Đây là hiện tượng đã được khởi đầu từ những trào lưu canh tân u hóa ở những nước có truyền thống uống trà như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đông Nam Á... Đến nay cả những nước mà việc uống trà đã thành tập tục như Anh quốc từ thế kỷ 17 thì cà phê cũng đã thắng thế.
Trường hợp đặc biệt nhất là Mỹ bởi đã đi vào lịch sử của cuộc cách mạng 1776. Thế kỷ 18 là thời gian hưng thịnh của các khoái thuyền (clipper ships) chạy buồm vun vút vận chuyển trà từ Trung Quốc sang Anh và Bắc Mỹ. Lúc đó cơ cấu độc quyền lớn nhất thế giới về trà là Công ty Đông Ấn của Anh (The English East India Company) hoạt động từ 1600 đến 1858 khai thác trà ở Trung Quốc và Assam - Ấn Độ. Để duy trì sự độc quyền này, Quốc hội Anh thông qua một đạo luật về trà (The Tea Act) vào năm 1773 dẫn đến việc chống thuế của các thuộc địa Mỹ trong Trà Hội ở Boston (The Boston Tea Party) kích động cuộc cách mạng thành công giành được độc lập năm 1776. Đối với người Mỹ, uống trà gần như đồng hóa với đế quốc Anh nên uống cà phê còn có tính chất cách mạng và yêu nước nữa. Nước Mỹ đã cổ động mạnh mẽ cho việc uống cà phê với việc ra đời các hiệp hội nghề trong ngành này và thậm chí lập ra cả ngày Cà phê quốc gia được cổ động mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng hằng năm vào ngày 29.9.
Còn đối với những xã hội truyền thống châu Á, trà về mặt lịch sử và văn hóa bị đánh đồng với thời kỳ phong kiến và cô lập là hình ảnh già nua cổ kính, trong khi cà phê mang sắc thái tân kỳ, hiện đại của u - Mỹ. Trong gia đình, thế hệ trước của ông cha nâng niu chậm rãi thưởng thức trà một mình hay với bạn hữu thì các thế hệ trẻ từ đầu tóc, quần áo, đến phong cách chạy theo những cảnh tượng được trải nghiệm qua tiếp xúc hay phần lớn qua hình ảnh của báo chí và nhất là điện ảnh muốn thoát ly khuôn khổ hẹp của gia đình để tụ tập trong những quán cà phê. Điều này thể hiện đặc biệt rõ nét ở các nước uống trà truyền thống đang dịch chuyển qua cà phê như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…
Chỉ trong vòng khoảng hơn mười năm, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc, thị trường cà phê nước này đã thực sự bùng nổ khi giá trị giao dịch nội địa đã lên tới trên 2 tỉ đô la. Điều dễ nhận thấy là trong bất kỳ bộ phim truyền hình thu hút nào của Hàn Quốc, các quán cà phê đều là tâm điểm, là bối cảnh xảy ra các câu chuyện. Chính điều này đã khiến Hàn Quốc trở thành thị trường bùng nổ và chuyên nghiệp trong lĩnh vực chuỗi quán nhượng quyền khi có tới trên 3.000 quán cà phê theo kiểu nhượng quyền mở ra ở đây.
Khi mới chuyển sang cà phê, các nước uống trà thường bắt đầu với cà phê hòa tan. Tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ cà phê hòa tan tại Trung Quốc cũng tăng mạnh tới trên 20% mỗi năm, tương tự như ở Ấn Độ. Và những nơi này đang trở thành các mảnh đất màu mỡ với những thương hiệu cà phê toàn cầu.
Cà phê xóa nhòa được lằn ranh giai cấp và giới tính, địa vị và tuổi tác thường gắn liền với việc uống trà, nhất là ở châu Á. Cho nên không gian của trà thiên về riêng tư, ở nhà, trong khi văn hóa cà phê là không gian công cộng và quan hệ là mở rộng, cộng đồng và giao dịch thương mại. Một ví dụ về mối liên hệ bền chặt giữa kinh doanh thương mại và cà phê là các tổ chức tư bản quan trọng và lâu đời nhất như Công ty bảo hiểm Lloyds lớn và uy tín nhất thế giới cũng như thị trường chứng khoán đầu tiên của thế giới ở London (The London Stock Exchange) thành lập 1773, lúc khởi đầu đều là những quán cà phê cho các thủy thủ, các thương gia và chủ đầu tư gặp gỡ nhau.
Sự dịch chuyển từ trà sang cà phê đến cuối thế kỷ 20 đã đưa cà phê thành thức uống thưởng thức hàng đầu trên toàn cầu. (Còn tiếp)
Bình Nguyên
Bình luận (0)