Hơn 2 năm nay, Thanh Phương, một người kinh doanh nhỏ lẻ tại Q.Tân Bình (TP.HCM), mở cửa hàng online chuyên bán các loại túi xách, đồng hồ thương hiệu hàng đầu thế giới được đặt hàng hoặc xách tay từ nước ngoài về VN.
|
Hàng hóa của Phương được bán hoàn toàn thông qua trang Facebook cá nhân. Không tiết lộ doanh thu và lợi nhuận hằng tháng, nhưng Phương cho biết việc kinh doanh đang thuận buồm xuôi gió, đến mức chị tính mở thêm cửa hàng trực tiếp (offline) để phục vụ nhiều khách hàng vẫn muốn sờ tận tay sản phẩm trước khi mua.
Gần đây, Phương đang lo lắng trước việc cơ quan thuế đang “đánh tiếng” sẽ thu thuế bán hàng qua mạng. “Lâu nay tôi lãi khá nhờ một phần không phải đóng thuế. Không biết sắp tới sẽ nộp thuế bao nhiêu đây?!”, chị thắc mắc.
Bùng nổ bán hàng qua mạng
Theo công bố của Facebook, tính đến cuối 2015, VN có đến 35 triệu người đang sở hữu tài khoản Facebook, là quốc gia có lượng người dùng lớn thứ 3 tại Đông Nam Á. Bán hàng qua các trang cá nhân trên mạng xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Ước tính có hàng triệu người Việt đang kinh doanh như Thanh Phương qua những trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Zalo.
Đa phần xem đây là nghề tay trái để tăng thêm thu nhập, khi bán các mặt hàng “thượng vàng hạ cám”, từ giỏ xách, điện thoại, đồng hồ, mỹ phẩm nhập khẩu giá vài chục triệu đồng cho đến áo quần, giày dép, thực phẩm, rau quả giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Nhưng một phần không nhỏ đã chuyên nghiệp hóa việc bán hàng qua mạng. Như chị Hà, chủ một cửa hàng thời trang tại Q.3 (TP.HCM), cho biết lượng khách hàng của chị thông qua Facebook chiếm khoảng 30% và đang dần dần tăng lên. Chị ngồi ở Sài Gòn, nhưng khách hàng của chị ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, từ Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng… cho đến Tây Ninh, Cà Mau, thậm chí ở cả nước ngoài. Năm nay, chị kỳ vọng sẽ đẩy mạnh lượng bán hàng online lên gấp đôi năm ngoái.
“Bán hàng qua Facebook mở rộng được lượng khách ở xa. Tôi sẽ đẩy kênh online bán chủ lực trong thời gian tới”, chị Hà nói. Giám đốc một công ty du lịch cho biết chi phí quảng bá trên Google chỉ vài triệu đồng một ngày, còn trên Facebook, chi phí phải tính bằng tiền tỉ. Chính vì độ phủ lớn này, những người kinh doanh truyền thống, có cửa hàng trực tiếp hay những công ty quy mô lớn giờ đây cũng tăng cường quảng bá, bán hàng qua kênh trực tuyến nói chung và Facebook nói riêng.
Thế nhưng từ trước đến nay, nhiều cá nhân có hoạt động giao dịch bán hàng qua mạng, đặc biệt qua Facebook đều không hề nghĩ đến chuyện phải đóng thuế. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nhận xét thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển như vũ bão trong 3 năm gần đây, đặc biệt bán hàng qua Facebook. Trên địa bàn TP, số lượng website TMĐT đạt khoảng 80.000 trang. Trong đó, một nửa có thời gian hoạt động ổn định từ 2 năm trở lên, nghĩa là những trang web này bắt đầu đã có doanh thu. Mặc dù Sở có thể xác định được địa điểm đặt website, nhưng vẫn không kiểm soát được nguồn thu. Đặc biệt, hầu như thất thu thuế đối với các cá nhân bán hàng qua Facebook.
Bỏ sót là không công bằng
Theo quy định, những người bán hàng rong, buôn bán vặt, làm các dịch vụ đánh giày, sửa khóa, trông xe, sửa chữa xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh… không phải đăng ký kinh doanh và chỉ đóng thuế khoán. Hoạt động bán hàng qua mạng không thuộc các đối tượng này nhưng là một phương thức kinh doanh, nên vẫn phải nộp thuế nếu phát sinh doanh thu. Nhưng theo ông Nguyễn Dũng, chuyên gia về TMĐT, đến nay lĩnh vực TMĐT nói chung vẫn còn chưa có mã ngành, nên việc quản lý thu thuế đều phải áp dụng các hình thức của kinh doanh truyền thống. Riêng đối với các cá nhân kinh doanh qua mạng, chỉ áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân. Việc thu thuế hoàn toàn phụ thuộc vào việc họ tự khai tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Đặc biệt, trong khi cơ quan thuế vẫn còn lúng túng trong việc quản lý và thu thuế đối với những doanh nghiệp, những trang TMĐT lớn xuất phát từ nước ngoài thì sẽ càng khó thực hiện thu thuế đối với hàng triệu cá nhân nhỏ lẻ kinh doanh qua mạng”, ông nói.
Thu thuế bán hàng qua Facebook không hề dễ dàng, lãnh đạo cơ quan thuế thừa nhận như vậy vì ngành thuế có thu thuế được hay không còn phụ thuộc lớn vào việc cá nhân đó có đăng ký, kê khai thuế hay không. Chuyên gia về thuế thu nhập cá nhân Nguyễn Thái Sơn cũng phân tích, hoạt động giao dịch kinh doanh trên Facebook phần lớn được thực hiện bằng cách trả tiền mặt nhận hàng, nên rất khó xác định về tư cách pháp nhân cũng như doanh thu. Hiện ngành thuế đang nghiên cứu, nhưng việc thu thuế những đối tượng này hầu như “ngoài tầm tay”.
Theo một chuyên gia thuế, nếu các quán phở, bún, hủ tíu là “hữu hình”, có thể thu thuế dễ dàng, thì người bán hàng online ngồi ở đâu không biết, cơ quan thuế phải tìm kiếm, xác định, theo dõi, mất rất nhiều công sức mà có thể kết quả thu về không cao. Tuy nhiên, hiện nay đa số người bán là người làm công ăn lương tranh thủ làm thêm, doanh thu không lớn, quy mô quầy hàng không khác mấy việc bán hàng nhỏ lẻ ở chợ.
“Cơ quan quản lý cũng đâu biết bà bán cá ở chợ một ngày bán bao nhiêu, giá vốn bao nhiêu, nên hầu hết là quy về thu thuế khoán. Tương tự, cơ quan thuế cũng nên đánh thuế khoán kinh doanh online, không nên buộc cá nhân phải đi đăng ký kinh doanh một quầy hàng nhỏ, phát sinh nhiều thủ tục”, ông nói.
Luật sư Trần Xoa nhận xét quản lý thuế đối với các giao dịch bán hàng qua mạng xã hội là thách thức đối với ngành thuế, bởi các đối tượng khi kinh doanh trên mạng không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, khó quản lý kê khai doanh thu và chi phí. Hơn nữa, người mua phần lớn là cá nhân không lấy hóa đơn, vì vậy sẽ có người giấu doanh thu. Nhưng nếu còn bỏ sót những khoản thu này, thì chưa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả mọi người, doanh nghiệp.
Luật sư Trần Xoa cho rằng: “Kinh doanh qua mạng là xu thế phát triển mạnh trong thời gian tới, bên cạnh việc trông chờ vào sự tự khai, tự tính, tự nộp của các cá nhân và doanh nghiệp, thì ngành thuế nên thực hiện quản lý rủi ro và cần có biện pháp khuyến khích người dân kê khai thuế. Bởi trong cùng môi trường, trong khi thu thuế người làm công ăn lương đầy đủ lại bỏ sót một số đối tượng khác thì đó là môi trường thuế chưa bình đẳng”.
|
Bình luận (0)