Bắn hạ con gấu dữ sổng chuồng

22/06/2007 23:26 GMT+7

Con gấu ngựa đã thấm mệt do đói khát lại trúng mấy phát thuốc mê nên đờ đẫn hẳn. Đúng lúc ấy, máng xúc của chiếc cần cẩu từ trên giáng xuống, dí nó xuống mặt đất. Một phát đạn của đội "thi hành án" đã kết liễu cuộc đời con gấu sau 5 ngày đêm sổng chuồng. Trước đó vào 9 giờ sáng 18.6, nó đã tấn công làm 2 người bị thương, trong đó chủ của nó bị thương nặng.

Kết liễu con gấu dữ

Ngay từ sáng sớm ngày 22.6, đội "đặc nhiệm" tiêu diệt con gấu nguy hiểm sổng chuồng đang lẩn trốn tại khuôn viên Khu du lịch văn hóa Đại Nam (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã được triển khai với sự chỉ huy của ông Trần Đăng Trung, Giám đốc điều hành Vườn bách thú Khu du lịch này. Con gấu nặng khoảng 100 kg của ông Nguyễn Văn Lục, Hiệu trưởng trường Trung học kinh tế Bình Dương, sổng chuồng 5 ngày trước. Ông Lục nuôi con gấu này từ nhỏ, cùng với một con gấu cái khác, luôn ẵm bồng trên tay. Lớn lên, hằng ngày ông vẫn cho ăn rau cải, thịt cá, trái cây... Được 6 tuổi, con gấu đã nặng 100 kg, mạnh mẽ khác thường. Tuy vậy, cho rằng con gấu chỉ là thú nuôi nên chuồng trại ông cũng không để tâm củng cố lại. Và đó là mầm mống của tai họa.

Lúc 9 giờ sáng 17.6, con gấu bắt đầu dùng "tay" bẻ từng cọng sắt phi 14 rồi giở nắp chuồng để thoát ra ngoài. Gia đình ông Lục hốt hoảng dùng cây gậy và bất cứ thứ gì vớ được xua đuổi nó trở lại nhưng vẫn không ngăn được. Con thú thoát ra ngoài, lẩn nhanh vào khuôn viên Khu du lịch Đại Nam sát bên cạnh và ẩn mình trong rừng lau lách rộng đến 200 ha (nhà ông Lục sát cạnh khu du lịch này).


Xác con gấu sau khi bị bắn hạ

Ngày hôm sau, tai họa bắt đầu giáng xuống khi ông Lục cùng với Giám đốc điều hành Công viên Trần Đăng Trung đi tìm bắt lại con thú. Ông Trung kể, lúc đó khoảng hơn 9 giờ sáng, hai người đang đi thì bất ngờ từ trong bụi rậm con gấu vọt ra tấn công ngay vào chủ của nó là ông Lục. Ông Lục chưa kịp phản ứng gì đã bị con gấu dí xuống đất, dùng chân tát và cào vào đầu và mặt ông. "Ngay lúc đó, tôi quăng ngay túi dụng cụ nhảy vào dùng cây đánh mạnh vào nó. Con thú gần như điên dại quay ngoắt sang tấn công tôi khiến tôi bị một cú quất như trời giáng vào mông trái, rồi một nhát cào vào tay phải. Tôi gần như không suy nghĩ nữa, dùng chân còn lại đạp mạnh về phía nó khi nó liên tục nhào vào cắn. Cuối cùng mọi người kéo đến xua đuổi con gấu đi và dìu chúng tôi vào phòng cấp cứu", ông Trung kể. Ông Lục bị con gấu cào rách đầu, cắn nát cánh tay, toàn thân xây xát phải khâu khoảng 100 mũi, đến nay còn nằm điều trị tại bệnh viện.

Sau ngày hôm đó, không ai dám bén mảng đến khu rừng tre vì cứ thấy bóng người là con gấu nổi xung đuổi cắn. Tin tức được cấp báo đến chính quyền và sáng 21.6, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo công an tỉnh tìm cách bắn hạ con thú. Sau một ngày đêm nghiên cứu và bàn bạc, sáng 22.6, đội "đặc nhiệm" với lực lượng phối hợp của công an tỉnh, cơ quan kiểm lâm và giám đốc cùng nhân viên Vườn bách thú Đại Nam ra quân. Một chiếc xe cuốc được huy động với ông Trung và ông Lâm, phụ trách vườn thú ở Thảo Cầm Viên TP.HCM ngồi trên chỉ huy. Con gấu bị đuổi dồn. Phần vì thấm mệt do khát đói, phần vì bị trúng thuốc gây mê nên con gấu gục ngã. Chiếc xe cuốc đè được nó xuống và nó bị bắn hạ lúc khoảng 10 giờ sáng 22.6.

Tất cả vì người nuôi chủ quan

Ông Trung - người đã mấy chục năm quản lý thú nuôi ở Thảo Cầm Viên TP.HCM, mới về Khu du lịch Đại Nam hơn một năm nay - có vẻ buồn khi phải hạ sát con gấu dù ông bị nó quật suýt chết. "Ở Thảo Cầm Viên, chúng tôi luôn có những biện pháp dự phòng khi thú sổng chuồng. Đó là những liều thuốc mê mạnh để bắn ra khi gặp sự cố. Việc nuôi thú hoang dã hiện nay trong dân còn quá chủ quan, ngay cả một liều thuốc gây mê dự phòng có nơi cũng không có".


Cơ quan công an đang tiến hành thiêu hủy con gấu sau khi nó bị bắn hạ

Theo ông Trung, cả nước hiện có khoảng 5.000 con gấu nuôi nhốt tại nhà, trong đó 1/3 nuôi ở các tỉnh phía Bắc. Các con gấu này đều được cấy chip dưới da để quản lý (ông Trung là người đi từ Nam chí Bắc để làm việc này). Nhiều người đã phất lên từ việc nuôi gấu lấy mật, thế nhưng, việc chăm lo chuồng trại cho gấu hiện còn rất cẩu thả. "Người dân có hai việc chủ quan dễ dẫn đến tai họa. Thứ nhất họ cho rằng thú nuôi như "con" mình, có thể dạy dỗ được mà không chú ý đến bản năng hoang dã của con thú có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Thứ hai, họ chủ quan trong việc xây dựng chuồng trại. Hầu hết các trường hợp thú sổng chuồng là do chuồng nuôi nhốt quá cũ kỹ, mục nát", ông Trung nói.

Chỉ trong một hai năm trở lại đây đã xảy ra không ít vụ gấu nuôi sổng chuồng tấn công chủ như vụ gấu ở Thủ Đức tấn công giết chết ông chủ năm ngoái; vụ một phụ nữ ở Bình Chánh bị gấu cắn đứt hai tay... tất cả đều do người nuôi, chăm sóc gấu chủ quan. Với trường hợp con gấu ngựa vừa bị bắn hạ, ông Trung cho biết không còn cách nào khác "Khi con thú đã "trở mặt" với người nuôi dưỡng thì tâm lý nó đã thay đổi lớn, cần phải có biện pháp cách ly ngay chứ không thể "giáo dục" lại được nữa", ông Trung nói.

Hùng Sơn - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.