(TNO) Chiều nay 7.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành quyết định Kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola tại Việt Nam.
>> TP.HCM phòng chống dịch Ebola xâm nhập từ cửa khẩu
>> Báo động dịch Ebola ở Tây Phi
>> Dịch Ebola bùng phát mạnh ở CHDC Congo
Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào nước ta thông qua khách du lịch, người lao động về từ các quốc gia vùng Tây Phi hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua các quốc gia vùng Tây Phi. Bệnh do vi rút Ebola (bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (bệnh truyền nhiễm nhóm A) có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90%).
|
Trong kế hoạch của mình, Bộ Y tế đưa ra 3 tình huống.
Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Ở tình huống này cần phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng.
Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam.
Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện chúng ta đang ở tình huống 1, nhưng vì đây là dịch bệnh nguy hiểm nên cần hết sức nỗ lực ngăn chặn không để dịch xâm nhập và phát hiện sớm nếu có ca bệnh. Tăng cường công tác giám sát, dự phòng; tăng cường giám sát phát hiện tại cửa khẩu, thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola tại khu vực cửa khẩu để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan vào Việt Nam; áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế đối với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola và có yếu tố dịch tễ liên quan các trường hợp nghi ngờ tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cộng đồng…
“Đặc biệt, ngay từ tình huống 1 như hiện nay chúng ta đã phải sẵn sàng các trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm y tế, vật tư để xét nghiệm chẩn đoán xác định vi rút Ebola. Hiện chúng ta vẫn chờ Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ về primer là “đoạn” thử giúp xác định chính xác vi rút Ebola”, ông Phu cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, để ứng phó với các tình huống tiếp theo (khi có ca bệnh và khi ca bệnh lây lan trong cộng đồng), phải tập trung cho khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng. Kiện toàn các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương; các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân. Thiết lập khu vực cách ly riêng để khám và điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola không được để lây nhiễm trong bệnh viện. Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong, giảm lây lan ra cộng đồng và có thể thành lập bệnh viện dã chiến.
Liên Châu
Bình luận (0)