Băn khoăn đầu mối quản lý nợ công

18/08/2017 06:58 GMT+7

Việc tồn tại đến 3 cơ quan quản lý nợ công là Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Nhà nước là điều khiến các đại biểu vẫn băn khoăn khi cho ý kiến về dự luật Quản lý nợ công ...

Việc tồn tại đến 3 cơ quan quản lý nợ công là Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Nhà nước là điều khiến các đại biểu vẫn băn khoăn khi cho ý kiến về dự luật Quản lý nợ công tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua, 17.8.
Đây cũng là câu chuyện mà nhiều đại biểu phân vân khi Quốc hội (QH) thảo luận hồi tháng 6 tại phiên họp toàn thể. Tại phiên thảo luận chiều 17.8, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết buổi sáng cùng ngày, khi thảo luận với Bộ KH-ĐT, đặt giả sử nếu có vấn đề trong sử dụng ODA thì cũng không biết quy trách nhiệm cho bộ nào dù cơ quan nào cũng phải kiểm điểm.

tin liên quan

Đề nghị tính nợ DN nhà nước vào nợ công
Thảo luận tại hội trường sáng 16.6 về luật Quản lý nợ công, các đại biểu đề nghị cần đưa nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công, đồng thời cân nhắc việc Bộ Tài chính muốn đứng ra làm đầu mối huy động và quản lý nợ.
Ông Dũng cũng cho rằng mức lãi suất thời hạn 10 năm của các nguồn vốn trong nước hiện rẻ hơn khi vay một số định chế tài chính quốc tế nếu mức lãi suất phải chịu là 3%/năm cộng thêm phần chênh lệch tỷ giá. "Do vậy, tôi cho rằng, khi (Bộ KH-ĐT) ký hiệp định khung thì chỉ nên cam kết về tổng mức vay, còn điều kiện cụ thể không nên quy định mà chỉ đến khi ký kết cụ thể, khi đó, quyền người đi vay và bên cho vay ngang nhau", ông Dũng đề nghị, đồng thời nhìn nhận thị trường vốn trong nước đang tốt nên cần tận dụng để giảm áp lực vay nợ nước ngoài.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt tỏ ra rất băn khoăn khi tờ trình của Chính phủ thì nói mô hình phân tán mấy chục năm qua vẫn tốt, vẫn bình thường, có hiệu quả song cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính và Ngân sách lại cho rằng nên thu về một đầu mối. "Việc giữ như cũ hay nhập lại cần có đánh giá, sơ kết để làm cơ sở cho Ủy ban Thường vụ QH lựa chọn. Nếu Chính phủ chuyền bóng qua thì QH cũng phải đỡ cho gọn, nên tôi đề xuất cơ quan thẩm tra làm việc với Chính phủ để chọn phương án nào là tối ưu mà đề xuất", ông Việt nói.
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng cho hay điểm khác biệt lớn nhất chính là đầu mối cơ quan quản lý nợ. "Tập trung thì lợi gì, gom lại thì tác động gì không? Cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần ngồi lại với nhau để trình ra một điểm hợp lý nhất, nếu chưa thống nhất thì báo cáo Bộ Chính trị", ông Hiển nói.
Còn theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, tờ trình của Chính phủ chưa bám sát Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và xu hướng cải cách. "Chúng ta nên trả lại, yêu cầu Chính phủ làm rõ, đánh giá hạn chế của việc để rời rạc, phân tán như hiện nay. Dự thảo không thể đi ngược xu hướng mà Đảng đang chỉ đạo cải cách", Chủ tịch QH bày tỏ.
Đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị về tố cáo qua điện thoại, fax
Tương tự, câu chuyện tố cáo nặc danh, tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại cũng là vấn đề gây tranh luận khi Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về dự luật Tố cáo (sửa đổi) vào chiều cùng ngày.
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh sửa, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến sau kỳ họp QH vừa qua khi đã quy định tiếp nhận thông tin tố cáo qua điện thoại, fax vào dự thảo mới nhất. "Nhưng đây là chuyện có nhiều quan điểm trái chiều nên cũng xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH để Đảng đoàn QH tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị", ông Sáu nói.

tin liên quan

Tranh luận về tố cáo nặc danh
Có nên công nhận tố cáo nặc danh hay không vẫn là chủ đề gây tranh luận tại phiên họp Quốc hội chiều 16.6, khi các đại biểu thảo luận về dự luật Tố cáo (sửa đổi).
Tương tự, với tố cáo nặc danh, theo Tổng thanh tra Chính phủ, có trường hợp sợ bị trả thù nên không nêu tên nhưng khi có chứng cứ kèm theo đơn tố cáo như băng hình, ghi âm... thì không khó để các cơ quan xác minh nên cần có quy định. "Cho nên, Chính phủ đã chỉnh lý dự thảo theo hướng đơn mạo danh thì không thụ lý nhưng nếu có nội dung thông tin rõ, hành vi rõ, bằng chứng, có cơ sở thì sẽ xem xét quyết định phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra. Nhưng nội dung này Chính phủ cũng đề nghị Đảng đoàn QH báo cáo Bộ Chính trị", ông Sáu đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đều ủng hộ mở rộng thêm với các hình thức tố cáo như điện thoại, thư điện tử ngoài đơn trực tiếp. "Đơn trực tiếp hay qua thư điện tử thì cũng rõ ràng tên địa chỉ, hành vi tố cáo rõ thì sao không chấp nhận? Bởi chúng ta cũng đã có luật giao dịch điện tử, chữ ký điện tử rồi", bà Nga nói.
Dự thảo luật Quản lý nợ công mới nhất dự kiến trao cho Bộ Tài chính giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công bằng cách xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, tổng mức vay, trả nợ của ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách nước hằng năm; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm; việc bố trí nguồn để chi trả nợ trong trường hợp quỹ tích lũy trả nợ không đảm bảo nguồn chi trả nợ...
Trong khi đó, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ KH-ĐT là chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất nhu cầu sử dụng vốn vay cho đầu tư công trong cân đối tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài; làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung...
Ngân hàng Nhà nước được trao nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung, tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế mà Ngân hàng Nhà nước là đại diện và là đại diện chính thức của bên vay tại các điều ước quốc tế này...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.