Theo nhiều tài xế xe tải, Quyết định 06/2013 của UBND TP.Hà Nội đưa ra không ít quy định gây ra sự khó hiểu, rắc rối. Cụ thể, tại điều 5 của quyết định này quy định cấm hoạt động trong giờ cao điểm đối với xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn và cho phép lưu hành từ 21 giờ đến 6 giờ sáng đối với xe ô tô có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên. Giải thích từ ngữ tại quyết định này cũng cho biết trọng lượng toàn bộ của xe gồm trọng lượng xe cộng với hàng hóa chở trên xe.
|
Ông Nguyễn Văn Minh, tài xế xe tải ở Q.Hoàn Kiếm cho rằng quyết định đưa ra khái niệm các loại xe vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn là vô lý đến mức…không tưởng. “Trên thực tế không có loại xe nào chở cả hàng hóa lẫn trọng lượng mà trên 1,25 tấn. Mỗi chiếc ô tô bé nhất thì đã có trọng lượng 800 - 900 kg, ngay cả nhiều loại xe con có trọng lượng đã lên đến 1,5 tấn. Không có ai làm ra một chiếc ô tô tải mà chỉ chở được 300 - 400 kg”, ông Minh nói. “Có lần ra đường tôi bị CSGT chặn lại bắt lỗi này, tôi hỏi họ có xe nào cả trọng lượng lẫn hàng dưới 1,25 tấn thì họ không trả lời rồi nại quyết định thế nào thì CSGT làm thế, cuối cùng là bị thu bằng lái xe”, ông Minh kể.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô TP.Hà Nội cho biết, những rắc rối liên quan đến Quyết định 06 đã được các tài xế phản ánh về hiệp hội rất nhiều, thậm chí có người đã trực tiếp “kêu” với hiệp hội. “Việc tiêu cực, chạy chọt trong xin giấy phép là có, anh em phản ánh rất nhiều”, ông Liên nói. Ông Liên nhìn nhận, quyết định của UBND TP.Hà Nội về mục đích tốt đẹp là nhằm hạn chế phương tiện giao thông vào nội đô nhưng khi đi vào cụ thể đã tạo ra cơ chế phát sinh tiêu cực. “Quy định đưa ra là cấm nhưng lại cấp phép đã tạo ra cơ chế xin cho, mua bán, ông nào bỏ tiền ra, dùng chiêu trò thì lại có giấy phép. Đây là những quy định tạo ra tiêu cực trong xã hội”, ông Liên phân tích.
Ông Liên cho rằng UBND TP.Hà Nội cần cân nhắc để có thể sửa đổi những quyết sách cho hợp lý hơn và hạn chế được tiêu cực. “Việc hạn chế phương tiện xe tải vào nội đô là nhằm mục đích tránh gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, ngoài giờ cao điểm hay vào ban đêm thì một số loại phương tiện vận tải có thể vào thành phố mà không nhất thiết phải xin giấy phép. Trước đây, TP cũng đã làm rất tốt và tôi nghĩ nên thay đổi thực hiện theo hướng này để tạo thuận lợi cho người dân trong việc mua bán giao lưu hàng hóa”, ông Liên đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cũng đồng tình với quan điểm này. “Nói thẳng ra là cấp giấy phép là phải xin - cho - mua bán. Cấm xong rồi lại cấp phép thì rõ ràng đã tạo ra cơ chế tiêu cực mà thôi”, ông Thanh nói. Theo ông Thanh, trong bất cứ một đô thị nào cũng phải có những quy định hạn chế các loại xe tải và xe khách cỡ lớn nhưng không được lưu hành vào những giờ giấc cụ thể. Tuy nhiên, những giờ bình thường, tức không phải là cao điểm hoặc như ban đêm thì các loại xe có thể chạy mà không cần phải cấp phép.
Thái Sơn - Hà An
>> “Bán” giấy phép xe vào đường cấm
>> Video: “Bán” giấy phép xe vào đường cấm
Bình luận (0)