Qua mỗi mẩu chuyện bên lề của các bạn, chúng tôi thấy rằng, những “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” không chỉ biết sống bằng cái đầu cứng cỏi, làm việc bằng nhiệt huyết và "bằng khát khao bỏng cháy". Không chỉ có "dầu máy đầy tay" mà "trong tiếng đàn thành phố tình ca”, các bạn vẫn thường có những phút “ôm đàn tôi hát hoà cùng bạn bè..." (*) Nguyễn Hồng Lộc: Yêu không gian lãng mạn trong nhà máy
|
Nếu chọn ra một khoảng thời gian mà mình yêu thích nhất trong ngày, thì ít ai nghĩ rằng anh chàng kỹ sư 29 tuổi Nguyễn Hồng Lộc trả lời rằng: “Đó là khoảng 4 giờ chiều, khi mặt trời lặn, nhà máy rất đẹp! Tôi không nghĩ rằng ngay trong một TP sầm uất nhất nước, trong một nhà máy lớn, giữa những tiếng máy chạy, lại có một không gian trong lành, tĩnh lặng và yên bình, giống miền quê như thế".
Lộc sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ. Anh và gia đình chuyển vào TP.HCM sống cách đây 10 năm khi Lộc vào đại học và trở thành công dân thành phố mang tên Bác từ đó. Nhưng, anh vẫn thích vẻ tĩnh lặng của vùng quê hơn tiếng rộn rã, ồn ào của thành phố.
"Làm ở đâu thì chắc chắn là phải có sự gắn bó lâu dài và nhiều kỷ niệm ở đó rồi", chàng trai trẻ này đã gắn bó với Nhà máy nước Tân Hiệp suốt 5 năm qua từ những điều gần gũi, giản dị như thế, "Rất đẹp! Buổi chiều ngả sang tối rất đẹp, nhất là trong mùa này, trời lạnh lạnh và hoa bằng lăng đã bắt đầu nở điểm tím trên cây… Mùa hè thì phượng nở đỏ rực".
Và ấn tượng ban đầu khi đến nhà máy là: "Cái nhà máy lớn quá đi! Mình không hình dung là nó lớn như vậy. Rất đẹp! Cỏ xanh mượt. Cây cối xanh tươi" - Lộc kể lại suy nghĩ trong đầu mình lúc đó.
Hiện giờ, ở nhà máy, mọi người vẫn thấy Lộc tìm tòi, lắng nghe để trả lời những câu hỏi về mặt kỹ thuật cho các bạn sinh viên thực tập tại nhà máy. Anh vẫn trực tiếp đi cùng anh em công nhân khi sửa chữa, bảo trì máy móc. Có lần, Lộc đã leo xuống cả bể lắng cùng anh em súc rửa bể để nắm tình hình, kết cấu thực tế của bể chứ không chỉ biết qua trên bản vẽ.
Với công việc, Lộc chỉ kết lại một câu: "Là một công dân trẻ tiêu biểu của TP đối với tôi là một niềm tự hào và danh hiệu này cũng là niềm tự hào của cả gia đình. Việc làm của mình không có gì to tát đâu. Chỉ là làm hết sức thôi mà!".
Nguyễn Hồng Lộc là gương thanh niên công nhân tiêu biểu, lao động sáng tạo, đạt giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2009 của Thành Đoàn TP.HCM, danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2009” của Trung ương Đoàn, anh là một trong hai điển hình của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn được Thành ủy tuyên dương tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Anh cùng các đồng nghiệp tại Ban Kỹ thuật, Phân xưởng Bảo trì sửa chữa đưa ra các biện pháp phục vụ công tác bảo trì, sửa chữa, thay thế và lắp đặt thiết bị. Đặc biệt, anh là người được giao nhiệm vụ thiết kế theo mẫu và giám sát gia công một số vật tư trong nước, giá nhập ngoại của các vật tư này rất cao, do đó gia công trong nước đã giúp cho nhà máy tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí, đồng thời đảm bảo an toàn cho công tác dự phòng vật tư thiết bị. |
Dương Hiếu Trung: Nhỏ nhưng có… võ
|
Chàng trai có vóc dáng thư sinh, kính cận này lại có cách nói chuyện dứt khoát, từng câu từng chữ này giống như hành động sẵn sàng lao mình vào lửa cứu bà cụ ở ngay nhà đối diện của mình.
Nghĩ lại, Trung cũng chẳng thấy sợ sệt là mấy dù lúc đó nền nhà trong lửa đỏ ấy nóng ran, nhưng nghĩ đến bà cụ đã ngất xỉu Trung cứ thế mà lao vào. Hồi tưởng lại chuyện ấy, trong khi chị Ngọc Nga (mẹ Trung) vẫn còn lo lắng thì chàng trai này cứ khuyên mẹ: “Xóm mình nhỏ, đường hẹp nên nếu có chạy mẹ phải bình tĩnh. Có vậy, mới xử trí, ứng biến được mọi chuyện chứ”.
Là con một nhưng chàng trai này lại rất tự lập, công việc học hành, thi cử, Trung cứ tự mình cần mẫn, chẳng đợi cha mẹ nhắc lấy một lời.
Nhìn Trung, ít ai biết cậu đã là nhị đẳng Taekwondo, môn chơi thể thao duy nhất mà Trung đam mê từ bé xíu đến giờ. Học võ nhưng cực kỳ ghét đánh đấm, nhiều khi Trung lầm lầm lì lì giải quyết chuyện xung đột bằng lời ăn tiếng nói với bạn bè chứ chẳng bao giờ chịu động tay động chân.
Sau khi hoàn tất học kỳ 1 khá suôn sẻ, Trung đang nghĩ đến một năm 2010 với bao ấp ủ. Đầu tiên là phải đạt điểm số cao trong học kỳ 2, sau đó là chuyện vào ngôi trường THPT Hùng Vương (Q.5) như mong muốn.
Ước mơ tương lai của Trung là làm bác sĩ để chữa bệnh cho bà và những người thân, nhưng đó còn là chuyện của vài năm nữa. Còn bây giờ, dù đang rất háo hức được đón nhận danh hiệu đầy ý nghĩa “Công dân tiêu biểu” nhưng với Trung giờ đây sẽ phải làm thêm nhiều việc tốt, có ích hơn nữa. “Em chẳng sợ, chẳng ngại gì cả. Nếu làm được thì em sẵn sàng!” - Trung nói đầy dứt khoát.
Dương Hiếu Trung được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ nghìn việc tốt” trong Liên hoan "Dũng sĩ nghìn việc tốt toàn quốc 2009" của Trung ương Đoàn. Năm 2009, trong một lần xảy ra hỏa hoạn tại hẻm 88 đường Nguyễn Khoái, phường 2, Quận 4, Trung đã dũng cảm cùng hai người nữa lao vào ngôi nhà đang bốc cháy để giải cứu cho một cụ già gần 80 tuổi. Trung là học sinh giỏi 8 năm liền; là vận động viên Taekwondo, đạt nhiều Huy chương Hội khỏe Phù đổng cấp Quận và thành phố từ năm 2004 - 2008. Trung được tuyên dương gương Người tốt việc tốt cấp Quận năm 2009. |
Đặng Tất Dũng: Khát khao với những kế hoạch
Trái ngược hoàn toàn với Hiếu Trung, Đặng Tất Dũng lại là điển hình của một người trẻ, học ở nước ngoài rồi trở về cống hiến, luôn trăn trở với sự phát triển của thành phố.
Năm 2009 khép lại đầy mỹ mãn đối với Dũng với những phần thưởng, danh hiệu cùng một suất học bổng đi Anh du học. Từng góp mặt tại “Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo trẻ toàn cầu” tại London, Dũng đã đề xuất và nói lên những hình thức tuyên truyền pháp luật lưu động, đa dạng cho nhiều đối tượng thanh niên, đặc biệt là thanh niên công nhân tại các khu chế xuất…
Là người gắn bó với ngành Luật, nên Dũng luôn muốn phổ thông hóa những kiến thức luật tưởng chừng khô khan, nhưng luôn thiết thực đến với mọi người.
Tác phong, kế hoạch của chàng trai này rất chuyên nghiệp bởi đơn giản anh đam mê công việc cũng những kiến thức hữu ích ở nước ngoài đã ngày càng giúp Dũng trưởng thành và rất tự tin. Ngồi với Dũng, ai cũng có thể bị cuốn theo những chương trình, ý tưởng mà trong anh cứ luôn sinh sôi nảy nở vì đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Vừa là giảng viên khoa Luật hành chính, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Bí thư Đoàn trường ĐH Luật TP.HCM, Dũng thường xuyên ngập đầu vì công việc. Thế nhưng, lúc nào mọi thứ cũng xuôi chèo mát mái đối với anh bởi phương châm “việc nào giải quyết dứt điểm việc ấy” được Dũng lên kế hoạch và thực hiện rất tốt.
Ngoài ra, xung quanh Dũng còn có sự chia sẻ của những cộng sự giúp anh có thêm những khoảng trống cần thiết để lên ý tưởng cho những chương trình tiếp theo cho sinh viên và cộng đồng.
Năm 2006, Đặng Tất Dũng được chọn là đại diện duy nhất của thanh niên Việt Nam tham gia “Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo trẻ toàn cầu” tại London (Anh). Đặng Tất Dũng là gương cá nhân điển hình 15 năm phong trào tình nguyện của thanh niên TP.HCM, danh hiệu “Giáo viên trẻ tiêu biểu TP.HCM” năm 2008 và 2009. |
Nghệ sĩ Quế Trân: Nền tảng gia đình là niềm tự hào
|
Xuất thân trong một gia đình có bốn đời hoạt động sân khấu, ông nội là nghệ sĩ tuổng cổ Minh Tơ, cha là NSƯT Thanh Tòng, Quế Trân đã được rèn luyện trong “cái nôi” nghệ thuật từ rất sớm. Được gia đình dìu dắt và dẫn đường, con đường sự nghiệp của cô đào trẻ (sinh năm 1981) này dường như đã được “trải hoa hồng”.
Quế Trân tâm sự: “Nền tảng gia đình là một niềm hạnh phúc, một niềm tự hào đối với Trân. Chính nền tảng gia đình khiến Trân cảm thấy có trách nhiệm hơn và phải nỗ lực nhiều hơn”.
Tuy nhiên, đối với nghệ sĩ Quế Trân, đó chỉ là đòn bẩy, còn có thể “nhảy xa”, “nhảy cao” đến đâu đều do nỗ lực của bản thân. Quế Trân cho biết, đã thành cái lệ, cha cô (NSƯT Thanh Tòng) không bao giờ phung phí những lời khen tặng dành cho con, vì như thế sẽ dễ sinh ỷ lại, chủ quan. Điều đó đã luôn đặt cô vào suy nghĩ phải cố gắng nhiều hơn, để đạt những thành công cao hơn nữa. “Cha luôn dạy tôi phải sống và làm việc hết mình, không được chủ quan, tự mãn, và phải luôn biết trân trọng và yêu nghề, phải có đạo đức tôn sư trọng đạo”.
Được Thành Đoàn TP.HCM chọn là một trong 5 gương mặt Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2009 cũng là một thành công đáng tự hào của Quế Trân. Nhận được thông tin này, Quế Trân đã hoàn toàn bất ngờ và sung sướng. Và người đầu tiên Quế Trân báo tin chính là người cha của mình.
Quế Trân chia sẻ: “Khi lọt vào danh sách lựa chọn 10 người, Trân đã không nghĩ là mình có thể được chọn, vì bạn nào cũng có nhiều thành tích, bạn nào cũng rất giỏi và có đóng góp lớn lao cho xã hội. Nhận được danh hiệu này là một vinh dự lớn và cũng là trọng trách đối với Trân, một người nghệ sĩ cải lương trẻ trên con đường đưa nghệ thuật cải lương đến với khán giả trẻ”.
Bốn năm qua, nghệ sĩ Quế Trân đã lặng lẽ, nỗ lực thực hiện kế hoạch đưa cải lương đến với khán giả trẻ của mình, bằng cách thực hiện những buổi giao lưu nghệ thuật cải lương với học sinh - sinh viên, tổ chức liveshow tại Nhà Văn hóa Thanh Niên và các trường đại học, tham gia các đại hội, hội thảo thanh thiếu niên với những tham luận sâu sắc về cải lương…
Từ sự hưởng ứng của các bạn trẻ đối với những hoạt động này, Quế Trân càng có thêm động lực và hy vọng rằng, nghệ thuật cải lương cùng thế hệ nghệ sĩ trẻ như cô sẽ luôn trường tồn theo thời gian.
Suốt chặng đường hơn 10 năm đến với nghệ thuật cải lương, Nguyễn Ngọc Quế Trân đã mang về cho mình nhiều giải thưởng và danh hiệu danh giá: Huy chương vàng Trần Hữu Trang, Giải Mai Vàng (Báo Người Lao Động), Diễn viên tài sắc (Báo Sân khấu), danh hiệu Thanh niên tiên tiến Miền Đông Nam Bộ, Huy chương vàng Liên hoan sân khấu đồng bằng sông Cửu Long, diễn viên cải lương được yêu thích nhất giải thưởng HTV Awards… Trong năm 2009, Quế Trân tiếp tục đạt Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc và vinh dự được chọn là đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc lần 1 - năm 2009 tại Hà Nội. Quế Trân cũng rất tích cực trong các hoạt động xã hội, hướng đến cộng đồng, đặc biệt, thường xuyên tổ chức các chương trình văn nghệ gây quỹ chăm lo cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và phụ nữ nghèo. |
“Diễn viên không màn bạc”
|
Trong năm "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009" thì có lẽ Nguyễn Đức Hưng (ảnh) là "rắn rỏi" nhất. Anh vẫn được mệnh danh là "chim ưng" trên đường phố. Bởi lẽ, anh trung úy trẻ ở tuổi 28 này (sinh năm 1981) đã nhiều lần “trình diễn” những pha rượt đuổi đối tượng cướp giật trên đường phố… chẳng khác trong phim như thế.
Tuy nhiên, ngoài đời, khi tiếp xúc thì "chim ưng" ấy lại có phần điềm đạm, rụt rè và cũng trẻ trung lắm!
Anh tâm sự: cả nhà có "truyền thống" ngành công an. Hưng tham gia nghĩa vụ quân sự từ năm 2001 và thế là cái duyên với nghề cứ từ đó dẫn dắt anh. Cho đến giờ, Trung úy Nguyễn Đức Hưng của Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TP.HCM, đã gắn bó với nghề hơn 10 năm qua.
Không phải là một diễn viên, chẳng phải là nghệ sĩ, thế nhưng, điều thú vị là với nhiệm vụ trinh sát của mình, Hưng vào nhiều vai diễn độc đáo cũng "ngọt" như ai. Đó là những vai diễn không cát sê, không ánh đèn sân khấu, không màn bạc. Anh bước vào ngân hàng như một khách hàng đi giao dịch hay một tay chơi tại các tụ điểm "đen",... nhưng lại là những ngón nghề hiệu quả để có thể điều tra, phá án và thắp sáng ánh đèn bình yên cho mỗi khu phố, con đường.
Với "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009" mang quân phục này thì: “Điều tôi mong mỏi nhất là được sự ủng hộ của bà con, báo tin các đối tượng khả nghi. Như thế sẽ góp phần giảm được những vụ án nguy hiểm, giữ bình yên cho xã hội”.
Nguyễn Đức Hưng đóng vai trò tích cực trong công tác điều tra khám phá thành công hơn 100 vụ án của đội, tham gia trực tiếp bắt giữ 50 đối tượng nguy hiểm. Khám phá thành công một số vụ án điển hình của thành phố: vụ cướp giật và chém người gây thương tích tại P.13, Q.Tân Bình; khám phá 2 chuyên án, triệt phá thành công 2 băng nhóm do tên Hoàng Bác sĩ và Đạt heo cầm đầu chuyên hoạt động cướp giật tài sản trước ngân hàng trên địa bàn TP; khám phá vụ dàn cảnh trộm cắp tiền trong xe ô tô do băng nhóm người Indonesia thực hiện… |
Ngày 19.12.2009, Hội đồng bình chọn danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009" đã thảo luận, bỏ phiếu bình chọn và thống nhất trao danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009" cho 5 điển hình tiêu biểu nhất gồm: 1. Bạn Đặng Tất Dũng, sinh năm 1979, Thạc sĩ Luật, Bí thư Đoàn trường ĐH Luật, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật ĐH Luật TP.HCM, Phó chủ nhiệm CLB Du học sinh TP. 2. Bạn Nguyễn Đức Hưng, sinh năm 1981, Đội Cảnh sát hình sự Đặc nhiệm - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM. 3. Bạn Nguyễn Hồng Lộc, sinh năm 1980, nhân viên Tổ quản lý dự án, Phó bí thư Đoàn cơ sở Nhà máy nước Tân Hiệp, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn. 4. Bạn Nguyễn Ngọc Quế Trân, sinh năm 1981, Nghệ sĩ cải lương Hội Sân khấu TP.HCM. 5. Bạn Dương Hiếu Trung, sinh năm 1995, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Nguyễn Huệ, Quận 4. Lễ tuyên dương “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009 sẽ được tổ chức vào lúc 9 giờ ngày 1.1.2010 tại Hội trường Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1), được truyền hình trực tiếp trên HTV9. * Điều thú vị “bên lề” đợt bình chọn "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009" là cuộc "hội ngộ" của Hồng Lộc và Quế Trân. Mê cải lương từ nhỏ, chàng trai gốc Cần Thơ với câu ca tài tử Nam Bộ, Nguyễn Hồng Lộc rất thích Quế Trân. Trong lượt bầu chọn “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009” Lộc đã dùng email của mình để “ủng hộ” Quế Trân. Sau đó, anh rất vui vì Quế Trân đã trả lời cám ơn. “Không ngờ, giờ chúng mình cùng là công dân tiêu biểu. Lộc được quen biết với nghệ sĩ mà mình yêu thích", Lộc hồ hởi kể. |
Viên An - Thành Trumg - Hiền Nhi
(*): Lời bài hát Thành phố trẻ của nhạc sĩ Trần Tiến
Bình luận (0)