Quyết định nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch tổ chức khai thác thương mại tuyến metro đầu tiên của TP.HCM (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) vào tháng 12 tới.
Quy định gồm 7 chương, bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, vận hành các tuyến đường sắt đô thị (metro) như: xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ; xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải metro; vận tải hành khách; quyền và nghĩa vụ của hành khách, doanh nghiệp trong hoạt động vận tải hành khách trên metro; trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị liên quan; và tổ chức thực hiện.
Cụ thể, biểu đồ chạy tàu được lập theo năm, đảm bảo mật độ chạy tàu, tốc độ chạy tàu tương ứng với năng lực của kết cấu hạ tầng, thời gian tàu đi đến đúng giờ, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Học viên lái tàu thích thú điều khiển đoàn tàu metro số 1
Về phần vận tải hành khách, có 2 nội dung đáng chú ý là đặt tên nhà ga và phương án về giá vé. Theo đó, tên nhà ga không trùng nhau trên cùng một tuyến đường sắt và phù hợp với địa danh, lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương. Điểm dừng, nhà chờ xe buýt, bãi đỗ xe đạp và điểm đón, trả khách của dịch vụ vận chuyển hành khách được ưu tiên bố trí theo quy định tại khu vực trong và xung quanh ga metro.
Vé hành khách đi metro được chia thành 2 loại: vé lượt và vé bán trước. Vé lượt là vé để hành khách sử dụng đi một lượt trên một tuyến đường sắt trong khoảng thời gian một ngày. Vé bán trước là vé để hành khách sử dụng đi lại thường xuyên trong khoảng thời gian một ngày hoặc dài hơn, trên một hoặc nhiều tuyến đường sắt.
Hệ thống bán vé tại nhà ga phải áp dụng bán vé điện tử, đảm bảo hành khách có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán khác nhau như tiền mặt, thẻ ngân hàng, vé điện tử... Giá vé trên các tuyến sau khi được cấp thẩm quyền ban hành phải được doanh nghiệp niêm yết tại các ga đường sắt và công bố công khai trên trang thông tin điện tử trước thời điểm áp dụng.
Việc miễn, giảm giá vé cho hành khách được thực hiện theo quy định hiện hành có liên quan và chính sách hỗ trợ của cấp thẩm quyền. Doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, thực hiện việc miễn, giảm giá vé tàu điện cho các đối tượng được miễn, giảm theo quy định.
Hành khách được mang theo hành lý khi sử dụng đường sắt đô thị nhưng hành lý phải đảm bảo an toàn, kích thước và trọng lượng phù hợp với yêu cầu tại cửa soát vé, cửa tàu và hoạt động trên tàu.
Trong trường hợp chỉ một tàu metro bị sự cố dừng vì lý do kỹ thuật, doanh nghiệp phải bố trí tàu để hành khách tiếp tục đi tàu sớm nhất. Trường hợp dừng vận hành tàu vì lý do kỹ thuật và chưa xác định thời gian khắc phục, doanh nghiệp phải tổ chức phương tiện thay thế để vận chuyển khách hoặc hoàn trả tiền vé theo quy định.
Doanh nghiệp quy định phương thức hoàn trả chi phí mua vé cho hành khách (nếu có), đảm bảo trật tự, an toàn tại ga đường sắt và hạn chế tình trạng ùn tắc khi xảy ra sự cố.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng quy định rõ việc xử lý một số tình huống liên quan đến hành khách như: các hành vi vi phạm tại ga và trên tàu; có hành vi quấy rối hành khách, nhân viên trên tàu, dưới ga; các hành vi vi phạm về trật tự công cộng, gây rối trật tự công cộng khác theo quy định của pháp luật...
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) tập trung chỉ đạo các nhà thầu thi công hoàn tất các công việc liên quan để tuyến metro số 1 có thể chính thức vận hành như kế hoạch.
Theo báo cáo từ MAUR, đến nay, dự án metro số 1 đã hoàn thành 98,81% khối lượng công việc. Các gói thầu chính như hạ tầng ngầm, hạ tầng trên cao, và các hệ thống kỹ thuật đều đang ở giai đoạn hoàn thiện. MAUR hôm 28.10 đã phát động thi đua cao điểm 50 ngày đêm hoàn thành các công việc để đưa tuyến metro số 1 vận hành chính thức.
Bình luận (0)