra con số tỷ lệ bào chữa miễn phí và ít tiền là bao nhiêu? Tỷ lệ bào chữa tiền khẳm là bao nhiêu? Nếu có thể được thì đưa ra con số cho từng nhóm án, từng địa phương…
Bạn đọc Đỗ Quang Đán (doquangdan@...), một cái tên từ lâu đã gắn bó và thường xuyên chia sẻ ý kiến của mình dưới mỗi bài viết đăng trên Thanh Niên Online phân tích: Ngành nào thì cũng có người xấu tốt! Luật sư cũng vậy đâu phải thánh thần chi? Từ lâu người ta đã có câu: Nhờ thầy cãi, thuê thầy cãi. Ở các nuớc hiện đại người ta thuê luật sư riêng đó thôi! Bởi ở cái xứ mình nghèo, nên những gia cảnh bần hàn lỡ sa chân vào vòng lao thì bạc tiền đâu mà nhờ cậy luật sư. Ở những vụ này may gặp được luật sư nào có cái tâm họ bào chữa không công. Còn nói thẳng thời nay không có tiền thì đừng có mơ các vị luật sư ra tay nhé! Thế nên ông Đương có nói như thế cũng chính là nói đến thực trạng không chỉ của ngành luật sư đâu mà của nhiều ngành khác. Bởi giờ chả ai sống bằng không khí cả… Lời nói thẳng như thang thuốc đắng, nhưng quá quý, quá bổ. Âu cũng là để ai đó làm cái nghề luật sư hãy nhìn lại mình xem cái câu “Nhờ thầy cãi, thuê thầy cãi” thời cơ chế cái gì cũng tiền và tiền, không tiền không xong thì hình ảnh nghề luật sư trong mắt người dân bây giờ ra răng rồi?
Theo một bạn đọc ở TP.HCM (tmh1954@...), học luật sư là học tranh tụng bình đẳng trên diễn đàn, trên các kênh. Sao không tranh luận cho mọi người cùng nhìn nhận?.
Còn rất nhiều ý kiến khác liên quan đến phát biểu của ĐBQH Đỗ Văn Đương: “Luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền”. Nói như một bạn đọc ở Hà Nội (lamdieu@...): “Liên đoàn luật sư đã khơi dậy một cuộc tranh luận đáng quan tâm đây! Dư luận đang chờ đợi đó!”.
Vy Anh
>> ĐBQH Đỗ Văn Đương: 'Tôi sẽ không thay đổi quan điểm về phát ngôn của mình
>> Liên đoàn luật sư VN đề nghị xem xét tư cách ĐBQH của ông Đỗ Văn Đương
>> ĐBQH Đỗ Văn Đương: Luật sư 'không có thù lao thì lấy không khí sống à’
Bình luận (0)