Bàn giao 10 tài liệu hơn 400 năm liên quan đến Cống Quận công Trần Đức Hòa

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
18/03/2022 18:15 GMT+7

Gia tộc Trần Đức (ở Bình Định) đã bàn giao 10 tài liệu liên quan đến Cống Quận công Trần Đức Hòa có niên đại trên dưới 400 năm cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2.

Sáng 18.3, tại Khu tưởng niệm Cống Quận công Trần Đức Hòa của gia tộc Trần Đức (ở khu phố Tài Lương 3, P.Hoài Thanh Tây, TX.Hoài Nhơn, Bình Định), UBND TX.Hoài Nhơn và gia tộc đã tổ chức lễ húy kỵ, giao nhận sắc phong liên quan Cống Quận công Trần Đức Hòa.

Đại diện tộc Trần Đức (ở giữa) bàn giao các tài liệu cổ cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2

đoàn lang

Sau lễ húy kỵ, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo TX.Hoài Nhơn, ông Trần Đức Nghị (trưởng gia tộc Trần Đức - hậu duệ đời thứ 12 của gia tộc) đã bàn giao 10 đạo sắc phong, chỉ dụ của vua Lê, chúa Nguyễn liên quan đến Cống Quận công Trần Đức Hòa cho đại diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 (bàn giao bản gốc, ký gửi) để bảo quản, phát huy hơn nữa giá trị những tư liệu Hán Nôm quý hiếm này.

Đây là những tư liệu quý hiếm, có niên đại trên dưới 400 năm, gồm: 7 đạo sắc phong của vua Lê chúa Nguyễn, 2 đạo chỉ thị của 2 vị quốc công đều làm chúa ở Nam Hà và một văn kiện cấp bằng của Bộ Lại triều Lê.

Giữa tháng 12.2021, gia tộc Trần Đức cũng đã hiến tặng cho UBND TX.Hoài Nhơn hơn 1.800 m2 đất, công trình đã tôn tạo (trị giá khoảng 3 tỉ đồng) tại Khu tưởng niệm Cống Quận công Trần Đức Hòa của gia tộc để chính quyền có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, phục dựng, tôn tạo quần thể di tích Đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống Quận công Trần Đức Hòa... góp phần phát triển du lịch gắn với khai thác giá trị các di tích ở địa phương.

Đại biểu dự lễ tham quan các tài liệu cổ được trưng bày

đoàn lang

Theo sử sách triều Nguyễn, Cống Quận công Trần Đức Hòa là người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, TX.Hoài Nhơn, Bình Định), phục vụ cho triều của chúa Nguyễn Hoàng (chúa Tiên, 1558-1613) và Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi, 1613-1635).

Ông cùng chúa Sãi bàn mưu tính kế việc quân việc nước, được chúa coi là thân tín. Cháu Sãi thường gọi ông Trần Đức Hòa là nghĩa đệ (tức em kết nghĩa).

Trong thời gian giữ chức Tuần phủ khám lý phủ Quy Nhơn (nay là tỉnh Bình Định), ông Trần Đức Hòa “trong vỗ an dân chúng, ngoài cung cấp lương hướng cho quân đội, được xem là chỗ dựa của triều đình”. Ông cũng là người giúp đỡ, tiến cử danh nhân Đào Duy Từ cho chúa Nguyễn.

Cống Quận công Trần Đức Hòa cũng là người bảo trợ, chu cấp cho các linh mục, thừa sai Dòng Tên như: Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Christophoro Borri, những người khởi đầu sáng tạo chữ Quốc ngữ tại cư sở Nước Mặn (H.Tuy Phước, Bình Định) ở giai đoạn giữa năm 1618 đến đầu năm 1620.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.