Bán hàng không xuất hóa đơn: Dân ta lâm cảnh mua bán bất hợp pháp! (Bài 2)

25/05/2009 23:29 GMT+7

Bài 2: Trốn thuế Hóa đơn là chứng từ quan trọng để được cơ quan thuế khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Cũng vì vậy mà trong 10 năm qua, hàng loạt các chiêu thức gian lận thuế qua hóa đơn từ đơn giản đến tinh vi đã được một số doanh nghiệp áp dụng để trốn thuế...

Hóa đơn “giả”, cạo sửa

Một trong những cách gian lận đơn giản, không tốn nhiều công sức đó là ghi chênh lệch thuế GTGT giữa liên 1 (người bán giữ) và liên 2 (màu đỏ, giao cho khách hàng) khác nhau. Người bán ghi giá trị trên liên 2 của hóa đơn cao hơn giá thanh toán trên thực tế giúp người mua tăng số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Cơ quan thuế TP.HCM từng phát hiện một trường hợp điển hình: Công ty TNHH N.T (Q.Gò Vấp, TP.HCM) xuất 87 hóa đơn bán hàng có số thuế GTGT liên 1 và liên 2 chênh lệch nhau đến hơn 2 tỉ đồng. Số thuế GTGT trên liên 1 chỉ có hơn 10,2 triệu đồng nhưng số thuế GTGT ghi trên liên 2 lên đến 2,1 tỉ đồng.

Một số hình thức gian lận khác đơn giản hơn như: báo mất hóa đơn nhưng thực tế vẫn sử dụng, nghỉ kinh doanh nhưng không trả lại hóa đơn, lập bảng kê mua hàng hóa khống, cạo sửa hóa đơn mua hàng để tăng số thuế được khấu trừ... Trong các hành vi gian lận, hình thức mua bán hóa đơn khống được sử dụng khá nhiều. Đây là những hóa đơn GTGT hợp pháp, được phát hành nhưng thực chất không xảy ra chuyện mua bán hàng hóa dịch vụ.

Một trường hợp điển hình, Công ty cổ phần D. (TP.HCM) đã nhận 440 hóa đơn khống của 2 đơn vị vận tải với giá trị thanh toán gần 3 tỉ đồng, kế toán còn kê thêm 1,9 tỉ đồng vào hóa đơn GTGT để hợp thức hóa một khoản tiền lớn đã chi ngoài sổ sách. Hay trong vụ án “Dương Văn Năm cùng đồng bọn”, Dương Văn Năm đã sử dụng 102 hóa đơn khống nhằm hợp thức số gạo trôi nổi để trốn thuế GTGT với số tiền hơn 7,86 tỉ đồng. Vụ "Lê Văn Tre và đồng bọn" cũng đã sử dụng 97 hóa đơn khống, trong đó 10 hóa đơn dùng cho mục đích trốn hơn 888 triệu đồng tiền thuế, giúp các doanh nghiệp khác trốn hơn 6,2 tỉ đồng tiền thuế... Để hợp thức số hàng hóa mua trôi nổi, không có hóa đơn chứng từ, các đơn vị gian lận sẽ mua hóa đơn của các đơn vị khác để hợp thức hóa số hàng hóa mua vào. Hành vi này giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ số tiền thuế GTGT được hoàn từ ngân sách và trốn thuế.

Hình thức thành lập doanh nghiệp “ma” để mua được hóa đơn từ cơ quan thuế cũng xảy ra phổ biến. Việc thành lập doanh nghiệp “ma” được coi là kinh doanh vốn ít nhiều lời. Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng lo thủ tục thành lập công ty, trả lương cho vị giám đốc thuê thì đã có thể mua và sử dụng hóa đơn. Những doanh nghiệp kiểu này thường xuất khống hóa đơn và hưởng đến 20 - 50% số tiền thuế.

Trốn thuế để... “tăng sức cạnh tranh”?

Trao đổi với Thanh Niên, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh văn phòng phẩm tại Hà Nội cho biết: "Chắc chắn tất cả các khoản doanh thu không phải xuất hóa đơn sẽ không được doanh nghiệp kê khai thuế. Lý do giấu bớt doanh thu thì ai cũng biết là bớt các khoản đóng góp thì mình có thêm tiền, có khả năng giảm giá bán để cạnh tranh. Vậy thì tội gì mà khai đủ để phải đóng thuế nhiều trong khi mình bán cho cá nhân thì họ không cần mình xuất hóa đơn?". Nhân viên kế toán của một doanh nghiệp tư nhân nhỏ trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) thì giải thích về lý do giấu doanh thu để trốn thuế: "Thực tế thì nếu đóng thuế đầy đủ, các doanh nghiệp kiểu cửa hàng nhỏ, công ty nhỏ sẽ rất khó cạnh tranh nên họ phải tìm cách để tồn tại. Thực ra, giấu doanh thu để trốn thuế là vi phạm pháp luật, chúng tôi biết rõ như vậy nhưng nếu không giấu doanh thu, trốn thuế thì sẽ rất khó khăn trong cạnh tranh, tồn tại".

Giám đốc tài chính của một công ty quy mô lớn trong ngành công nghệ thông tin bình luận: "Dư luận xã hội về việc trốn thuế cũng góp phần làm cho việc trốn thuế trở nên phổ biến". Theo ông này, ở Việt Nam, đối với rất nhiều người, trốn thuế được coi là một hành vi không bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ. Ông này đưa ra một nhận xét rất thú vị: "Ở Mỹ, cũng như ở Việt Nam, tội hiếp dâm bị kết tội nặng và bị xã hội khinh bỉ như nhau. Cũng ở Mỹ, tội trốn thuế bị xử rất nặng, nhưng ở Việt Nam, tội trốn thuế có vẻ được xã hội nhìn nhận nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nếu người ta có cùng chung cái nhìn về tội trốn thuế như tội hiếp dâm thì mọi việc sẽ rất khác".

Theo quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sẽ có thuế suất thuế GTGT là 0% nên các đơn vị xuất khẩu sẽ được hoàn lại thuế GTGT. Lợi dụng chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu này, một số doanh nghiệp không có hàng hóa xuất khẩu nhưng cũng lập hồ sơ xuất khẩu khống. Các doanh nghiệp sẽ lập các hợp đồng bán khống cũng như xuất hóa đơn khống. Hình thức gian lận này của doanh nghiệp khá “công phu”. Điển hình vụ Công ty cổ phần N.V và Công ty TNHH sản xuất thương mại T.T (TP.HCM) phối hợp cùng một số đồng bọn lập hợp đồng bán hàng, vận đơn tàu... “ma”, sử dụng một số hợp đồng may mặc xuất đi Nga, Ba Lan của doanh nghiệp khác để hợp thức hóa hồ sơ. Sau đó N.V xuất hóa đơn bán hàng theo hợp đồng ngoại thương để làm hồ sơ đầu ra. Để hoàn tất hồ sơ xuất khẩu giả nhằm xin hoàn thuế, 2 công ty này đã nhờ ông N.V.D đứng tên giả mạo 2 công ty nước ngoài để ký các hợp đồng ngoại thương, mở tài khoản ngoại tệ. Sau mỗi hợp đồng, 2 công ty của ông N.V.D sẽ chuyển khoản thanh toán tiền mua hàng cho N.V nhưng thật ra số tiền này do Công ty N.V và T.T chuyển vào tài khoản của công ty ông N.V.D. Với thủ thuật này, các công ty trên đã lập được trót lọt 4 hợp đồng xuất khẩu với giá trị kim ngạch xuất khẩu gần 8 tỉ đồng và xin hoàn thuế 766 triệu đồng. Số tiền thuế xin hoàn được chia theo tỷ lệ 4/6, Công ty N.V được hưởng 40% tiền thuế được hoàn còn Công ty T.T nhận 60%. Hành vi gian lận này tinh vi đến mức phải mất gần 1 năm cơ quan thuế mới phát hiện dấu hiệu vi phạm và cơ quan điều tra phải mất đến 3 năm mới ra được kết luận cuối cùng.

T.Xuân

Trốn thuế gây hậu quả như thế nào?

Trước tiên, ngoài việc ngân sách nhà nước bị thất thu, việc cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế có một hệ quả dễ thấy là sự không bình đẳng. Cùng một thu nhập nhưng người thì phải đóng thuế, người khác thì không. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng.

Do việc trốn thuế là phổ biến nên các chính sách của các cơ quan quản lý đưa ra phải chặt chẽ hơn. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho thủ tục kê khai thuế, cấp hóa đơn GTGT cho doanh nghiệp, hoàn thuế... bị phàn nàn là phiền hà, nhiêu khê. Thậm chí ở một số biện pháp quản lý còn có tư tưởng là nhìn đâu cũng thấy kẻ gian và áp dụng các biện pháp dành cho kẻ gian. Như vậy, vô hình trung người ngay cũng bị áp dụng các biện pháp dành cho kẻ gian.

Khi trốn thuế, nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu chi tiêu của Chính phủ phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội vẫn phải đáp ứng đủ nên thực tế nếu nguồn thu này bị ảnh hưởng thì phải tìm nguồn thu khác để bù vào. Ví dụ: nếu có 1 triệu người nộp thuế đầy đủ thì mức thuế sẽ khác nhưng do chỉ có 400.000 người nộp thuế thì mức thuế sẽ phải khác hoặc ngành thuế sẽ phải tìm một nguồn thuế khác để bù đắp phần thiếu hụt... Như vậy, ngoài việc gây ra sự không bình đẳng về nghĩa vụ thuế, việc trốn thuế của người này còn gây gánh nặng về thuế lớn hơn cho những người khác.

Chưa hết, khi trốn thuế được coi là "thông minh" thì doanh nghiệp cũng vô tình "bật đèn xanh" cho nhân viên của mình thực hiện các thủ đoạn gian dối để trốn thuế. Họ sẽ làm tha hóa chính nhân viên của mình ở mọi tầng lớp. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và lớn mạnh sẽ không làm như thế. Nhìn rộng hơn, nếu như việc trốn thuế được mọi người coi là "thông minh" thì cả nền kinh tế này sẽ bị tha hóa. Không một xã hội nào, một nền kinh tế nào có thể phát triển được với tư duy như vậy. (Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Phó TGĐ PriceWaterHouseCoopers Việt Nam)

Hoàng Ly (ghi)

Thanh Xuân - Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.