Băn khoăn chuyện phong danh hiệu nghệ sĩ

13/10/2010 00:01 GMT+7

Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ ra văn bản hướng dẫn cụ thể việc xét chọn nghệ sĩ vào tháng 11 tới để công bố các nghệ sĩ được phong Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú vào 2.9.2011. Trước đợt phong tặng mới, nghệ sĩ vẫn còn rất nhiều băn khoăn.

Huy chương tìm đâu?

So với lần trước thì lần này có điểm mới là quy định 2 năm xét phong tặng một lần. Nhưng như thế cũng không hiệu quả bởi kèm theo tiêu chí “trói buộc” là phải có ít nhất 2 huy chương vàng trong kỳ hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia gần nhất. Mà hội diễn thì 5 năm mới tổ chức một lần, vậy kiếm đâu ra huy chương cho kịp trong 2 năm? Huy chương càng khó tìm khi các đơn vị xã hội hóa không có kinh phí dựng vở đi thi, hoặc không mặn mà với cách chấm giải của Ban giám khảo, nên cuối cùng chỉ có đơn vị công lập tham gia. Mà nghệ sĩ tài năng trong khối đơn vị xã hội hóa lại rất nhiều, vậy họ không được huy chương nào có nghĩa là không được phong danh hiệu? Nhiều nghệ sĩ trước 1975 nay đã thuộc hàng U.60, U.70 là thiệt thòi nhiều nhất, vì họ không có điều kiện tham gia trực tiếp vào các vở dự hội diễn dù họ rất tiếng tăm.

Hội đồng xét duyệt cấp nhà nước do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thành lập xem ra khó mà sâu sát tình hình nghệ thuật ở các vùng miền khác nhau. Người miền Bắc làm sao có nhiều dịp đi xem nghệ thuật ở miền Nam? Vì vậy dễ hiểu khi tỷ lệ xét phong danh hiệu nghệ sĩ miền Bắc đa phần nhiều hơn miền Nam. Trong khi thực tế thì trái ngược: không khí biểu diễn ở miền Nam lại sôi động hơn.

Nghệ sĩ Hữu Châu bày tỏ: “Trong Nam, rất nhiều nghệ sĩ xứng đáng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) như cô Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, chú Thanh Sang... riêng chú Trường Sơn đến giờ còn chưa được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). Đó là những người mà nhắc đến tên thôi khán giả miền Nam đều phải thán phục tài năng lẫn đức độ. Sự nghiệp của họ là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo thì thử hỏi họ xứng đáng được phong tặng nghệ sĩ trong lòng nhân dân hay không?”.

Không thể không nhắc đến một tắc trách của những đợt hội diễn toàn quốc. Đó là tổ chức co cụm, mỗi vở chỉ có giấy mời cho vài trăm ghế trong khán phòng, không hề có truyền hình, giới thiệu rộng rãi để khán giả cùng biết, cùng góp ý. Vì vậy, khi nghe nói nghệ sĩ này nghệ sĩ kia được phong danh hiệu thì khán giả giật mình, vì nghe... lạ hoắc.

Nghệ sĩ điện ảnh, ca nhạc khó tìm danh hiệu

Theo Thông tư 06/2010/TT-BVHTTDL thì bắt buộc diễn viên, đạo diễn phải đoạt ít nhất 2 huy chương vàng trong Liên hoan phim quốc gia mà cụ thể là Bông sen vàng mới được xét phong tặng NSƯT hay NSND. Lĩnh vực ca nhạc cũng thế, phải đoạt huy chương vàng tại các liên hoan ca múa nhạc toàn quốc. Tuy nhiên, thông tư còn nêu thêm tiêu chuẩn được xét tặng NSƯT phải tối thiểu có 15 năm hoạt động. Chính điểm này cũng hạn chế rất nhiều những người nghệ sĩ tài năng, được công chúng mến mộ nhưng chưa đủ "tuổi nghề".

Riêng lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn từng có phim đoạt giải tại một số liên hoan phim quốc tế như Bùi Thạc Chuyên có được xét "đặc cách" NSƯT? Hay NSƯT, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng tương tự như vậy có được phong tặng NSND dù chưa đủ 15 năm từ khi nhận NSƯT? Mặt khác, giải thưởng quốc tế nào là tương đương với giải Bông sen vàng cấp quốc gia cũng không thấy ghi trong Thông tư 06.

Lâu nay, việc đòi hỏi nghệ sĩ phải làm hồ sơ khai thành tích, rồi làm giấy xác nhận do UBND phường xã ký để được xét phong tặng khiến không ít nghệ sĩ... tự ái. May là đã bỏ cái đơn xin xét phong danh hiệu. Nhưng thiết nghĩ, nghệ sĩ cần bình tĩnh hơn, cộng tác tốt hơn ở khâu liệt kê thành tích. Bởi Hội đồng cấp cơ sở chỉ nhớ chung chung và đề cử lên, còn chính nghệ sĩ mới nhớ rõ chi tiết về lịch sử làm nghề của mình, về các huy chương, các vở diễn, vai diễn đã tham gia, thì liệt kê chính xác hơn, thuyết phục hơn.


Ảnh: Đ.T 

“Lần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nghệ sĩ cả nước tới đây sẽ không cứng nhắc lệ thuộc vào số huy chương như trước. Nghệ sĩ thể hiện tài năng không nhất thiết bằng con số thống kê mà được hội đồng ghi nhận ở khả năng cống hiến cho nghệ thuật. Tuy nhiên không cứng nhắc không có nghĩa là bỏ qua các giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế. Hội đồng xét duyệt sẽ xem xét hợp tình, hợp lý từng trường hợp cụ thể. Trong quá trình thực hiện Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cần có thêm những hướng dẫn cụ thể từ Bộ VH-TT-DL”. (NSƯT Vương Duy Biên, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn)

 
Ảnh: Đ.T

“Tiêu chuẩn NSND, NSƯT phải đoạt nhiều giải thưởng nghệ thuật vàng và bạc, trong đó có ít nhất 2 giải vàng cấp quốc gia hoặc quốc tế thì theo tôi nên hạ xuống là 1 vàng, 2 bạc hoặc 1 vàng, 1 bạc để nghệ sĩ trân trọng những huy chương bạc mà họ nhận được. Đâu hẳn liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc nào cũng có vở và nghệ sĩ được xét tặng huy chương vàng. Ngoài ra cần những trường hợp xét đặc cách NSND, NSƯT cũng phải được cụ thể hóa chi tiết hơn, không thể xét theo cảm tính để tạo sự công bằng cho nghệ sĩ”. (Ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật biểu diễn Sở VH-TT-DL TP.HCM)


Ảnh: Đ.T 

“Danh hiệu NSƯT hay NSND nên xét theo tác phẩm, chứ không phải kiểu "sống lâu lên lão làng" hay căn cứ vào số huy chương cụ thể. Nhiều nghệ sĩ sẽ rất khó nhận danh hiệu vì lĩnh vực của họ không tổ chức liên hoan cấp quốc gia như các nhạc sĩ. Bởi vậy mới có tình trạng nhiều NSƯT hay NSND mà công chúng chẳng hề biết tới trong khi những người nổi tiếng, có tác phẩm đình đám lại không được phong tặng”. (Đạo diễn Lê Hoàng) 

Hoàng Kim - Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.